Buôn bán tại chỗ và với các cộng đồng cư dân láng giềng

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 103 - 106)

- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều

2.4.3.1.Buôn bán tại chỗ và với các cộng đồng cư dân láng giềng

Vương quốc Phù Nam còn có một nền nông nghiệp khá phát triển với nghề trồng lúa nước, trồng mía đường, một bộ phận nông dân trồng vườn, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản… Sản phẩm hàng nông sản phong phú, có những vườn cây ăn trái lên đến hàng trăm cây. Điều đó cho thấy, nền kinh tế nông nghiệp của cư dân Óc Eo đã vượt xa nền kinh tế tự cung tự cấp và đã chuyển sang nền kinh tế hàng hoá. Những hoạt động mua đi, bán lại các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như nước ngọt, muối, gạo, đường… của cư dân Óc Eo có thể đã diễn ra rất nhộn nhịp thời bấy giờ. Đối với những vùng ven biển ngập mặn quanh năm không thể tiến hành các hoạt động nông nghiệp thì việc trao đổi lương thực, thực phẩm mà họ không thể trồng được có lẽ đã diễn ra thường xuyên. Đồng thời họ cũng mang những sản vật đã khai thác được từ môi trường tự nhiên đem đổi lấy những sản phẩm mình không thể sản xuất ra.

Ngoài ra, hoạt động mua bán ruộng đất thời kỳ này có thể cũng đã được tiến hành. Trên nhiều văn minh có ghi lại việc trao đổi, mua bán ruộng đất đã diễn ra rất phổ biến. Tuỳ vào từng loại ruộng mà đưa ra các giá cả khác nhau. Việc mua bán ruộng đất dựa trên căn bản mức hoa lợi là lúa gạo, rồi quy đổi ngang giá bằng đơn vị “tam-lin” bạc. Một văn minh ghi rõ “giá ruộng ở Ten

Hvar Paren và ở Tem Mahanavami bằng lượng thóc trị giá 10 tam-lin bạc. Ruộng gần Padmodthava bằng 5 tam-lin bạc. Ruộng gần Travan Tman 10 tam- lin bạc…” [2, tr.141]. Như vậy, thời kỳ này đã xuất hiện quyền sở hữu ruộng đất. Ruộng đất có thể nói là tài sản rất quan trọng đối với người dân, và nó cũng đã trở thành một loại hàng hoá có thể mua đi, bán lại.

Bên cạnh đó, các ngành sản xuất thủ công cũng đặc biệt phát triển với sự đa dạng của các sản phẩm. Các xưởng thủ công đạt đến trình độ chuyên môn hoá như nghề gốm, kim hoàn, điêu khắc… và được sản xuất với số lượng lớn. Cùng với sự phong phú các sản phẩm, “những cửa hàng, cửa hiệu” [96, tr.39] ra đời phục vụ cho nhu cầu đời sống của cư dân tại chỗ, tạo tiền đề cho nền kinh tế thương nghiệp của cư dân Óc Eo ngày càng phồn thịnh, trở thành một đô thị sầm uất lúc bấy giờ. Một số sản phẩm từ những “cửa hàng, cửa hiệu” này có thể được vận chuyển đến các vùng lân cận để buôn bán. Lương thư đã miêu tả hoạt động buôn bán sầm uất của cư dân Óc Eo “các nước ngoài biên cảnh đi lại buôn bán rất thường xuyên… chợ ở đây là chốn đông tây giao hội; mỗi ngày có hơn 10.000 người” [2, tr.141]. Qua đó có thể thấy rằng, việc buôn bán của cư dân nơi đây diễn ra rất sôi nổi, người dân làm ăn phát đạt. Lúc bấy giờ, Phù Nam được coi như là kho chứa hàng quan trọng của các thương nhân, vừa là nơi dừng chân để bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm cũng như các loại hàng hoá khác. Họ buôn bán, trao đổi với cư dân địa phương, tạo điều kiện cho nền thương nghiệp nội địa thêm phồn thịnh, sớm trở thành một trung tâm thương mại.

Phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ cho hoạt động buôn bán chủ yếu dùng thuyền. Nam Bộ là nơi có hệ thống sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho việc lưu thông bằng đường thuỷ. Hệ thống sông Đồng Nai, sông Cửu Long và các kênh rạch chằng chịt, tạo thành một mạng lưới giao thông bằng đường thuỷ liên kết các vùng lại với nhau, làm cho việc giao thương buôn bán lúc bấy giờ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, để thuận lợi luân chuyển hàng hoá, giao thương với những vùng lân cận, người dân Phù Nam đã xây dựng một hệ thống kênh đào rất

công phu toả ra các di tích trong khu vực, nối liền vùng lương thực Angkor Borei với hải cảng Óc Eo [56, tr.370]. Chính các con sông và hệ thống kênh rạch đã giúp vùng đất này hình thành nên các cảng thị giao lưu buôn bán trong nội địa, còn các cửa biển mở ra con đường giao lưu với các nước trong khu vực và các vùng xa khác hơn.

Ngoài ra, những đồng tiền xuất hiện là bằng chứng xác thực nhất cho thấy, vương quốc Phù Nam có nền thương nghiệp phát triển. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồng tiền được cắt tư, cắt tám trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo như: Nền Chùa (3), Đá Nổi (3), Kè Một (2) và Gò Hàng (4) [23, tr.337-338]. Những đồng tiền được cắt nhỏ này [hình 1; 2.10] có thể được dùng để làm tiền lẻ để mua bán hàng hoá có giá trị nhỏ hoặc dùng để thối lại. Sự có mặt của những đồng tiền luôn gắn liền với một xã hội văn minh với nền kinh tế thị trường phát triển ở mức độ khá cao. Ở đây đã xuất hiện những đồng tiền chỉ dùng trong phạm vi lãnh thổ vương quốc Phù Nam như các loại tiền Pegu và tiền Dvaravati, đặc biệt là tiền 8 con gà trống bằng bạc là những đồng tiền được đúc bản địa và tiêu dùng nội địa [96, tr.41-42]. Như vậy cho thấy, hoạt động buôn bán tại chỗ thời kỳ này diễn ra rất sầm uất và có sự phân biệt với hoạt động ngoại thương,

Những di vật hình tròn hoặc hình đa giác có chu vi đều đặn được làm bằng thiếc, giống như quả cân dùng để mua bán trên thị trường cũng được tìm thấy trong các di tích Óc Eo. Theo L.Malleret, nếu đích thật đây là những quả cân, thì những di vật này được dùng để cân những hàng hoá có giá trị cao trên thị trường, nhưng trọng lượng thấp như vàng [141, tr.407].

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều lá vàng dát mỏng trong các di chỉ mộ táng, tập hợp thành những sưu tập lá vàng có hình dạng, kích thức và trọng lượng gần giống nhau. Trong đó có nhiều lá bị rách, bị nhàu nát, tương tự như tờ giấy bạc cũ…Như vậy, ngoài dùng tiền làm phương tiện để trao đổi hàng hoá, vàng cũng có thể đã được người dân Óc Eo dùng cho mục đích này.

Như vậy, vàng vừa là hàng hoá, đồng thời vừa là vật trung gian môi giới trong trao đổi hàng hoá, giúp quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 103 - 106)