Thủy tinh hóa tế bào trứng và phôi bằng cọng rạ truyền thống đều sử dụng cọng rạ 0,25ml chứa mẫu. Bằng cách này tốc độ đông lạnh đạt khá cao và có thể trên 2500oC/phút. Tuy nhiên khi sử dụng cọng rạ 0,25ml để chứa mẫu thì lượng thể tích dung dịch chứa mẫu vẫn khá lớn (25-200μl). Theo đó về mặt lý thuyết tốc độ đông lạnh-giải đông có thể đạt được là khá hạn chế. Lợi ích chính của bảo quản lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa trong cọng rạ truyền thống là không gây tổn thương cho tế bào trứng trong quá trình đông lạnh. Tính chất vật lý thể hiện rõ nhất của quá trình này là sự đông đặc của dung dịch ở dạng tinh thể ở nhiệt độ thấp, mà không có sự hình thành tinh thể đá nội bào. Đông lạnh theo phương pháp thủy tinh hóa trong cọng rạ truyền thống hiện nay đang được sử
dụng khá phổ biến. Phương pháp này thường sử dụng các chất bảo vệ lạnh có nồng độ cao do tính nhầy của chúng làm cho nước bị đông đặc mà không có sự giãn nở để loại trừ sự hình thành tinh thể đá nội bào. Quá trình thủy tinh hóa trong cọng rạ truyền thống đã đạt được một số thành công ở chuột (Edashige và cs., 2003), người (Katayama và cs., 2003), bò (Luna và cs., 2001; Albarracin và cs., 2005a, b), lợn (Huang và Holtz., 2002), ngựa (Hurt và cs., 2000), trâu (Dhali và cs., 2000a,b; Hufana-Duran và cs., 2004; Hammam và El- Shahat, 2005).
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thì nhược điểm của quá trình thủy tinh hóa trong cọng rạ truyền thống là các chất bảo vệ lạnh được sử dụng với nồng độ cao, điều này dễ làm cho tế bào trứng bị những ảnh hưởng bất lợi do độc tố của chất bảo vệ lạnh gây ra. Thêm vào đó, lượng thể tích dung dịch chứa mẫu vẫn khá lớn cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ đông lạnh. Để giảm ảnh hưởng bất lợi của các chất bảo vệ lạnh lên trứng thì trước khi đưa tế bào trứng vào dung dịch thủy tinh hóa có đủ nồng độ cần thiết phải đưa tế bào trứng vào một dung dịch khác có nồng độ thấp hơn, thường là bằng ½ nồng độ cuối cùng (Hammam và El- Shahat, 2005; Sharma và Purohit., 2008). Ngoài ra trong quá trình giải đông, để loại bỏ các chất bảo vệ lạnh thấm màng, dung dịch giải đông thường được kết hợp với chất bảo vệ lạnh không thấm màng, nhờ đó có thể làm giảm bớt những ảnh hưởng bất lợi của chất bảo vệ lạnh đến khả năng phát triển tiếp theo của tế bào trứng (Karima và cs., 2010). Mặc dù có kết quả tốt hơn so với đông lạnh chậm nhưng tỷ lệ tế bào sống sau đông lạnh-giải đông của thủy tinh hóa trong cọng rạ truyền thống vẫn kém hơn so với phương pháp đông lạnh cực nhanh.