nhưng có nhiều loại khác nhau, phản ánh những hoạt động sản xuất phong phú của cư dân nơi đây.
Đá có lỗ được tìm thấy không nhiều, chủ yếu ở di tích Óc Eo (3 bản), được làm bằng loại diệp thạch màu xám tro, dạng hình khối chữ nhật dẹt, bị gãy vỡ. Trên bề mặt của các khối đá này có 2 - 3 lỗ hình bán cầu nằm thành hàng. Có thể đây là những lỗ khuôn đúc các vật hình bán cầu hoặc là loại đồ nghề của những người thợ kim hoàn.
Khuôn đúc hoặc khuôn ép được phát hiện trong các di tích Óc Eo, Gò Tháp và Nhơn Thành. Trong đó, có hai khuôn ở Óc Eo và Gò Tháp được làm bằng sa thạch màu xám, dạng hình khối chữ nhật dẹt. Trên bề mặt có hình vật đúc là một khuyên tai hình con cá ngựa tương tự khuyên tai bằng chì tìm thấy ở di tích Đá Nổi. Khuôn ở di tích Nhơn Thành được làm bằng loại diệp thạch, dạng hình khối vuông dẹt, trên mặt khuôn là một tập hợp nhiều loại hình vật đúc như 2 hình nhẵn, 1 khuyên tai tròn, một khuyên tai hình con đỉa, 1 bùa đeo hình chữ nhật, 1 dây chuyền đúc liền với 7 hạt hình bán cầu, 1 hình con hươu ngẩng cao cổ, 1 hình lá và dây cách điệu, 1 hình đúc con bò bị vỡ còn lại hai chân sau [23, tr.376]. Ngoài ra, còn có một vài khuôn đúc có hình con vật đúc bị vỡ không nhận được hình dạng của nó.
Đá dùng làm mặt giáp khuôn được phát hiện ở di tích Nhơn Thành. Trong đó có 2 tiêu bản nguyên, 1 vỡ, được làm bằng loại diệp thạch màu xám xanh, dạng hình khối vuông dẹt, kích thước mỗi cạnh rộng từ 10cm đến 13cm, dày từ
1,0cm đến 1,4cm [23, tr.377]. Cả ba hiện vật trên đều có một mặt nhẵn, một mặt có hoa văn trang trí ở xung quanh rìa cạnh, gồm những hình bông hoa bốn cánh, những đường chéo cắt nhau, hình tam giác cân và hình những đường dích dắc đơn giản.
Nồi nấu kim loại có dáng nhỏ, có khi chỉ bằng một chiếc chum nhỏ, miệng hơi thu hẹp, bụng nở ở gần đáy, thân thẳng đứng, đáy bằng ngang. Nồi có thân thấp, xương gốm khá dày, đặc biệt là ở phần đáy, mặt trong tương đối phẳng, giữa lòng đáy có dấu tay ấn thành lỗ sâu, mặt ngoài không trang trí hoa văn. Chất liệu là đất sét pha cát, xương gốm màu xám tro, mặt ngoài màu xám trắng, kỹ thuật nặn bằng tay.
Bàn dập là loại dụng cụ có hình nấm làm bằng chất liệu đất sét lọc kỹ, khá mịn, màu trắng ngà hay hồng nhạt, rất nhẹ, thuận lợi cho người thợ làm gốm khi cầm. Mặt xoa hình tròn cong lồi có hoa văn khắc chìm khá sắc nét kiểu chân chim, dấu nhân hay những đường tròn đồng tâm, cũng có chiếc mặt để trơn láng không có hoa văn. Có một lỗ nhỏ xuyên dọc chính giữa tay cầm đến tâm mặt xoa.
Chì lưới thu thập trong các di tích Óc Eo (11) và Gò Tháp (2) [23, tr.377]. Bao gồm các loại hình thỏi dài, bánh dẹt chữ nhật, bánh dẹt bầu dục, bánh tròn, hình cầu và hình viên trụ. Phần lớn các chì lưới đều có rãnh sâu chạy quanh thân, không có hoặc có từ 2 - 4 lỗ tròn xuyên qua thân để buộc dây. Được làm bằng đất sét mịn hoặc đất sét pha cát với các màu gạch, xám đen, xám trắng, xám nâu, được nung ở nhiệt độ khá cao.
Dọi xe sợi được tìm thấy 32 chiếc, nằm rải rác trong các di tích Óc Eo, Nền Chùa, Gò Tháp, Cạnh Đền và nhiều nhất là ở Gò Thành [23, tr.377]. Chúng gồm các loại hình quả trám, bán cầu, hình nón cụt, hình cầu hai đầu dẹt… được làm bằng loại đất sét mịn, nung ở nhiệt độ cao, rất chắc. Nhiều chiếc có mặt ngoài khá láng, có các màu đen, xám nâu và xám nhạt, trên thân có lỗ xuyên trục dọc.
Bàn dập: Bàn dập hình nấm phát hiện được 12 chiếc trong các di tích Óc Eo, Nền Chùa, Cạnh Đền, Thạnh Trungvà Gò Tháp. Còn bàn dập hình e-líp, tìm thấy 8 cái ở các di tích Gò Thành, Cạnh Đền [23, tr.379-381]. Phần lớn những
hiện vật này đều bị gãy một đầu, trên thân được trang trí hoa văn vạch những đường xiên chạy song song và chéo nhau, tạo thành ô hình bình hành. Chất liệu là đất sét pha cát mịn, màu đỏ hồng, đỏ sẫm và màu trắng mốc.