ĐỜI SỐNG SINH HOẠT HÀNG NGÀY 1 Ăn uống

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 58 - 62)

- Các loại di vật nhỏ: Các loại hình di vật nhỏ như đồ trang sức, tấm niêm

2.1. ĐỜI SỐNG SINH HOẠT HÀNG NGÀY 1 Ăn uống

2.1.1. Ăn uống

Văn hoá Óc Eo là một nền văn hoá cổ, cư dân Óc Eo đã đi đâu, ở đâu đến nay không ai biết một cách chính xác. Vì vậy, để xác định một cách chính xác cư dân Óc Eo ở miền TNB ăn cái gì? ăn như thế nào? (cách chế biến), ăn bằng cái gì? uống gì? là một vấn đề không dễ dàng. Tuy nhiên, dựa vào những tài liệu khảo cổ học, thư tịch cổ Trung Quốc và một nghề nông phát triển đã được chứng minh ở trên có thể đoán định một cách khái quát về những thói quen ăn uống của cư dân Óc Eo ở miền TNB trong mười thế kỷ đầu Công nguyên.

Tập quán ăn uống của một cộng đồng cư dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, môi trường tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất quyết định các món ăn, cách thức ăn, thói quen ăn… của cộng đồng cư dân đó.

Cư dân Óc Eo là cộng đồng sống trong vùng chịu ảnh hưởng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, phù hợp các loại cây cối phát triển. Lượng phù sa từ các con sông bồi đắp hằng năm làm cho ruộng đồng thêm màu mỡ. Qua các tư liệu khảo cổ học cho thấy, nghề trồng lúa nước ở vùng ĐBSCL mười thế kỷ đầu Công nguyên đã rất phát triển, với nhiều giống lúa khác nhau, chủ yếu là giống lúa gạo tẻ. Cư dân nơi đây “trồng một năm thu hoạch ba năm” (Tấn Thư). Họ biết tách các hạt lúa để nấu thành cơm. Điều này được thể hiện qua việc phát hiện nhiều dấu tích của lúa gạo, vỏ trấu trong các di tích Gò Tháp, Óc Eo, Nền Chùa… Ngoài ra, các sử liệu Trung Quốc cũng đề cập đến một số phong tục của người Phù Nam liên quan đến truyền thống ăn cơm như trong quyển “Ngoại quốc truyện”, “Khi trong nhà một người Phù Nam mất đồ đạc, gia chủ lấy một hũ cơm đem vào đền thờ nhờ Thần Thánh bắt kẻ trộm” [48, tr.18]. Như vậy, có thể khẳng định, nguồn lương thực chính nuôi sống cư dân Óc Eo là lúa gạo (gạo tẻ).

Ngoài ra, trong thành phần lương thực và thực phẩm của cư dân Óc Eo, có thể còn sử dụng các loại hoa màu khác như khoai lang, khoai mì, khoai mỡ… hoặc có thể xay các loại gạo thành bột để chế biến các loại bánh, làm cho bữa ăn thêm phong phú. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một phát hiện nào liên quan đến các loại lương thực và cách chế biến này.

Như đã đề cập trên, nghề làm vườn trồng các loại rau, củ, quả của cư dân Óc Eo đã rất phát triển. Họ có thể trồng các loại rau hoặc cũng có thể hái những loại rau dại xung quanh nhà để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho bữa ăn.

Nguồn thực phẩm bị chi phối bởi môi trường khí hậu, đất đai của từng địa phương. Vùng ĐBSCL là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu do được phù sa bồi đắp hàng năm, thuận lợi cho cây cối phát triển. Vì thế, các loại rau, củ, quả ở đây rất phong phú, đa dạng. Nơi đây được xem là vùng đất của các loại hoa quả như dừa, xoài, cam, quýt, bòn bon, dâu da… mà thư tịch cổ từng nhắc đến. Bên cạnh đó, việc phát hiện dấu tích của các loại vỏ trái cây [hình 8; 2.9] trong các di chỉ cư trú và hình ảnh các loại trái cây in trên lá vàng đã có thể khẳng định, cư dân Óc Eo đã trồng các loại cây ăn trái để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho mình. Được hình thành từ những vùng đất phù sa mới phì nhiêu, các nhánh sông lớn nhỏ của hệ thống sông Mê Kông đổ ra biển, cùng với hệ thống các con kênh đào chằng chịt của ĐBSCL đã tạo điều kiện cho các loài thuỷ hải sản sinh sôi, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho cư dân nơi đây. Cùng với cơm, cư dân Óc Eo đã đánh bắt tôm, cua, cá… sẵn có trong tự nhiên để phục vụ cho bữa ăn của mỗi gia đình. Điều này được chứng minh qua việc tìm thấy nhiều dấu vết của các loài thuỷ hải sản như xương cá, mai rùa [hình 2; 2.9], vỏ ốc, nghiêu, hàu [hình 6; 2.9] … trong các di tích cư trú, trong các đống rác bếp cùng thời.

Những lúc bắt được nhiều tôm cá, họ có thể chế biến thành thức ăn khô, hay làm mắm. Dấu tích của những món ăn này chính là sự xuất hiện của những chiếc hũ, lọ với nhiều kích cỡ to nhỏ, kiểu dáng khác nhau. Có những cái miệng nhỏ, cổ ngắn, bản miệng loe cong (như ở Gò Hàng), cũng có những cái cổ cao,

chân đế thấp, đường kính miệng rộng (như ở Gò Xoài),… Nhưng đa số hũ, lọ gốm trong văn hoá Óc Eo đều có thân phình rộng, kích thước chiều rộng của thân luôn lớn hơn chiều cao [hình 17; 2.1]. Tuỳ vào loại hình, kích cỡ của hũ, lọ, cư dân Óc Eo sử dụng chúng cho những mục đích khác nhau. Những chiếc hũ lớn có thể dùng để làm mắm - một trong những món ăn được cư dân Óc Eo xưa kia cũng như cư dân Nam Bộ hiện nay ưa thích, đây cũng là một trong những cách tích trữ thực phẩm những lúc bắt được nhiều thuỷ hải sản. Cũng có khi những chiếc hũ có kích thước lớn hơn được dùng để đựng hạt giống...

Bên cạnh đó, thịt cũng là một loại thực phẩm được cư dân nơi đây chú trọng. Họ có thể chăn nuôi gà, chó, heo hoặc săn bắt các loại thú rừng như hươu, nai… để bổ sung nguồn thực phẩm cho gia đình. Minh chứng cho giả thuyết này chính là dấu tích của các loại xương gia súc, gia cầm [hình 7; 2.9] mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong các đống rác bếp trong di tích cư trú.

Bên cạnh đó, cư dân Óc Eo còn có các loại hoa quả để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, làm cho bữa ăn của cư dân nơi đây thêm phong phú. Điều này đã được chứng minh qua đợt thám sát năm 2011, tại Gò Tư Trâm (Ba Thê, An Giang), các nhà khảo cổ đã phát hiện các loại hạt trái cây [hình 8; 2.9] ở độ sâu 3m.

Như vậy, có thể thấy, cơ cấu bữa ăn của cư dân Óc Eo không khác so với ngày nay. Họ ăn cơm, rau là chính, sau đó đến tôm cá là nguồn lương thực sẵn có trong thiên nhiên, và cuối cùng mới đến thịt.

Các loại lương thực, thực phẩm có thể đã được người dân nơi đây chế biến theo nhiều cách: kho, nướng, luộc, nấu canh, làm mắm… Điều này được thể hiện trước hết qua nhiều loại hình gốm gia dụng. Những chiếc tô, bát, đĩa là vật dùng để đựng thức ăn không thể thiếu trong môi trường khí hậu nóng, oi và rất thích ứng với cơm - thứ sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước. Nó là một trong những loại đồ dùng thiết yếu trong đời sống xã hội, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cư dân Óc Eo ở miền TNB, mà qua đó, những phong tục và tập quán ẩm thực được thể hiện một cách rõ nét nhất.

Có những chiếc bát, cốc nhỏ, giống với kích thước những chiếc bát đựng nước chấm hiện nay, có thể chúng được dùng đựng nước chấm, đựng cơm và cũng có thể được dùng để uống nước, uống rượu [hình 2; 2.9]. Ngoài ra, còn có loại bát (tô) lớn hơn có thể dùng để đựng canh. Những di vật bát, đĩa, tô bằng gốm cho thấy, đó là những chiếc bát thô, nặng, áo gốm dễ bong tróc, không bóng, không trang trí hoa văn. Ở Gò Minh Sư (hình 1) đã phát hiện một chiếc bát bồng, có thể cũng được dùng với mục

đích đựng cơm hoặc canh. Đây là chiếc bát bồng còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy ở miền TNB, có chân đế thấp, miệng loe cong.

Từ đó có thể xác định, cơ cấu bữa ăn của cư dân Óc Eo ở miền TNB gồm

có món cơm, canh, kho hoặc luộc. Hình 1: Bát bồng

Gia vị: có thể khẳng định rằng cư dân Óc Eo đã sử dụng các loại gia vị trong việc chế biến các món ăn. Bằng chứng là những chiếc hũ, lọ nhỏ bằng gốm [hình 15, 16; 2.1] đã được cư dân nơi đây dùng để đựng những gia vị trong nấu nướng. Bên cạnh đó, các loại gia vị là một trong những đặc sản của cư dân vùng Đông Nam Á nói chung, cư dân Óc Eo nói riêng. Nó trở thành loại hàng hoá đặc biệt được đưa đến các nền văn minh mới nổi ở châu Âu và Tây Á, rồi tiếp tục theo bờ Đông châu Phi đến trung tâm văn hoá cổ đại ở Ai Cập và Lưỡng Hà.

Đồ uống: cư dân Óc Eo có thể sử dụng các loại lá để nấu nước để uống. Điều này được thể hiện qua việc phát hiện nhiều chiếc ấm (bình có vòi, Kendi trong các di tích Óc Eo ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Ngày nay, mọi người thường biết đến chiếc bình có vòi của cư dân Óc Eo như là một loại đồ dùng đựng rượu hoặc nước trong việc thờ cúng, tuy nhiên, nó còn được dùng đựng nước uống, hay dùng để đun nước uống hàng ngày... Mặc dù cư dân Óc Eo thường có thói quen dự trữ nước mưa, nước ao hồ, nước sông để uống, ít khi đun nấu, tuy nhiên trong một vài trường hợp có thể phải sử dụng những chiếc

bình này trong việc pha nước hoặc đun nấu. Hiện nay vẫn chưa có tài liệu cũng như phát hiện về mặt khảo cổ nào về việc cư dân Óc Eo có dùng một loại cây như trà để uống hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng “nghề làm vườn trồng các loại cây ăn củ, cây ăn quả, trồng hoa đã khá phát triển. Chúng bao gồm các giống cây dừa, cau, mãng cầu xiêm, cam, quýt, bòn bon hay dâu da, các loại hoa sen, hoa súng, hoa Actisô, hoa cúc, hoa trang, hoa cẩm chướng...”[13, tr.123]. Như vậy, rất có thể cư dân Óc Eo đã sử dụng hoa sen, hoa cúc, hoa Atisô để uống. Việc tìm thấy mảnh vỡ của những chiếc ấm gốm ở Gò Tháp và Nhơn Thành (Cần Thơ) có vòi rót [hình 27; 2.1] và thân được đục những lỗ tròn đều nhau có chức năng lọc, chứng tỏ họ đã dùng những chiếc ấm này cùng những loại cây để nấu nước uống, hoặc pha nước giống như ấm pha trà ngày nay.

Ngoài ra, cư dân Óc Eo còn biết chế biến các loại rượu để uống. Theo sử liệu Phù Nam, nơi đây còn “có loại cây để làm rượu giống cây lựu. Người ta lấy mật và bông để vào lu nhiều ngày thì hoá thành rượu” [48, tr.12]. Như vậy, loại hình chai bình, vò gốm đã được phát hiện là bằng chứng thiết thực nhất cho giả thuyết này. Các loại chất lỏng như nước, rượu, dầu là rất cần thiết cho đời sống của mọi người dân, đặc biệt là những người sống trên thuyền bè, nay đây mai đó, không phải lúc nào cũng có thể dừng lại để mua bán. Việc dự trữ mang theo các loại nhu yếu phẩm này là rất cần thiết, nhưng không phải dễ dàng đối với những người sống trên thuyền bè, trên nhà sàn như họ. Mặc dù chưa có sự thống nhất về ý kiến của các nhà nghiên cứu nhưng có thể cho rằng bình kendi, vò, lu [hình 21, 23; 2.1]… là những vật đã được sử dụng với rất nhiều công dụng khác nhau như đựng nước, đựng rượu, đựng dầu,… Đây là loại đồ đựng rất tiện dụng cho những người sống trên thuyền bè, sông nước như cư dân Óc Eo. Họ có thể đổ các chất lỏng vào trong, rồi lấy dây buộc vào cổ miệng chai treo trên thuyền mà không bị vỡ lúc di chuyển trên sông nước. Loại đồ đựng này được phát hiện chủ yếu ở di tích Nền Chùa, Gò Tháp và Giồng Xoài.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(191 trang)
w