GIAO THÔNG

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 75)

- Các loại di vật nhỏ: Các loại hình di vật nhỏ như đồ trang sức, tấm niêm

2.3. GIAO THÔNG

với nhiều địa hình khác nhau từ vùng cao đến vùng thấp trũng với nhiều sông rạch, ven biển. Các cộng đồng cư dân văn hoá Óc Eo có mối liên hệ mật thiết với nhau bằng đường sông, đường biển và đường bộ với các phương tiện là thuyền bè và gia súc: voi, ngựa, trâu, bò.

Về đường thuỷ: Nếu cư dân Đông Sơn sống theo làng xóm trên các vùng đất cao ráo, vùng phù sa, thì cư dân Óc Eo chủ yếu sống dọc theo các kênh rạch, sông ngòi. Các con kênh là những đại lộ nối liền các vùng với nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông chằng chịt trên toàn vùng châu thổ sông Cửu Long. Cư dân Óc Eo đã thích ứng, biến những hạn chế của vùng sông nước thành thế mạnh của mình để tồn tại, phát triển và tạo nên một sắc thái văn hoá riêng biệt. Những dấu ấn của văn hoá sông nước thể hiện rất rõ nét trong đặc trưng văn hoá của cư dân Óc Eo ở miền TNB.

Theo tài liệu khảo cổ, ở miền TNB đã tìm thấy dấu vết của những kênh đào cổ toả rộng trên vùng đồng bằng, nối liền các di tích khảo cổ Óc Eo với nhau. Trong đó, những con kênh ở Óc Eo, Tà Keo, Đá Nổi và Định Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với toàn vùng. Bởi lẽ, Óc Eo nguyên là một thành phố rộng lớn, xưa kia là nơi tiếp giáp các đường lớn trong việc trao đổi hàng hoá, và còn là một hải cảng quốc tế quan trọng của vương quốc Phù Nam. Thành phố này được nối liền với Núi Sập và Định Mỹ bởi hai con kênh số 19 và 20, rồi thông ra biển bằng con kênh số 16. Con kênh này (số 16) kéo dài lên Mắc-cần- dưng và sông Bassac (sông Hậu). Thành phố còn liên lạc với Ankor Borei bằng con kênh số 4 và nối thông với Đá Nổi. Trước đây, con kênh số 4 kéo dài lên tận vùng Giồng Đá, nhằm theo một hướng Trăm Đường [140, tr.178-179]. Những kênh đào này không chỉ phục vụ nhu cầu thuỷ lợi tưới tiêu cho nông nghiệp, mà còn là một hệ thống giao thông đường thuỷ rộng lớn phục vụ cho việc giao lưu, buôn bán giữa các vùng và các nước trong khu vực. Từ vùng Óc Eo - Ba Thê, có thể cho thuyền chạy dọc các con kênh đến các nơi trong khu vực, thậm chí lên đến vùng Tp.HCM, Đồng Nai…

Bên cạnh dấu tích của các con kênh, còn có nhiều vết tích thuyền cổ [hình 1, 2; 2.6] được ghi nhận ở nhiều nơi trên đất An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp … Đặc biệt, trong thư tịch cổ Trung Hoa từng nói đến việc “thuyền họ đóng dài tới 8, 9 trượng, lòng thuyền rộng 6, 7 thước, đầu và đuôi giống hình con cá” (Nam Tề Thư) [104, tr.271] hay việc nhà vua Phù Nam (Phạm Man) đóng thuyền to vượt biển lớn đánh chiếm hơn 10 nước phiên thuộc (Lương Thư)

[104, tr.274]… Đặc biệt, tại khu di tích Nền Chùa, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một con dấu khắc hình thuyền có cột buồm và cờ gió. Đây là con dấu, nhưng có thể là những con thuyền như thế này đã được các thương nhân sử dụng để buôn bán với các nước, lưu thông trên biển xa. Điều đó cho thấy, thuyền có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cư dân Óc Eo. Nó không chỉ là phương tiện để lưu thông, buôn bán mà còn dùng trong chiến tranh bảo vệ lãnh thổ cũng như đi chinh phục các nước. Có thể thấy rằng, trong thời đại Óc Eo, giao thông vận chuyển bằng đường sông và đường biển khá sôi động và đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng.

Trong văn hoá Óc Eo đã phát hiện hàng loạt các di chỉ kiến trúc và mộ táng xây bằng vật liệu nặng với hàng chục, hàng trăm khối đá, gạch, cát, nằm giữa vùng trũng thấp hay dọc theo những đường nước cổ. Để xây dựng chúng, những vật liệu xây dựng chỉ có thể đã được vận chuyển bằng thuyền bè trên các con kênh mà cư dân nơi đây đã đào. Điều này là minh chứng xác thực nhất cho giả thuyết trên.

Như vậy, có thể thấy rằng, cư dân Óc Eo là những nhà trị thuỷ giỏi. Họ đã biết khai thông và đào những đường nước phục vụ cho giao thông và thoát nước trong mùa ngập úng, điều tiết thuỷ lợi cho hoạt động nông nghiệp; biết nắm bắt và hiểu sâu rộng về điều kiện tự nhiên. Điều này đã tạo nên mối quan hệ hài hoà giữa con người và môi trường sống. Đó là thái độ tôn trọng, thích ứng và khắc phục những bất cập của tự nhiên, biến nó thành những lợi thế của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long; là biểu hiện của thái độ ứng xử khôn ngoan giữa con

người với môi trường sống.

Về đường bộ: Cư dân Óc Eo chủ yếu sống dọc các con kênh rạch, phương tiện vận chuyển chủ yếu là thuyền bè. Bên cạnh đó, để vận chuyển các loại hàng hoá trên địa hình cao, bằng phẳng rất có thể người Óc Eo đã sử dụng sức kéo của nhiều loại động vật khác nhau như: voi, ngựa, trâu, bò... Điều này đã được chứng minh qua việc tìm thấy nhiều xương, răng của các loại động vật này trong các di chỉ cư trú và nhiều khắc hoạ hình các con voi, ngựa, trâu, bò... cùng với nhiều hình bánh xe trên các lá vàng chôn trong các ngôi mộ [13, tr.127] hay đền tháp. Trong các loại động vật này, loài voi được coi là phương tiện giao thông quan trọng nhất trên đường bộ. Theo các thư tịch cổ Trung Hoa “Nhà vua đi ra ngoài thì cưỡi voi, đàn bà cũng cưỡi voi”(Nam Tề Thư, Lương Thư) [2, tr.152]. Voi còn được dùng trong vận chuyển tải vật trên các vùng địa hình phức tạp, dùng trong chiến tranh (Tân Đường Thư) [2, tr.152]. Nó là phương tiện hữu hiệu nhất trong việc di chuyển chiến lược trên các vùng rừng rậm, đồi núi.

Bên cạnh đó, ngựa và trâu, bò cũng được nuôi để sử dụng trong việc vận chuyển trên đường bộ. Có thể cư dân Óc Eo đã sử dụng các loại xe cộ để chuyên chở hàng hoá. Điều này được chứng minh khi các nhà khảo cổ học đã phát hiện một trục bánh xe bằng gỗ lớn tại Long An [hình 3; 2.6], giống như phương tiện vận chuyển cổ truyền (xe trâu, xe bò, cộ trâu,…) của người Khmer hiện nay đang sử dụng. Hay một bánh xe khác bằng đá cũng được phát hiện ở Óc Eo, tuy nhiên, bánh xe này có thể không phải dùng trong vận chuyển mà nó có tính chất tôn giáo nhiều hơn.

Đặc biệt, trong một minh văn ở Đá Nổi (An Giang) đã ghi lại việc cư dân Óc Eo làm các con đường để thuận tiện trong việc đi lại giao bang với các nước như Champa [2, tr.152-153].

Như vậy, có thể nói rằng, xã hội Óc Eo đã rất phát triển. Họ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tạo điều kiện sống, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc sống ngày một phát triển hơn. Họ không chỉ biết làm thuyền để đi trên sông, trên biển; đào các con kênh dài hàng 100km để đi lại và phục vụ tưới

tiêu, mà còn biết làm đường ở những nơi khô ráo để đi lại, trao đổi và giao lưu với các nước.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(191 trang)
w