4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1.4.3. Ảnh hưởng của nồng độ chất bảo vệ lạnh đến tế bào trứng
Bảo quản lạnh tế bào trứng động vật có vú đã đạt được nhiều sự thành công khi sử dụng kỹ thuật thủy tinh hóa thay cho phương pháp đông lạnh chậm trong những năm gần đây (Chian và cs., 2004; Vajta và Nagy, 2006). Kết quả một số nghiên cứu đông lạnh tế bào trứng trâu trước đây cho thấy thủy tinh hóa là phương pháp bảo quản lạnh tế bào trứng trâu hiệu quả hơn so với đông lạnh chậm, đặc biệt là với trứng trâu chưa thành thục Gautam và cs., 2008a; Gautam và cs., 2008b). Mặt khác nồng độ chất bảo vệ lạnh cũng là một trong những yếu tố mang lại sự thành công cho quá trình này. Theo các nghiên cứu đã được công bố thì giới hạn về việc sử dụng nồng độ các chất bảo vệ lạnh trong quá trình bảo quản lạnh tế bào trứng khá rõ ràng, nồng độ tối đa có thể chấp nhận của chất bảo vệ lạnh thấm màng là 10M, nếu quá nồng độ này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả bảo quản lạnh trứng trâu (Yadav và cs., 2008; Dhali và cs.,2000a; Wani và cs., 2004a). Việc tăng nồng độ các chất bảo vệ lạnh quá giới hạn cho phép sẽ làm
giảm khả năng sống của trứng trâu sau khi chúng tiếp xúc với chất bảo vệ lạnh (Karima và cs., 2010). Tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất trong việc lựa chọn một nồng độ chất bảo vệ lạnh tối ưu cho quá trình đông lạnh tế bào trứng. Theo Yadav và cs. (2008) thì ở nồng độ 8M tế bào trứng có khả năng sống sau đông lạnh-giải đông tốt nhất; trong khi đó Wani và cs. (2004a) thì lại cho rằng tỷ lệ thành thục in vitro cao nhất của tế bào trứng trâu sau đông lạnh-giải đông được quan sát thấy khi tế bào trứng được thủy tinh hóa ở nồng độ 7M đối với tất cả các chất bảo vệ lạnh mà họ nghiên cứu.