Sự tiếp biến các yếu tố văn hoá vật chất

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 155 - 157)

- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều

4.4.1. Sự tiếp biến các yếu tố văn hoá vật chất

Vương quốc Phù Nam có một cảng thị quốc tế là Óc Eo. Ở đây diễn ra quá trình tiếp xúc khá sớm giữa nhà nước Phù Nam với các nước khác. Trong những hiện vật khai quật được ở Óc Eo có hiện vật của các vương triều Ấn Độ, Trung Á, Đông Hán và Bắc Nguỵ, La Mã… Đặc biệt, ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, “người Ấn Độ đã mang đến đây kỹ thuật làm thuyền đi biển, phát triển ngành thương nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp khô với chiếc cày do bò kéo”

[29, tr.230], làm cho đời sống của người dân Phù Nam ngày một sung túc, phồn thịnh. Tuy nhiên, do vương quốc Phù Nam hiện nay không còn tồn tại, chủ nhân của nền văn hoá này cũng không còn, cho nên khi nói đến sự tiếp biến các yếu tố vật chất như phương thức canh tác, cũng như kỹ thuật nông nghiệp chưa có cứ liệu rõ ràng để chứng minh. Nhưng cũng có một số yếu tố thể hiện rõ mối quan hệ này như:

Kỹ thuật chế tác đồ thủ công: Về kỹ thuật chế tác đồ thủ công cho đến nay, rất nhiều hiện vật vẫn chưa xác định được là do ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ hay chỉ là sự trao đổi, mua bán. Nhưng nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận có sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ về lĩnh vực này. Đối với các di vật có

nguồn gốc Ấn Độ, chúng ta có thể phân biệt thành 3 loại chủ yếu [131, tr.326-328]:

Thứ nhất, những vật phẩm có nguồn gốc ngoại nhập, được các thương nhân mang đến từ các nước khác như: chiếc nhẫn mặt ngọc được tìm thấy ở Óc Eo (Ba Thê) có khắc chữ La Mã hay các con dấu được viết bằng các kiểu văn tự Ấn Độ… Đây là những di vật có được qua quá trình trao đổi mua bán. Những loại hiện vật này có giá trị rất lớn, chỉ dành riêng cho các tầng lớp quý tộc, những thương nhân giàu có.

Thứ hai, những vật phẩm kiểu Ấn Độ nhưng được sản xuất, chế tác tại Óc Eo như các công trình kiến trúc tôn giáo (đền đài, mộ táng...), đồ kim hoàn... Đây là những sản phẩm của sự giao lưu, tiếp biến văn hoá của cư dân Óc Eo và các nền văn hoá khác, đặc biệt là Ấn Độ.

Thứ ba, những sản phẩm chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đã có phần pha trộn truyền thống địa phương như bình có vòi, các loại nắp đậy bằng gốm... được cải biên cho phù hợp với điều kiện tại chỗ. Chính những sản phẩm ngoại nhập được địa phương hoá cùng với những yếu tố bản địa đã tạo nên những đặc điểm riêng, độc đáo của văn hoá Óc Eo.

Như vậy cho thấy, sự giao lưu, tiếp biến những kỹ thuật chế tác đồ thủ công của Ấn Độ đã tạo nên sự thay đổi rất lớn trong sản xuất thủ công cũng như đời sống của cư dân Óc Eo. Từ những thói quen ở nhà sàn, làm nhà bằng tre nứa chuyển sang xây dựng những đền đài; từ chuyên sản xuất gốm thô sang sản xuất gốm mịn; đặc biệt là kỹ thuật làm đồ kim hoàn đã đạt đến trình độ điêu luyện. Nó có tác dụng rất lớn, không chỉ thúc đẩy các nghề thủ công phát triển, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Về kiến trúc: Cư dân Óc Eo đã dựa trên kiến trúc truyền thống của họ là gỗ, tre, lá để tiếp nhận kiến trúc gạch, đá xây dựng nên những đền tháp tôn giáo. Những kiểu kiến trúc đền tháp được phát hiện ở các di tích thuộc văn hoá Óc Eo như: Gò Tháp (Đồng Tháp), Óc Eo (An Giang), Nền Chùa (Kiên Giang)... chính

là sự tiếp thu kiến trúc của Ấn Độ. Kiến trúc của cư dân Óc Eo có đặc điểm là những đền tháp đứng riêng lẻ hoặc hợp thành từng cụm, hầu hết đều xây bằng gạch. Một số điện thờ vẫn giữ được các yếu tố Ấn Độ như cách đặt các thánh tích trong lòng các ngôi tháp. Do phía trên bị tàn phá bởi thời gian nên không thấy được phần kiến trúc này, tuy nhiên, có thể thấy sự thay đổi trong đời sống xã hội Óc Eo. Lúc này, chắc chắn họ còn có thêm một nghề thủ công mới, đó là sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng các đền tháp.

Về thương nghiệp: Các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật mang đậm dấu ấn văn hoá Ấn Độ như những mảnh bia ký ghi chữ Ấn Độ, tượng Hindu giáo và Phật giáo chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ trong các di tích Óc Eo. Theo

Lương Thư (502-556), có một cộng đồng buôn bán người Tamil (Đông Ấn) là một nhánh của phường buôn Ấn Độ và “có vương quốc Touen Sium, chư hầu của nước Phù Nam giáp với Ấn Độ (phía Tây) có chợ trời biên giới buôn bán Đông - Tây có ngày lên tới 10.000 người và không thiếu một thứ hàng hoá gì” [29, tr.251]. Chữ viết kiểu Tamil phát hiện trên một mảnh gốm ở Phu Khao Thong (Thái Lan) là chứng cứ khảo cổ học cho ghi chép này. Qua đó, có thể thấy, một nền thương nghiệp phát triển rực rỡ lúc bấy giờ trên vùng đất Nam Bộ những thế kỷ đầu Công nguyên và tạo điều kiện cho sự tiếp biến đa dạng về văn hoá vật chất, làm cho đời sống người dân nơi đây ngày một nâng cao.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 155 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(191 trang)
w