Các hình thức cư trú

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 71)

- Các loại di vật nhỏ: Các loại hình di vật nhỏ như đồ trang sức, tấm niêm

2.2.2. Các hình thức cư trú

Với một môi trường mang tính đặc thù, miền TNB mười thế kỷ đầu Công nguyên là vùng đồng bằng thấp, sình lầy và nhiều tháng trong năm bị ngập nước, lại có hệ thống sông ngòi dày đặc. Để thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đó, cư dân Óc Eo đã cố gắng thích ứng và tìm cách khắc phục nó bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trên lĩnh vực cư trú.

Cư trú trên nhà sàn:

Nhà sàn là một loại kiến trúc được làm bằng vật liệu nhẹ, dựng trên hệ thống cọc gỗ, nhưng rất tiếc phần trên của những ngôi nhà này đã bị huỷ hoại theo thời gian. Chúng ta chỉ biết đến loại kiến trúc này thông qua dấu tích là những khúc cây, cọc gỗ, ván sàn mục nát, chìm nổi trong lớp đất có chứa tàn tích sinh hoạt cùng thời như di cốt động vật, thực phẩm, vật dụng, phế phẩm… Đây là được coi là hình thức cư trú khá phổ biến, thậm chí thông dụng trong đời sống của cư dân Óc Eo, đặc biệt là từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII SCN được phát triển, mở rộng trên các cánh đồng thấp.

Có thể thấy, cư trú trên nhà sàn là một truyền thống lâu đời của cư dân Đông Nam Á, là “một phong tục chung vừa độc đáo mà cũng mang tính chất đặc trưng nổi bật nhất của toàn khu vực” [75, tr.41]. Dù ở vùng cao hay vùng thấp, thì cư trú trên những chiếc nhà sàn vẫn được xem là sự lựa chọn tối ưu nhất của cư dân vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm ẩm ướt. Các dấu tích cọc nhà sàn được tìm thấy một số nơi trong thời đại kim khí ở miền Đông Nam Bộ và những vùng ngập mặn ven biển như Tp.HCM, Nhơn Trạch, Bà Rịa Vũng Tàu… Tuy nhiên, đến thời kỳ Óc Eo, hình thức cư trú này mới thực sự mở rộng về quy mô và mật độ, trở thành đặc trưng trong đời sống của con người vùng ĐBSCL.

Căn cứ vào những tài liệu thám sát và khai quật khảo cổ đã cho thấy, các dấu tích của nhà sàn được tìm thấy nhiều trong các vùng có địa hình thấp, trũng như

vùng tứ giác Long Xuyên, rừng U Minh, lòng chảo Ô Môn - Phụng Hiệp, Đồng Tháp Mười. Có thể gọi đây là loại hình cư trú vùng “nước nổi”, mà tập trung nhất là tại các khu di tích: Óc Eo (An Giang), Lung Giầy Mé (An Giang), Tráp Đá (An Giang), Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) [131, tr.311]... Việc phát hiện những cọc gỗ ở Giồng Xoài năm 2000 và một đoạn cọc gỗ dài 2,45m, đường kính khoảng 0,4m bằng gỗ dầu [hình 8; 2.5] được khai quật vào năm 2001 tại gò Óc Eo [hình 2; 2.5]; hay dấu vết của một căn nhà nhỏ nằm sát bờ lung Giếng Đá đã được tìm thấy với những cột gỗ đường kính 0,10m và những thanh gỗ đường kính 0,05m đến 0,06m [20] đã cho thấy sự xuất hiện của những ngôi nhà sàn với nhiều kích cỡ khác nhau. Có thể những ngôi nhà lớn là nơi hội họp hoặc được sử dụng trong những ngày trọng đại của cộng đồng. Bởi lẽ, cư dân ở vùng ĐBSCL xưa nay thường sống trong những ngôi nhà nhỏ, phù hợp với môi sinh, khí hậu vùng nhiệt đới nóng ẩm, thường xuyên ngập nước.

Tại Nền Chùa, dấu vết những cột nhà sàn nằm dọc theo Lung Lớn (Lung Giếng Đá) nối liền với khu di tích Óc Eo và nằm rải rác trên cánh đồng thấp xung quanh gò Nền Chùa. Những cột này thường có đường kính từ 0,10m - 0,30m; cột dài nhất mà phần trên đã bị huỷ còn đo được dài 2,86m [52]. Và những dấu vết mái nhà lợp bằng lá dừa nước cũng đã ghi nhận được ở di tích Gò Thành cho thấy một khái niệm tương đối về kích thước của những ngôi nhà gỗ, có thể phần đầu cột rời được chạm trổ và mái được lợp bằng lá dừa nước - là một loại cây mọc rất nhiều ở vùng miền TNB.

Trong cuộc khai quật tại di tích Gò Tháp vào năm 1993, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình ảnh của một ngôi nhà sàn tương đối cụ thể chạm trên một lá vàng chôn trong phế tích 93GT.M3 [13, tr.128]. Đó là một ngôi nhà sàn nhỏ, có bốn cột, nóc nhọn, mái xiên gần thẳng, đứng cạnh một gốc dừa lớn.

Như vậy, qua những hiện vật thật liên quan đến những ngôi nhà của cư dân Óc Eo còn quá ít, chất lượng kém, vì chủ yếu là các cọc gỗ dễ bị gãy mục do

thời gian. Tuy nhiên, qua việc phát hiện những dấu vết của cột nhà sàn, sàn gỗ, mái nhà bằng lá dừa trong các di chỉ cư trú, đến hình ảnh trên mảnh vàng, chúng ta đã có được hình ảnh tương đối của nhà sàn trong văn hoá Óc Eo. Đó là kiểu nhà có cột và sàn bằng gỗ, mái lợp bằng lá dừa nước, thuộc loại nhà sàn có mái dốc, tương tự như kiểu nhà sàn đúc trên trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ và giống như loại nhà sàn, nhà mồ mà ngày nay vẫn còn thấy ở các dân tộc Bơhna, Giarai và nhiều dân tộc ở Tây Nguyên [13, tr.128].

Đối với một cộng đồng cư dân sống trên vùng sình lầy, hệ thống sông ngòi chằng chịt, lại là vùng đồng bằng thấp, thường xuyên bị ngập nước như vùng châu thổ Cửu Long, thì sự lựa chọn cư trú trên nhà sàn đã trở thành một mô thức cư trú không thể khác được của cư dân Óc Eo. Đó cũng chính là thái độ ứng xử khôn ngoan của người dân với môi trường tự nhiên nơi đây. Hình thức cư trú trên nhà sàn có nhiều thuận lợi, vừa mát mẻ, thoáng đãng lại có thể ứng phó với khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao. Đặc biệt, khi sống trên các vùng đất cao ráo, nhà sàn có thể ngăn cản thú giữ và côn trùng, còn ở những vùng trũng thấp lại dùng chiếc “chân cao” của ngôi nhà sàn để ứng phó với ngập lụt quanh năm. Khi nước lên, những chiếc “chân” của ngôi nhà sàn có thể nâng ngôi nhà lên cao, khi nước xuống có thể hạ thấp ngôi nhà xuống theo con nước, rất thuận lợi. Ngoài ra, nhà sàn với kết cấu mái dốc, có thể tránh được tác hại của những cơn mưa dông hay nắng nóng kéo dài ở vùng ĐBSCL. Cư dân nơi đây đã tận dụng được nguồn gỗ, tre nứa và lá dừa nước dồi dào, sẵn có để làm nên những ngôi nhà mang đặc trưng trong phong tục cư trú của vùng sông nước ĐBSCL những thế kỷ đầu Công nguyên.

Hình thức cư trú này đã thể hiện tư tưởng “sống chung với lũ” của cư dân vùng ĐBSCL từ những năm đầu Công nguyên, đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn tiếp tục kế thừa và phát triển. Đây là thái độ ứng xử với tự nhiên đúng đắn mà khoa học ngày nay đã chứng minh.

- Cư trú nhà nền gạch (nhà trệt): Một thái độ khác thể hiện rõ nét sự nỗ lực khắc phục khó khăn từ thiên nhiên của cư dân Óc Eo, đó là hình thức cư trú

trên các khu vực có địa hình cao, trên các gò, gò đất đắp hoặc giồng đất… Hình thức cư trú này được xem là phương pháp hữu hiệu nhất của thời đại để khắc phục nền đất sình lầy, tạo ra những điểm tựa cố định, vững chắc nhằm bảo vệ, chống lại sự tàn phá của nước ngầm và nước lũ trong điều kiện cụ thể của đồng bằng châu thổ thấp ven biển, bị ngập nước nhiều tháng trong năm [1, tr.287]. Họ đã chủ động cải thiện, khắc phục những khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên bằng cách đắp nền đất, gạch cao tại những nơi cư trú cho phù hợp với môi sinh của mình. Theo tài liệu khảo cổ học, cư dân Óc Eo đã đào đất tại chỗ hoặc mang đất nơi khác đến để đắp nền cao lên, tạo thành gò trước khi xây những công trình kiến trúc. Có những gò đất đắp rộng hàng ngàn hécta làm nền móng cho kiến trúc cư trú, đền thờ hay khu mộ táng như Gò Cây Tung (An Giang).

Những dấu tích của loại hình cư trú này còn lưu lại dưới các lớp đất văn hoá có chứa những tàn tích sinh hoạt mà chủ yếu là mảnh gốm. Hình thức cư trú này được phát hiện chưa nhiều, song đã có mặt ở nhiều nơi trên vùng ĐBSCL. Trong vùng thấp trũng, thường thấy loại cư trú trên gò nổi như Gò Da (Giồng Cát - Óc Eo), Giồng Xoài (Óc Eo - Kiên Giang), Gò Me, Gò Sành (An Giang) [131, tr.311].

Tại đây, họ đã đào những hồ, bàu nước để dùng cho sinh hoạt thường ngày. Dấu tích những hồ, bàu nước còn được lưu lại ở một số di tích vùng cao như Bàu Thành (Đồng Nai), Phước Chỉ, Phước Hưng, Đức Hoà… hay giồng đất ven biển như Trà Cú. Đặc biệt, trong vùng trũng thấp Đồng Tháp Mười, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện một bàu nước nằm trong khu vực di tích Gò Tháp. Những bàu nước này thường có hình chữ nhật, rộng khoảng trên 100m2, thậm chí cả 1000m2 vuông (ở Trà Cú). Theo tư liệu cổ Trung Hoa, những bàu nước này là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt hàng ngày của cư dân Phù Nam, “họ đã không đào giếng, nhiều chục nóc nhà thường dùng chung một hồ nước”(Lương Thư)[2, tr.150].

Như vậy, việc đào những bàu, hồ trữ nước đã khắc phục sự khan hiếm nguồn nước sinh hoạt cho những cư dân sống ở vùng cao và ven biển trong thời

gian hạn hán, giúp cho cư dân Óc Eo trên địa hình cao thuộc vùng đồi gò bán sơn địa và vùng đất giồng không bị lệ thuộc vào nguồn nước sông, lạch như trước. Điều này một lần nữa thể hiện sự ứng phó nhanh nhạy của cư dân Óc Eo đối với môi trường tự nhiên. Khi được cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cũng như sản xuất, đã tạo một tâm lý ổn định cho các cộng đồng cư dân ở vùng châu thổ xây dựng cuộc sống định cư ổn định.

- Cư trú trên các thuyền bè: Bên cạnh lối sống định cư trên các nhà sàn hay các ngôi nhà được đắp nền gạch một cách kiên cố, thì có thể có một bộ phận cư dân Óc Eo sống trôi nổi trên các thuyền bè như một số cư dân Nam Bộ ngày nay.

Cho đến nay, mặc dù chưa phát hiện dấu tích của hình thức cư trú này. Tuy nhiên, có thể có một phận dân cư với vai trò vận chuyển hàng hoá giữa các vùng đã phải sống trên các thuyền bè trong một thời gian dài. Họ mua các loại hàng hoá đem đến các nơi trong vùng để bán lại. Đây cũng chỉ là sự suy đoán mang tính chất tham khảo, chưa có những chứng cứ xác thực chứng minh cho hình thức cư trú này.

Tóm lại, cư dân Óc Eo là một cộng đồng cư dân có cuộc sống ổn định, sống định canh, định cư trên mảnh đất của mình. Họ sống trên cả nhà sàn cũng như trên nền đất đắp cao thành gò hoặc sống trên thuyền bè. Cư dân Óc Eo đã biết khắc phục những khó khăn, thích ứng với điều kiện tự nhiên (để tạo dựng một cuộc sống ổn định), tạo cho mình một môi trường và không gian cư trú thoả mãn yêu cầu ngày càng tăng của cuộc sống. Họ đã lợi dụng địa hình sông rạch tự nhiên để khai đào (thông) nhiều đường nước, xây dựng hệ thống thuỷ lợi dài hàng 100km. Chính hệ thống thuỷ lợi đã giúp cư dân nơi đây có được hệ thống giao thông đường thuỷ phát triển, điều kiện thuỷ văn và môi trường sinh thái được khắc phục, đáp ứng nhu cầu về nước ngọt.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(191 trang)
w