- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều
3.1.2. Đạo Bàlamôn
Đạo Bàlamôn (Ấn Độ giáo) là phiên âm của từ Brahman, ra đời từ thế kỷ I TCN, về sau cải biến thành đạo Hinđu (thế kỷ VII). Đây là tôn giáo lớn nhất, xuất phát từ Ấn Độ theo con đường thương mại du nhập vào Phù Nam và nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Các đạo sĩ Bàlamôn đã theo thuyền buôn đến đây và cùng với cư dân bản địa lập nên vương quốc Phù Nam, ít nhất là từ thế kỷ I SCN. Sau đó, họ “sửa đổi tất cả các luật lệ, theo hệ thống cai trị của người Ấn và tự cho mình là người bênh vực thánh ngữ Veeda” [48]. Nhà vua còn mời nhiều tu sĩ Bàlamôn ở Ấn Độ sang truyền bá đạo mới và tặng nhiều quyền lợi và chức tước [46, tr.27]. Bàlamôn giáo đã nhanh chóng bắt rễ sâu vào trong mọi ngõ ngách đời sống của cư dân Óc Eo. Đến khoảng thế kỷ III, vương quốc Phù Nam đã có quan hệ khá thân thiện với Ấn Độ và Trung Quốc. Vua Phantan cũng có phái sứ thần của mình sang Ấn Độ, được vua Murunda đón tiếp nồng nhiệt. Lúc ra về được nhà vua trao cho bốn con ngựa thiện chiến đem về tặng vua Phù Nam [46, tr.27]. Như vậy, đạo Bàlamôn từ buổi đầu du nhập đã trở thành quốc giáo và có tác động mạnh mẽ đến đời sống của cư dân nơi đây, các “đạo sĩ Bàlamôn nắm vương quyền lẫn thần quyền” [2, tr.157]. Điều này được thể hiện qua một số yếu tố sau:
Nơi thờ tự: Bất kỳ một tôn giáo nào, dù lớn hay nhỏ đều có quy định về nơi thờ tự nhất định. Nơi thờ tự có thể xem là nơi quan trọng nhất đối với bất kỳ một tôn giáo, tín ngưỡng nào. Đó là chốn linh thiêng, là nơi các thánh thần ngự trị. Cho nên, việc nghiên cứu đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân trong quá khứ không thể không nhắc đến nơi thờ tự.
Bàlamôn giáo thường được thờ trong các ngôi đền tháp. Dấu tích các ngôi đền tháp Bàlamôn giáo được phát hiện nhiều nơi trên vùng ĐBSCL như ở di tích Gò Tháp, Nền Chùa, Óc Eo... Các ngôi đền tháp này thường có kiến trúc gạch đá hỗn hợp, với quy mô lớn; kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc theo những bình đồ bí ẩn, lối lắp ráp những phiến đá granit lớn bằng mộng, chốt. Do điều
kiện địa tầng của châu thổ đang hình thành và do môi trường thường xuyên ngập nước ở miền TNB nên phần lớn các đền tháp này chỉ còn lại phần nền móng. Các đền tháp này được làm bằng những loại vật liệu như gạch, đá, cát (được gọi là kiến trúc nặng) hoặc dùng nguyên liệu cọc gỗ, lá lợp (kiến trúc nhẹ); nhưng cũng có khi kết hợp cả kiến trúc nặng và nhẹ. Đây có thể là những công trình được người dân hoặc là chính quyền xây dựng. Chính vì vậy, quy mô các công trình kiến trúc này khá lớn, xây dựng hết sức công phu bằng gạch, đá một nhất là phần nền móng được gia cố một cách cẩn thận. Các công trình xây dựng bằng gạch, thường có bình diện hình vuông, hình vuông “bẻ góc” hoặc chữ nhật; diện tích không lớn, phần nền móng xây nổi cao, phần thân có tường gạch bao quanh, dựng đứng, thu nhỏ phần trên thành hình chóp tháp. Chính giữa lòng tháp thường có dựng đài thờ; phía dưới có cấu trúc “hố thiêng” hoặc “giếng thiêng”; trong lòng “hố thiêng” đặt “trụ giới” chìm sâu trong lòng đất, có chôn theo tổ hợp vật thiêng (lá vàng, đồ trang sức, đá quý…).
Ngoài ra, cư dân nơi đây có thể thờ các vị thần linh của họ trong những ngôi đền nhỏ làm bằng các chất liệu đơn giản như tre, gỗ hoặc có thể được thờ cúng trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, đây mới là giả thuyết, chưa có chứng cứ xác thực để chứng minh điều này.
Tượng thờ là bằng chứng xác thực nhất để đánh giá sự tồn tại và phát triển của một tôn giáo. Bởi lẽ, đối với một nền văn hoá khảo cổ, hệ thống tượng thờ là nơi biểu hiện tập trung, rõ nét nhất đời sống tâm linh cũng như trình độ nghệ thuật của họ. Trong các di tích văn hoá Óc Eo, các nhà khảo cổ tìm thấy khá nhiều tượng Bàlamôn giáo. Chúng bao gồm các tượng thần Brahma, Vishnu, Siva, Surya, Ganesa, các nam thần, nữ thần… Trong đó, thần Vishnu được tìm thấy nhiều nhất đã cho thấy đây là vị thần có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Tượng thường đứng trên bệ, đầu đội mũ hình trụ, có bốn tay, một tay cầm bánh xe (Chakra) thể hiện quyền năng duy trì sự vận động của thần; một tay cầm vỏ ốc (Sankha) biểu tượng nguồn gốc của sự sống, sự
chuyển động sinh sôi nảy nở của muôn loài; tay cầm quả cầu (Bhu) tượng trưng cho trái đất; tay đặt lên cây chuỳ dài tượng trưng cho sức mạnh, đôi khi tay cầm hoa sen. Những ý nghĩa tượng trưng của các vật cầm trên tay cho thấy Vishnu là một vị thần rất quan trọng, có nhiều quyền năng. Đó là một trong ba vị tối linh; là vị thần Bảo hộ cho con người được bình yên, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh mọi tai ương. Có lẽ chính những quyền năng của thần Vishnu phù hợp với nguyện vọng, tâm tư của người dân nơi đây, nên thần được cư dân Óc Eo thờ phụng rất nhiều, chủ yếu dưới hình thức nhân dạng. Trong khi đó, hình thức nhân dạng của thần Huỷ diệt (Siva) và thần Sáng tạo (Brahmâ) rất ít được thể hiện.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa hai vị thần Siva và thần Vishnu (Harihara) cũng được tìm thấy trong văn hoá Óc Eo, đáng tiếc là không một tượng nào còn nguyên vẹn. Một số tượng thần Harihara được tìm thấy ở An Giang đều bị vỡ, chỉ còn lại đầu tượng.
Thần Surya là thần Mặt trời, nhưng cũng không được thờ phổ biến trong đời sống của cư dân cổ ở vùng ĐBSCL. Thần Surya phát hiện trên vùng ĐBSCL đều trong thế đứng có vầng hào quang phía sau mũ. Trên vầng hào quang đôi khi có những đường kẻ như tia nắng mặt trời. Mình thần khoác một chiếc áo choàng dài phủ đùi hoặc để mình trần vận sarong. Hai tay cầm hai nụ sen giơ ngang vai, biểu tượng của bình minh.
Thần Ganesa là vị thần trí năng, vị thần đảm bảo cho sự thành công trong sự tồn tại của trần thế, cũng như trong đời sống tâm linh. Thần có thể mang lại của cải cho mọi người, tránh được những tai ương, những điều không may mắn trong cuộc sống. Tượng thần Ganesa trong các di tích ở ĐBSCL phát hiện không nhiều, tiêu biểu có các tượng từ các di tích Trường Sơn, Gò Thành và Cát Tiên. Tượng thường được nghệ nhân khắc tạc với cái đầu đội nón hình chóp, có trang trí hoa văn đơn giản (hình sóng nước), cũng có những tượng thần Ganesa đầu để trần không đội nón như các pho tượng ở BTAG, BTLA. Thần Ganesa trong văn hoá Óc Eo đều có một điểm chung: mình người, đầu voi, bụng rất to, hai mắt mở to, hai vành tai rộng và lớn, vòi vểnh về phía tay trái.
Tượng nam, nữ thần được tìm thấy rất nhiều trong các di tích Óc Eo ở ĐBSCL. Tất cả các tượng này đều trong tình trạng bị gãy vỡ mất đầu, chân tay, không còn rõ các biểu tượng, nên rất khó xác định được một cách chính xác tên gọi và các đặc trưng của nó. Bên cạnh đó, các tượng nữ thần trong văn hoá Óc Eo thường có xu hướng Vishnu hoá, nên việc nhận diện tượng càng khó hơn.
Sự xuất hiện phong phú, đa dạng với số lượng lớn của các tượng Bàlamôn cho thấy, thời kỳ này, đạo Bàlamôn rất phát triển. Đặc biệt, việc các tượng thờ được Vishnu hoá càng cho thấy Vishnu giáo trong đời sống của cư dân Óc Eo ở miền TNB là không thể thiếu.
Ngoài ra, tượng thờ trong văn hoá Óc Eo được phát hiện với nhiều kích thước khác nhau. Có một số tượng có kích thước rất lớn, bằng người thật hoặc lớn hơn, có thể được sử dụng trong điện thờ chính của địa phương, cũng có thể được chế tác riêng cho những ngôi đền cấp độ nhà nước, ngôi đền của vua và hoàng hậu thường đến cúng bái. Những tượng có kích thước nhỏ hơn (trung bình, nhỏ) có thể được đưa vào phối thờ trong các điện lớn ở các trung tâm tôn giáo, hoặc thờ chính trong những ngôi đền nhỏ hơn (có thể gia đình, làng). Có những tượng rất nhỏ có thể do các cá nhân cúng vào các ngôi đền, hoặc được mang theo trên đường hành hương hay buôn bán. Điều này càng chứng minh cho nhận định Hindu giáo được thờ cúng rộng rãi trong mọi tầng lớp của cư dân Óc Eo. Các tượng thờ được phát hiện rất sớm, từ thế kỷ IV - V SCN, đặc biệt phát triển từ thế kỷ V đến VIII - IX.
Vật thờ (hình tượng, biểu tượng Bàlamôn giáo): Các vị thần Bàlamôn giáo ngoài được thể hiện dưới hình thức nhân dạng, còn được thể hiện qua các hình tượng, biểu tượng khác nhau. Các biểu tượng, hình tượng này được tìm thấy với số lượng lớn trong các di tích, đặc biệt là phế tích đền tháp. Đa số những biểu tượng, hình tượng này được làm thành những lá vàng, dùng để làm vật dâng cúng trong các đền thờ Bàlamôn giáo và làm vật chôn theo. Chúng được khắc thành nhiều đề tài khác nhau, nhưng đều liên quan đến các vị thần Bàlamôn giáo.
Thần Vishnu: các hoá thân của thần Vishnu được phát hiện nhiều trong di các tích vùng ĐBSCL, trong đó, nhiều nhất vẫn là di tích Đá Nổi, Gò Tháp. Thần hiện ra với hàng chục hoá thân để mang lại hạnh phúc cho kẻ khác. Khi Thần hoá thân thành hình rùa Kurma để nâng trái đất khỏi chìm xuống biển, cứu vớt những sinh linh cùng tài sản của họ bị chìm dưới nước sâu; Vishnu hoá thành loài cá Matsya là để cứu loài người khỏi nạn đại hồng thuỷ; hay hoá thân dưới dạng lợn đực (để cứu nữ thần Đất khỏi bị chìm trong nạn đại hồng thuỷ)… Các hoá thân này của thần Vishnu thường có liên quan đến nạn lũ lụt. Phải chăng đây chính là ước mơ của người dân nơi đây khi thờ các hoá thân của thần Vishnu? Họ mong muốn sẽ được vị thần này cứu thoát khỏi cảnh lũ lụt hàng năm ở vùng ĐBSCL.
Ngoài các hoá thân của thần Vishnu, các biểu tượng và vật cưỡi của vị thần này cũng được thể hiện một cách phong phú như hình: bánh xe, con ốc, bàn chân, rắn, chim thần Garuda, hoa sen, gậy quyền… Mỗi biểu tượng đều có những giá trị riêng, thể hiện mong ước của cư dân nơi đây khi thờ phụng trong các thần điện của mình.
Thần Siva: Vishnu và Siva là hai vị thần phổ biến, được cư dân Óc Eo ở vùng ĐBSCL thờ cúng nhiều nhất. Trong khi thần Vishnu được thể hiện chủ yếu dưới hình thức nhân dạng thì thần Siva được thể hiện chủ yếu bằng biểu tượng Sivalinhga. Một số khá lớn linga, yoni, linga - yoni cùng các bệ thờ đã được phát hiện ở ĐBSCL với nhiều loại hình, kiểu dáng, kích thước khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ, trước năm 1975, đã phát hiện được 121 hiện vật, phần lớn tập trung ở miền tây sông Hậu. Sau năm 1975, khoảng 100 hiện vật đã được phát hiện, bao gồm một lượng lớn mảnh vỡ và nhiều đá thờ có hình dạng và kích thước khác nhau [74, tr.82]. Điều này cho thấy, trong đời sống của cư dân Óc Eo, tín ngưỡng thờ thần Siva chiếm ưu thế hơn so với Vishnu. Tín ngưỡng thờ Siva ở đây thường được thể hiện dưới dạng thờ linga, yoni, linga - yoni cùng nhiều tượng thờ, vật thờ liên quan đến thần Siva. Chúng có có mặt tại đây từ rất sớm, niên đại từ khoảng thế kỷ I SCN, phát triển mạnh mẽ từ khoảng thế kỷ III -
VIII. Trong số những vật thờ này, thì hình thức thờ linga, linga - yoni còn có ý nghĩa là biểu tượng cho dương tính, cho sự kết hợp giữa âm và dương. Nó được tìm thấy nhiều nhất, hầu như trong các di tích văn hoá Óc Eo đều có sự xuất hiện của nó. Có thể do hình thức thờ phụng này có sự gần gũi, tương đồng với truyền thống thờ sinh thực khí của cư dân bản địa, tượng trưng cho sự màu mỡ, sinh sôi nảy nở nên nó dễ dàng được chấp nhận trong mọi tầng lớp cư dân.
Việc tìm thấy nhiều tượng thờ, vật thờ liên quan đến Vishnu và Siva có lẽ là sự thể hiện lòng ngưỡng mộ những kỳ tích của các vị thần này trong việc cứu giúp nhân loại diệt trừ quỷ dữ và lòng khao khát tiến tới cuộc sống tốt đẹp [13, tr.132-133]. Điều này phù hợp với hoàn cảnh sống của con người nơi đây. Họ cần một chỗ dựa, một niềm tin để vượt qua những nguy hiểm, cạm bẫy trên rừng, dưới nước và cả những khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ mặc nhiên chấp nhận cả hai vị thần này trong thần điện của mình, thần Vishnu là vị thần bảo vệ cuộc sống ấm no và những tài sản họ đã làm ra, còn thần Siva sẽ trừng phạt những kẻ ác trong xã hội [121,tr.336]. Hai vị thần này có khi còn được kết hợp thành thần Hari - Hara (Hari là Vishnu, Hara là Siva). Điều này cho thấy, ngoài ước mơ được che chở, họ còn mong muốn có sự công bằng xã hội. Tuy nhiên, thần Hari - Hara không được thờ phổ biến trong văn hoá Óc Eo. Song, sự kết hợp này đã nói lên tư tưởng dung hoà của con người nơi đây.
Ngoài ra, cư dân Óc Eo còn thờ các thần khác thuộc Bàlamôn giáo như tín ngưỡng thờ Brahma là biểu tượng cho sự vĩnh hằng và đấng tối cao, thần Surya - thần mặt trời, thần ganesa - phúc thần, các nam thần và nữ thần… Tuy nhiên, các vị thần này không phổ biến, tượng của các vị thần này tìm thấy không nhiều nhưng cũng đã cho ta thấy được phần nào sự phong phú trong đời sống tinh thần của cư dân Óc Eo ở ĐBSCL.
Đặc biệt, trong năm 2013, đoàn khai quật khảo cổ học của Trường Đại học KHXH và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM đã tiến hành khảo sát và khai quật khu vực cư trú Gò Minh Sư. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích
Ao Thần nằm ngay phía Đông đền thần Gò Minh Sư, gần khu vực cổng vào của kiến trúc. Theo các nhà nghiên cứu, Ao Thần này có chức năng chứa nước dùng cho các nghi lễ thờ cúng trong đền, đồng thời, có thể nó còn có chức năng là nơi tẩy uế cho các tín đồ đạo Hindu trước khi vào thần cầu nguyện. Do trong hố phát hiện được nhiều mảnh bình kendi, nhiều xơ dừa, mo dừa nên có thể đoán định cư dân xưa đã dùng các vật dụng bằng dừa để thực hiện nghi lễ tẩy trần hoặc ban phúc. Còn các tầng lớp tăng lữ có thể dùng bình kendi để múc nước phục vụ các nghi lễ trong đền [113]. Với phát hiện này đã dần hé lộ một số nghi thức đã được thực hiện trong các nghi lễ Hindu giáo.
Như vậy, có thể nói rằng, Bàlamôn (và sau đó là Hindu giáo) đã chi phối sâu sắc đến đời sống tinh thần của cư dân Óc Eo, đồng thời, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị của cư dân nơi đây. Chính Hindu giáo đã giữ vai trò quyết định trong việc tạo ra sự chuyển biến về các mối quan hệ trong xã hội của cư dân Óc Eo. Hindu giáo tồn tại vào phát triển qua các thời kỳ của vương quốc Phù Nam, khoảng thời gian từ thế kỷ I - VII, và tiếp tục phát triển những giai đoạn tiếp theo. Thực tế đã khẳng định, trong suốt thời kỳ này, Hindu giáo đã xâm nhập và phổ biến rộng rãi, tạo được thiện cảm trong lòng dân chúng bản địa, đã thiết lập được một số mạng lưới các đền tháp Hindu giáo trong khu vực và để lại cho ngày nay số lượng lớn các tượng thờ, vật thờ ở khắp các tỉnh miền TNB.
3.1.3. Đạo Phật
Cùng với Hindu giáo, Phật giáo đã du nhập đến vùng ĐBSCL từ rất sớm vào khoảng thế kỷ II SCN [74, tr.208] và phát triển một cách mạnh mẽ với cả hai tông phái, mở đầu là phái Theravada (Tiểu thừa) và sau đó là phái Mahayana (Đại thừa). Tuy không được thờ cúng phổ biến, rộng rãi như Bàlamôn giáo,