- Các loại di vật nhỏ: Các loại hình di vật nhỏ như đồ trang sức, tấm niêm
2.1.2. Trang phục, trang sức
Nhu cầu về mặc xuất hiện sau nhu cầu ăn uống, nhưng không kém phần quan trọng trong quá trình phát triển của loài người. Áo quần trong giai đoạn đầu của loài người không chỉ có tác dụng che chắn những bộ phận của cơ thể mà còn có tác dụng chống lại thời tiết, đối phó với các loại côn trùng, ruồi, muỗi - nhất là trong một môi trường mà “muỗi kêu như sáo thổi” như vùng ĐBSCL. Ngoài ra, trang phục còn thể hiện trình độ phát triển của con người trong từng giai đoạn lịch sử.
Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào viết về cách ăn mặc, đầu tóc của cư dân Óc Eo một cách đầy đủ, cụ thể. Tuy nhiên, thông qua một vài gợi ý từ thư tịch cổ Trung Quốc và hệ thống các tượng thờ Phật giáo, Hindu giáo cùng những di vật là đồ trang sức có thể cho ta đoán định được một hình ảnh tương đối về cách ăn mặc, đầu tóc của cư dân vùng ĐBSCL trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Đầu tóc: Qua các di vật để lại cho thấy cư dân Óc Eo thường có những cách thể hiện kiểu tóc khác nhau, ít nhất là có sự phân biệt giữa đầu tóc của nam và nữ.
Đối với đàn ông, qua một số hình ảnh như tượng thờ, hình mặt người, các bức phù điêu… cho thấy, đàn ông trong xã hội Óc Eo thường có mái tóc cắt ngắn. Cụ thể, bức chân dung hình người đàn ông đắp nổi bằng đất nung được phát hiện tại Óc Eo - Ba Thê [hình 4; 2.4] cho thấy, tóc của người này được cắt ngắn, xoăn, có màu đen. Cũng trong một hình khác ở BTĐT [hình 8; 2.4] cho thấy, tóc được cắt cao qua hai tai, hơi xoăn. Ngoài ra, một đầu nam thần được tìm thấy ở An Giang [hình 7; 2.4] cho thấy, tóc xoăn, ngắn, để lộ hai lỗ tai, tạo thành từng lọn nhỏ. Như vậy, qua một số hình ảnh trên cho thấy, đa số các tượng nam thần đều có mái tóc cắt ngắn, để hở hai tai, một số kiểu tóc được làm theo tiêu chí chung của tôn giáo. Chẳng hạn như tượng Phật thường có mái tóc xoăn; thần Siva tóc tết hoặc để tự nhiên, đôi khi lại thể hiện là các lọn tóc hình con rắn; thần Vishnu thường đội mũ trụ. Ở Nam Việt Nam cũng như trong nghệ thuật tiền Ăngkor ở Campuchia, sự thể hiện tóc của các thần có thể đã phản ánh kiểu tóc mà cư dân cũng từng ưa chuộng.
với mái tóc được búi cao, đầu đội mũ. Tượng bị bào mòn bởi thời gian nên không rõ mặt mũi, không phân biệt được nam hay nữ. Hay tấm phù điêu một nam, một nữ đang ngồi ân ái được tìm thấy ở Óc Eo, An Giang [hình 6; 2.4], người nam nhìn không rõ, những có thể được thể hiện với mái tóc ngắn, còn người nữ tóc ngang vai hoặc quấn ngang vai.
Đặc biệt, kiểu tóc được búi về một bên hoặc tết đuôi sam, sau đó quấn quanh đầu có thể là kiểu tóc đặc trưng của phụ nữ Óc Eo. Những kiểu tóc này được tìm thấy rất nhiều trong các
tượng nữ thần và hình mặt người. Trong một di vật đầu người mặt sư tử, được tìm thấy ở Óc Eo, An Giang [hình 5; 2.4] cho thấy, tóc được tết thành đuôi sam sau đó quấn tròn, búi cao sang bên phải. Hình mặt người phụ nữ được trưng bày tại BTAG (hình 2), tóc cũng được quấn tròn, búi sang bên
trái tạo thành hình xoáy trôn ốc rất đẹp. Hình 2: Đầu người phụ nữ Hay một số tượng nữ thần Laksmi tóc được vuốt lên thành búi trên đầu và buông thành các lọn lớn hai lớp, kết thúc trên đỉnh bằng một vành tròn trơn. Kiểu tóc này gần gũi với một số tượng Hindu giáo có lối tóc tết buông thành nhiều lọn quanh đầu [74, tr.109]. Đầu tượng nữ thần được phát hiện ở di tích Gò Tháp [hình 6; 2.12] hay tượng thần Brahma được phát hiện ở Giồng Xoài, Óc Eo [hình 5; 2.12], có lối “vuốt tóc thành búi cao trên đỉnh và buộc ngang bằng những sợi ruy băng có khi được trang trí các viên ngọc tròn” [74, tr.110]. Với lối buộc tóc này đã thể hiện được những nét gần gũi với các tượng thần Siva ở Kausambi, Ấn Độ thuộc nghệ thuật Gupta thế kỷ III-IV. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự biến đổi trong cách thể hiện. Việc kéo dài chiều cao của búi tóc, những đường tóc dọc có độ lớn, độ sâu vừa phải và dây ruy băng được trang trí
nhẹ nhàng, kết hợp với nét thanh mảnh trên khuôn mặt tạo cho pho tượng một vẻ đẹp nữ tính rất duyên dáng [74, tr.110]. Đa số tượng Phật được phát hiện ở Nền Chùa, Kiên Giang đều có kiểu tóc xoắn ốc được thể hiện bằng các chấm li ti, chỏm Usnisa nổi cao [74, tr.54]. Như vậy, kiểu tóc búi cao hoặc một bên (trái hoặc phải) có thể là kiểu phổ biến nhất trong giới nữ của cư dân Óc Eo trong cả giai đoạn sớm và giai đoạn muộn.
Ngoài ra, còn một kiểu tóc khác là búi trễ sau gáy. Kiểu tóc này được thấy ở hình người phụ nữ chơi đàn trên mảnh gốm ở BTKG và trên mảnh vàng phát hiện ở Gò Xoài, Long An (hình 3). Trên một mảnh gốm mịn ở Nền Chùa [hình 10; 2.4] có đắp nổi hình hai nhạc công, một nam, một nữ. Nhân vật nữ tóc búi sau gáy, còn nhân vật nam do quấn khăn trên đầu nên không thấy rõ mái tóc. Có thể đây là
Hình 3: Hình phụ nữ Gò Xoài [Nguồn: 74, tr141]
kiểu tóc dành cho những người phụ nữ thuộc tầng lớp thường dân hay các nhạc công, vũ nữ... trong xã hội Óc Eo?
Mũ đội đầu: Các tượng thần Hindu thường có những chiếc mũ hình ống tròn, đôi khi có những hoa văn khác nhau. Các tượng thần Vishnu ở vùng ĐBSCL đa số là những chiếc mũ hình ống, ít hoa văn. Riêng tượng Vishnu ở Óc Eo, An Giang có chiếc mũ khá đặc biệt với hình ống dẹt, chỉ gắn trên đỉnh đầu có dây buộc xuống cằm, để lộ một phần đầu trơn nhẵn. Tượng thần Hari hara ở Ba Thê, An Giang [hình 20; 2.12] đội chiếc mũ hình ống, chia thành hai nửa. Một bên được trang trí như những lọn tóc, nửa còn lại không có hoa văn cho thấy sự kết hợp giữa hai vị thần Vishnu và Siva. Tượng thần Brahma được tìm thấy ở Ba Thê, An Giang có ba đầu với ba chiếc mũ có hoa văn rất đẹp. Như vậy cho thấy, mỗi vị thần đều có những chiếc mũ riêng. Điều này chứng tỏ trong xã
hội Óc Eo, rất có thể những chiếc mũ đại diện cho các tầng lớp trong xã hội, nhất là những người theo Hindu giáo. Mỗi tầng lớp trong xã hội có thể được quy định bởi những chiếc mũ có hình dáng, hoa văn khác nhau.
Như vậy, có thể nói rằng, lối để tóc trần hoặc búi sau gáy (nữ) hay cuốn lại bằng khăn (nam) rất phổ biến trong cư dân Óc Eo. Sử liệu Trung Hoa ghi chép lại rằng: “Người Phù Nam trước kia thích xăm mình và trần truồng, tóc để xoã trên lưng và không biết quần áo gì cả” [48, tr.14] (Lương Thư). Ở đây từ những hình ảnh của các bức tượng cho đến thư tịch cổ Trung Hoa đều không đề cập đến kiểu tóc để xoã ngang vai là kiểu của nam hay nữ. Rất có thể kiểu tóc này không có sự phân biệt của nam hay nữ mà được cả nam và nữ bình dân ưa chuộng. Trong khi đó, người quyền quý, có nhiều kiểu tóc khác nhau, sử dụng khăn, ruy băng, chuỗi ngọc, mũ… để trang trí.
Trang phục: Theo truyền thuyết thời kỳ đầu lập quốc, người dân Phù Nam lúc ban đầu có tục “xăm mình và trần truồng, tóc để xoã trên lưng và không biết quần áo gì cả” [48, tr.14]. Nhưng sau khi lấy Liễu Diệp làm vợ, Hỗn Điền
“không thích thân hình loã lồ (của vợ) nên lấy vải (tức xà rông) luồn qua đầu” [2, tr.155]. Tuy nhiên, ở trên, chúng ta đã chứng minh nghề dệt đã rất phát triển trong thời đại Óc Eo. Đặc biệt, thời kỳ này có thể các loại vải được dệt ra với nhiều loại dày, mỏng, kẻ ngang, kẻ sọc, kẻ ô vuông và có thể đã có những hoa văn khác nhau. Như vậy, có thể thấy, cư dân thời kỳ này mặc không phải chỉ để che chắn mà còn để làm đẹp. Vải có thể đã được các thợ nhuộm nhuộm thành nhiều màu sắc với những hoạ tiết khác nhau. Theo Nam Tề Thư, Lương Thư ghi lại rằng: con trai nhà giàu cắt gấm thành từng tấm mà quấn ngang, người nghèo thì lấy vải bố che thân [2, tr.155]. Như vậy cho thấy, trong cách ăn mặc của cư dân Óc Eo đã có sự phân chia giàu nghèo rất rõ nét.
Ngoài ra, trang phục của cư dân Óc Eo còn để lại những dấu vết đáng tin cậy trên các tượng thần, phật và qua những hình người khắc hoạ trên vàng được phát hiện trong các di chỉ mộ táng. Những bộ trang phục trên các tượng thần rất phong phú, đa dạng. Tuỳ vào giới tính, địa vị xã hội… các bức tượng có những
cách thể hiện trang phục khác nhau. Những trang phục có hoa văn kẻ ô vuông, kẻ ngang, kẻ sọc có thể là của những người có địa vị trong xã hội, những người thuộc tầng lớp trên. Trang phục của những nô lệ, người thuộc tầng lớp dưới được thể hiện một cách đơn giản hơn. Điều này đã được thể hiện qua một pho tượng đồng được coi là tượng người nô lệ được phát hiện ở di tích Óc Eo, An Giang. Tượng có thân dưới đóng khố, dây buộc trước bụng, thả dài đến chân, mình để trần, chân đất, không đeo đồ trang sức. Một hình phụ nữ chạm nổi trên tấm thiếc được coi là thuộc tầng lớp dưới, tầng lớp lao động, phía trên để trần, phía dưới mặc váy. Hay hình hai nhạc công gồm một nam, một nữ dập trên đồ gốm phát hiện được ở khu di tích Nền Chùa [hình 10; 2.4] có thể thuộc tầng lớp giữa. Trong đó, hình nữ có tóc uốn dài xuống đến vai, thân trên để trần, cổ và tay đeo nhiều vòng trang sức, thân dưới mặc váy dài, mỏng, có nếp gấp nhỏ; hình nam đầu đội mũ vải, thân trên để trần, cổ đeo vòng, ngồi trong tư thế chống chéo chân nên không nhận biết được đồ mặc bên dưới [13, tr.129].
Các tượng nam thần hầu như có lối trang phục gần giống nhau. Các thần Vishnu, Siva, Brahma, Harihara và các nam thần khác đều để mình trần, phía dưới quấn xà rông hoặc sampot, có dây buộc ngang bụng [hình 11; 2.4]. Trang phục của nam có nhiều kiểu khác nhau, có thể chia thành hai nhóm: nhóm khố ngắn đến đầu gối và nhóm dài đến chân.
Các tượng nữ thần đều để mình trần, để lộ bộ ngực đầy đặn, phía dưới mặc váy dài phủ đến chân, có dây buộc ở eo. Chẳng hạn như hình chạm người đàn bà trên lá vàng ở Đá Nổi mình đển trần, dưới mặc váy mỏng để lộ những đường nét của cơ thể. Đây có thể là nữ thần Devata hoặc vũ nữ Apsara.
Ngoài ra, trên nhiều lá vàng phát hiện được trong các di chỉ mộ táng 85ĐN.M2 và 85ĐN.M3 có chạm người hoặc thần, thân khoác vài kiểu trang phục khác lạ: hình 10 người có đội mũ, mình để trần hay có mặc áo bó sát thân, dưới mặc quần, đi một loại giày giống ủng; hình 7 người có trang phục khá giống nhau như đầu đội mũ vải hoặc vấn khăn, mặc áo có xẻ giữa và bó sát mình, quần giống như quần xà cạp, bên hông phải có đeo một túi vải nhỏ. Những
kiểu trang phục này chắc hẳn có nguồn gốc từ bên ngoài. Đó là lối trang phục của những “ngoại kiều”, quý tộc, tăng lữ từ phương Bắc đến sinh sống hoặc truyền đạo ở đây.
Còn đối với các tượng Phật, có hai kiểu trang phục khác nhau: Các pho tượng bằng gỗ thường là trang phục dài đến gót chân. Bên ngoài của nhiều tượng còn có dấu vết của một loại áo khoác rộng. Trên một tượng Phật bằng đồng tìm thấy ở Gò Cây Thị thuộc khu di tích Óc Eo [hình 17; 2.12] có trang phục thân trên là áo nhiều lớp, bên ngoài khoác áo cà sa dài đến bàn chân.
Trên các tượng, các vị thần Phật thường không có giày dép. Tuy nhiên có thể thời kỳ này cư dân Óc Eo đã sử dụng những đôi giày để đi lại. Theo sử liệu Trung Hoa ghi lại “năm thứ 6 triều Thái Khương (285) vương quốc Phù Nam dâng lễ cống 100 đôi giày gọi là Bảo hương lý” [48, tr.21].
Như vậy, từ những quan sát nói trên, có thể xác định được rằng, vào thời đại Óc Eo, trang phục đã khá phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Đó là kiểu trang phục mộc mạc, bình dị, giống nhau từ người đến thần với đặc điểm chung là mình trần, chân đất, tai, cổ và tay thường có đeo đồ trang sức; nam đóng khố hay vấn sampot, nữ mặc váy, thường là dài xuống đến chân. Nhìn chung, đây là lối ăn mặc truyền thống của cư dân vùng Đông Nam Á, vốn đã có từ trước đó trong các cộng đồng cư dân cổ sống ở vùng khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên, những kiểu trang phục này chưa hẳn đã tiêu biểu cho mọi tầng lớp cư dân mà có thể chỉ đại diện cho một tầng lớp nhất định trong xã hội Óc Eo. Các nghệ nhân bản địa đã khoác lên mình vị thần những bộ trang phục có thể do họ tưởng tượng ra hoặc từng thấy nó trong xã hội, với mong muốn, những vị thần linh có thể phù hộ cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Trang sức: Cư dân Óc Eo rất thích đeo đồ trang sức. Nó được thể hiện qua việc tìm thấy rất nhiều đồ trang sức trong văn hoá Óc Eo với các chất liệu khác nhau như vàng, đồng, thuỷ tinh, đá quý…
Ngoài ra, có thể nhận thấy sở thích đeo các loại đồ trang sức được thể hiện trên những bức tượng tròn ở vùng ĐBSCL. Chẳng hạn tượng phát hiện ở Gò
Đồn (Long An) [hình 15; 2.12] có đeo vòng cổ, hoa tai, vòng tay, hay hình ảnh người phụ nữ chơi đàn [hình 10; 2.4] cũng được đeo rất nhiều đồ trang sức.
Nhìn chung, từ những hiện vật khai quật cũng như từ tư liệu thư tịch cổ Trung Hoa có thể hình dung trang phục của cư dân Óc Eo: phụ nữ mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín; đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần, cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều đồ trang sức, bùa đeo. Người giàu có dùng trang sức vàng, bạc, kim cương, đá quý; người nghèo đeo trang sức bằng đồng, thiếc, các loại hợp kim chì, thuỷ tinh, đất nung… Đó cũng là trang phục của thần linh, nam và nữ [55, tr.53]. Thông qua trang phục, có thể thấy được phần nào trình độ phát triển của xã hội Óc Eo - có sự phân hoá giàu nghèo rõ rệt.
2.2. CƯ TRÚ