Chăn nuôi, đánh bắt

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 85)

- Các loại di vật nhỏ: Các loại hình di vật nhỏ như đồ trang sức, tấm niêm

2.4.1.3.Chăn nuôi, đánh bắt

Trồng lúa và các loại rau, củ của cư dân Óc Eo là nhằm cố gắng đảm bảo nhu cầu lương thực, còn về thực phẩm thì có lẽ họ phải dựa vào thiên nhiên là chính.

Nghề đánh bắt thuỷ, hải sản: Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói về nghề đánh bắt thuỷ, hải sản của cư dân Óc Eo. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, với cư dân sống chủ yếu trên sông nước, ven biển thì việc đánh bắt các loại thuỷ hải, sản là hoạt động kinh tế không thể.

Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, ĐBSCL là vùng được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây có nhiều tôm cá, các loại lâm ngư sản vô cùng phong phú, cư dân nơi đây đã biết tận dụng nguồn lợi từ thiên nhiên đó để phát triển nghề đánh bắt thuỷ hải, sản, nhờ vào đó mà họ đã nuôi sống gia đình và xã hội. Họ bắt các loài nhuyễn thể, giáp xác với các loài Cyrena, Paludine, Tronycidae làm thực phẩm, tàn tích còn lưu lại thành những lớp rất dày trong các đống rác bếp ở Óc Eo. Đối với các loại như tôm, cá, họ thường dùng các loại lưới có cột chì lưới để đánh bắt. Những chiếc chì lưới này được tìm thấy rất nhiều ở một số di tích như Nền Chùa, Óc Eo, Đá Nổi…

Bên cạnh việc tận dụng nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên như đánh bắt tôm, cá, rùa… nước ngọt, thì hoạt động đánh bắt hải sản có lẽ cũng được cư dân nơi đây thực hiện. Mặc dù ở vùng ĐBSCL, dấu tích của việc đánh bắt hải sản chưa được thể hiện một cách rõ nét, song rất có thể việc phát hiện những dấu tích của vỏ hàu, vỏ nghiêu, vỏ sò, vỏ ốc, càng cua nằm rải rác trong tầng văn hoá của một số di tích thộc văn hoá Óc Eo ở miền Đông Nam Bộ như di tích Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt hoặc xa hơn là những gò vỏ sò trong các di tích trên bờ biển Trung bộ, cho đến tận di tích Đa Bút, Câu Giát [142, tr.204], cho ta liên tưởng đến cư dân Óc Eo ở vùng miền TNB cũng có thể đã xuất hiện nghề đánh bắt hải sản làm nguồn thực phẩm cho cuộc sống. Đặc biệt là sự xuất hiện các loại hình

đồ trang sức được làm từ các loại vỏ nhuyển thể như ốc, hàu, nghiêu và các đồ trang sức bằng vàng được thể hiện theo hình dáng của loại rùa Trionyx hay các hiện vật khác được thể hiện dưới hình con cá ngựa và một số loại cá khác [142, tr.203]… càng chứng tỏ nghề đánh bắt hải sản của cư dân Óc Eo ở miền TNB đã xuất hiện.

Đối với nghề săn bắt và chăn nuôi: Việc săn bắt và chăn nuôi có lẽ đã phổ biến ở thời đại bấy giờ, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười. Bên cạnh nguồn cá, tôm, rùa, rắn… rất phong phú, nơi đây còn có nhiều loài muông thú tập trung sinh sống. Nhiều loại động vật dã sinh cũng được săn bắt làm thực phẩm, nuôi sống con người như các loại bò rừng, heo rừng, hươu, hoẵng, voi, ngựa... Điều này được thể hiện qua việc tìm thấy những di cốt động vật hoang dã với số lượng lớn trong tầng văn hoá của các di chỉ cư trú như di tích Gò Tháp, Óc Eo [hình 1, 2, 3; 2.9]… Ngoài ra, những hình động vật chạm trên vàng lá chôn trong các di chỉ mộ táng như: voi, ngựa, hươu, nai, cá sấu, rùa, rắn… cũng là chứng cứ xác thực cho phép xác định trong thời kỳ Óc Eo, nghề săn bắt là một trong những hoạt động kinh tế khá phát triển. Tuy nhiên, nghề săn bắt và hái lượm có thể không phải là nghề chính của cư dân Óc Eo, nó chỉ là nghề bổ trợ, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống của cư dân nơi đây. Bởi lẽ, bên cạnh nghề trồng lúa đã phát triển, cư dân Óc Eo còn biết chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Những hình ảnh này còn ghi lại trên các lá vàng phát hiện trong các ngôi mộ hoả táng ở Nền Chùa, Đá Nổi, Gò Tháp, Kè Một, Gò Thành… Đó là hình ảnh đàn bò đang gặm cỏ, đứng cạnh cây dừa nước, hoặc đang nằm dưới những bông sen; hình bò mẹ, ngựa mẹ đang đứng cho con bú; hình những con voi chạm với nhiều tư thế khác nhau trên những lá vàng “trấn” trong các ngôi mộ; hình gà như đang vỗ cánh [13, tr.123] hoặc các di cốt động vật như chó nhà, heo nhà, gà nhà và mèo nhà trong các di tích cư trú. Họ nuôi các loại gia súc, gia cầm không chỉ bổ sung nguồn thực phẩm cho cuộc sống, mà còn dùng vào nhiều mục đích khác nhau như: nuôi gà, nuôi heo để “chơi chọi gà, chọi heo”; nuôi cả cá sấu, thú dữ để

dùng vào việc xét xử tội phạm; nuôi voi để dùng làm phương tiện phục vụ cho việc đi lại, cho chiến tranh, có khi còn được dùng làm vật cống phẩm [2, tr.127]. Có thể thấy rằng, voi là một loại động vật có vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong đời sống xã hội Óc Eo.

Từ đó có thể thấy rằng, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm của cư dân Óc Eo đã phát triển trên quy mô lớn và rất đa dạng, thậm chí, có vài khâu đã được chuyên môn hoá hoặc có tổ chức riêng, như việc cư dân Óc Eo đã phát triển mạnh việc nuôi bò đàn, trâu đàn và cả dê. Việc chăn nuôi đã có quy mô lớn đến mức, “chỉ một chủ trại đã có thể hiến cho thần 60 con bò, 2 con trâu, 30 con dê trong một dịp lễ và một chủ khác hiến cả 100 con bò, 20 con trâu” [2, tr.127]. Như vậy, việc chăn nuôi ở thời kỳ này đã đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của đời sống xã hội, tuy nhiên, mục tiêu chính và quan trọng hàng đầu của chăn nuôi vẫn là tăng cường đàn gia súc, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho cuộc sống.

Dụng cụ đánh bắt: Để xác định cư dân Óc Eo đã dùng những dụng cụ cũng như phương tiện gì để đánh bắt là một việc rất khó. Bởi con người có thể đánh bắt bằng tay mà không cần đến dụng cụ hoặc sử dụng những dụng cụ thô sơ như tre, nứa, gỗ…, đây là những nguyên liệu khó lưu lại cho đời sau. Bên cạnh đó, người Óc Eo còn sử dụng một số dụng cụ khác như các loại chì, viên bi gốm, xương động vật… để đánh bắt. Dấu tích của nó còn được lưu giữ đến ngày nay trong một số di tích Óc Eo. Tại Gò Ô Chùa, các nhà khảo cổ đã phát hiện trên 300 viên bi gốm, có lẽ người xưa bắn chim bằng những viên đạn gốm như tài liệu dân tộc học từng đề cập đến [45, tr.117-118] hoặc sử dụng các loại lưới có cột chì để đánh cá. Họ dùng những mũi tên bằng xương, mũi tên bằng đồng (tìm thấy khuôn đúc mũi tên đồng) để săn, bẫy thú rừng. Bằng chứng trực tiếp của nghề này chính là sự xuất hiện những xương, răng của nhiều loại thú rừng và bò sát cỡ lớn như hươu, nai, trâu, bò, hổ, lợn rừng, cá sấu… trong các di tích Óc Eo.

Ngoài vết tích hạt lúa cổ, những hệ thống kênh đào cổ cũng đã được tìm thấy khắp vùng ĐBSCL. Hệ thống kênh đào này có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cư dân Óc Eo, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và nhu cầu giao thông. Đặc biệt, cư dân Óc Eo sống trong điều kiện thường xuyên bị ngập nước. Những lúc con nước lên có thể gây ngập úng cả một vùng rộng lớn. Để hạn chế những thiệt hại do thuỷ triều lên xuống, họ đã đào những con kênh thoát nước - dẫn nước và còn để dùng trong việc đi lại. Những con kênh đào này tạo thành một mạng lưới giao thông chằng chịt nối liền những vùng cư trú lại với nhau. Dấu tích để lại là những “con kênh Kiên Giang - Minh Hải chạy qua các khu di tích Núi Sam, Bảy Núi, Óc Eo, con kênh Lung Giếng Đá từ di chỉ Tráp Đá (An Giang) đến khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) dài khoảng 30km; kênh số 01(tên mới) chạy từ Tri Tôn, từ đông sang tây dài khoảng 16km, ngay ở khu Óc Eo - Núi Sập - Định Mỹ” [99, tr.25].

Với một khối lượng kênh đào như như vậy cho thấy, thời kỳ này, thuỷ lợi đã rất phát triển. Các con kênh đào không chỉ nhằm phục vụ giao thông mà còn để thoát nước những lúc thuỷ triều lên, dẫn nước trong mùa khô hạn để tưới tiêu cho đồng ruộng. Qua đó, có thể thấy được nền kinh tế nông nghiệp của cư dân Óc Eo đã qua khỏi tình trạng tự phát, có tính cộng đồng rất cao, có tổ chức chặt chẽ và quy mô rộng lớn trên toàn miền TNB vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Tóm lại, trong lĩnh vực hoạt động nông nghiệp, cư dân văn hoá Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, để lại những dấu ấn rõ nét cho nền văn hoá này. Họ trồng lúa nước hoặc lúa rẫy và nhiều loại ngũ cốc, cây ăn trái với quy mô lớn, vận dụng kỹ thuật mới, biết làm thuỷ lợi, đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng… tạo ra khối lượng nông sản dồi dào, đa dạng đáp ứng nhu cầu và làm tiền đề cho sự phát triển của xã hội.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 85)