Bảo quản lạnh tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân (MII)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đông lạnh tế bào trứng trâu đầm lầy (Bubalus bubalis) (Trang 57)

b. Đông lạnh cực nhanh (ultra rapid freezing)

1.6.2.Bảo quản lạnh tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân (MII)

Tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân MII đã mất đi liên kết với các tế bào nang một cách tự nhiên, hơn nữa các nang bào cũng dãn cách xa nhau. Vì vậy mà khả năng thấm màng của trứng ở giai đoạn này cao hơn trứng ở giai đoạn GV hoặc chưa thành thục. Liang (2010); Mahmoud và cs. (2010a) cho rằng tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân MII là phù hợp nhất để sử dụng cho bảo quản lạnh do chúng có tính ổn định màng tốt hơn trong quá trình đông lạnh. El- shahat và Hammam (2005); Sharma và Loganathasamy (2007) cũng nhận thấy khả năng sửa chữa những tổn thương lạnh của tế bào trứng trâu thành thục là cao hơn so với tế bào trứng trâu chưa thành thục.

Nhưng có một số vấn đề nảy sinh khi bảo quản lạnh tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân MII. Đó là khi cho chúng tiếp xúc với nhiệt độ dưới mức nhiệt độ sinh lý sẽ gây ra những tổn thương cho một số cấu trúc của chúng như cấu trúc của thoi vô sắc (Mandelbaum và cs., 2004), làm sai lệch bộ NST (Sathananthan và cs., 1988), tăng hiện tượng bội thể và giảm khả năng thụ tinh (Wood và cs., 1992). Những tổn thương của tế bào trứng chỉ xảy ra do tiếp xúc với dung dịch thủy tinh hóa trước khi đông lạnh (Fuku và cs., 1995). Nhiều báo cáo đã chứng minh rằng quá trình bảo quản lạnh (Aigner và cs., 1992); các chất bảo vệ lạnh (Vincent và cs., 1989; Aigner và cs., 1992) hoặc quá trình đông lạnh (Aman và Parks, 1994) có thể gây ra sự khử polymer và làm hỏng cấu trúc các vi ống của thoi phân bào. Việc này sẽ dẫn đến sự phân tán NST khỏi tấm trung kỳ và phát sinh thể dị bội (Liang, 2010). Ngoài ra, bảo quản lạnh tế bào trứng ở giai đoạn thành thục nhân MII có thể gây nên hiện tượng hóa rắn màng sáng, nhưng vấn đề này có thể khắc phục được bằng kỹ thuật vi tiêm tinh trùng vào tế bào chất của trứng (ICSI). Liang và cs. (2011) đã sử dụng phương pháp bảo quản lạnh bằng thủy tinh hóa vi giọt tế bào trứng trâu ở giai đoạn thành thục nhân MII

bằng phương pháp vi giọt, sau đó sử dụng kỹ thuật ICSI để thụ tinh tế bào trứng sau đông lạnh – giải đông. Kết quả cho tỷ lệ thụ tinh đạt 43%; tỷ lệ tạo phôi nang đạt 15%. Sự khác nhau giữa các quan điểm về giai đoạn phát triển tế bào trứng sử dụng cho quá trình bảo quản lạnh khiến cho việc lựa chọn một giai đoạn phát triển tối ưu của tế bào trứng không hề đơn giản cho những nhà nghiên cứu về sinh sản và phôi sinh học động vật có vú.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đông lạnh tế bào trứng trâu đầm lầy (Bubalus bubalis) (Trang 57)