- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều
2.4.2.3. Nghề dệt vả
Nghề dệt ra đời từ rất sớm và khá phát triển, ngay từ thời kỳ đồng thau - sắt sớm ở lưu vực sông Đồng Nai và các nền văn hoá tương đương ở những khu vực khác như Đông Sơn, sớm hơn là Phùng Nguyên đã tìm thấy nhiều dọi xe sợi bằng đất nung và dấu vết in thừng trên nhiều loại đồ gốm. Đến thời kỳ Óc Eo, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy dấu vết của vải và khung cửi trong nền văn hoá này. Có thể do cấu tạo bằng gỗ, tre, nứa (khung cửi) và nguyên liệu dệt từ thiên nhiên (vải) dễ bị phân huỷ theo thời gian, vì vậy, những di vật này không để lại dấu vết trong các di tích. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nghề dệt vải đã tồn tại và rất phát triển ở thời kỳ này.
Qua các đợt khai quật, thám sát các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ cư trú và mộ táng ở Óc Eo, Nền Chùa, Cạnh Đền, Gò Tháp, Gò Thành… Sự phát triển đáng kể về mặt số lượng dọi xe chỉ trong các di tích này cho thấy, nghề dệt đã rất phát triển. Có địa điểm tìm thấy hàng chục chiếc (tại Óc Eo L.Malleret tìm được 40 chiếc [141, tr.213]), với kiểu dáng và loại hình khác nhau như hình quả trám, bán cầu, nón cụt, cầu hai đầu dẹt [hình 20; 2.3]… Loại phổ biến nhất ở Óc Eo là hình bán cầu, kết hợp với một mặt hình nón cụt. Hầu hết chúng được làm từ loại đất sét mịn, độ nung cao, cứng chắc, được trang trí bằng những đường vòng tròn khắc chìm, đồng tâm [10, tr.386]. Với sự xuất hiện dày đặc của những chiếc dọi xe chỉ ở một số di tích như Óc Eo cho thấy, nghề dệt trong thời kỳ Óc Eo đã rất phát triển, có thể đã có sự chuyên môn hoá cao, hình thành những xưởng dệt sản xuất vải cho cả xã hội lúc bấy giờ.
Đặc biệt, thời kỳ này, có thể các loại vải được dệt ra với nhiều loại dày, mỏng, kẻ ngang, kẻ sọc, kẻ ô vuông và có thể đã có những hoa văn khác nhau. Tại di tích Óc Eo, L.Malleret đã phát hiện được một chiếc hộp, đoán định có thể
dùng để in hoa văn trên vải. Trên chiếc hộp có khắc hình hoa tám cánh trên đường chéo và trục các ngăn hình vuông. Chiếc hộp được làm bằng đất xốp pha nhiều cát làm cho mặt chiếc hộp có độ nhám để có thể giữ được thuốc nhuộm lâu hơn [141, tr.218]. Qua đó có thể khẳng định rằng, nghề dệt thời kỳ Óc Eo đã rất phát triển, việc mặc các trang phục không chỉ để che chắn mà còn là để làm đẹp. Vải có thể đã được các thợ nhuộm nhuộm thành nhiều màu sắc với những hoạ tiết khác nhau.