b. Đông lạnh cực nhanh (ultra rapid freezing)
3.2. Ảnh hưởng của môi trường nuôi thành thục đến hiệu quả tạo phôi in
vitro của tế bào trứng trâu
Hiện nay, kỹ thuật tạo phôi in vitro đã tạo ra một nguồn phôi dồi dào, có chất lượng sử dụng cho cấy truyền phôi (Nandi và cs., 2002). Quy trình tạo phôi
in vitro được thực hiện theo các bước sau: nuôi thành thục in vitro tế bào trứng, thụ tinh in vitro tế bào trứng và nuôi in vitro tế bào trứng đã phân chia sau thụ tinh đến giai đoạn phôi dâu, phôi nang.
Mặc dù đã tạo ra được nghé từ cấy truyền phôi trâu in vitro nhưng hiệu quả của quá trình tạo phôi trâu in vitro vẫn thấp hơn khi được so sánh với bò (Chauhan và cs., 1997a). Quá trình nuôi thành thục tế bào trứng rất quan trọng, có ảnh hưởng tới sự thành công của quy trình tạo phôi in vitro. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành thục in vitro của tế bào trứng như: môi trường nuôi thành thục, chất lượng tế bào trứng, các chất bổ sung... (Gabr và cs., 2015). Để nâng cao hiệu quả quá trình tạo phôi trâu in vitro, các yếu tố kích thích tăng
trưởng như FSH, LH thường được bổ sung vào môi trường nuôi thành thục với mục đích tăng tỷ lệ tế bào trứng thành thục in vitro (Saeki và cs., 1991). Theo Abdoon và cs. (2001) việc bổ sung FSH và eCG vào môi trường nuôi thành thục có thể nâng cao tỷ lệ tế bào trứng thành thục.
Hiện nay có nhiều dạng môi trường được sử dụng trong nuôi thành thục
in vitro tế bào trứng như: TCM 199, Ham’s F-10; Ham’s F-12, DMEM. Tuy nhiên những môi trường này chỉ là những môi trường cơ bản dùng cho nuôi tế bào, không có khả năng hỗ trợ cao cho sự thành thục của tế bào trứng. Chính vì thế khi sử dụng những môi trường này trong nuôi thành thục in vitro tế bào trứng thường được bổ sung thêm huyết thanh và hormone (Kumar và Anand, 2012).
Có nhiều dạng huyết thanh bổ sung vào môi trường nuôi thành thục in vitro tế bào trứng như: huyết thanh trâu động dục (BOS); huyết thanh thai bò (FCS); huyết thanh trâu gây siêu bài noãn (SBS); huyết thanh bê đực (SS). Chauhan và cs., 1998a đã nghiên cứu hiệu quả của việc sử dụng FCS, SBS, BOS và SS đối với tế bào trứng trâu. Việc nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa các loại huyết thanh này là khó do có sự sai khác giữa các nhóm thí nghiệm. Theo các tác giả này, mức độ giãn nở của tế bào nang và thành thục của nhân là không khác nhau giữa các nhóm. Tỷ lệ phân chia với FCS là thấp hơn so với BOS, SBS, SS. Trong khi đó tỷ lệ phôi phân chia phát triển đến phôi nang với SBS lại cao hơn so với BOS, FCS và SS. Tuy nhiên, đa số các phòng thí nghiệm thường sử dụng FCS là dạng huyết thanh phổ biến bổ sung vào môi trường nuôi tế bào.
Đã có một số nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh các dạng môi trường và các chất bổ sung vào môi trường nuôi thành thục in vitro tế bào trứng trâu (Chauhan và cs., 1997b; Gasparrini và cs., 2006; Gabr và cs., 2015). Trong nghiên cứu này, với mục đích nâng cao hiệu quả tạo phôi trâu in vitro từ tế bào trứng trâu sau đông lạnh – giải đông, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá
ảnh hưởng của một số dạng môi trường nuôi thành thục đến sự thành thục và