Gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều nhất trong văn hoá Óc

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 44 - 48)

Eo, nó gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật của cư dân nơi đây, cũng như phản ánh nhiều mặt đời sống văn hoá - xã hội của con người trong từng giai đoạn tồn tại và phát triển trên vùng đất này. Đồ gốm có mặt hầu hết trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo ở ĐBSCL, nhưng nhiều nhất là trong các di tích cư trú và các ngôi mộ táng. Qua các cuộc khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện hàng nghìn di vật gốm liên quan đến hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày như nồi, nồi nấu kim loại, vò, bình kendi, chậu rửa… Tuy nhiên, đồ gốm còn nguyên vẹn không nhiều, chủ yếu là những mảnh gốm được đập nhỏ chôn theo người chết? với quan niệm để cho những người đã mất sang thế giới bên kia sử dụng.

Tại các di tích như Óc Eo, Gò Tháp, Nền Chùa, Giồng Xoài… các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình gốm tiêu biểu như các loại gốm đồ gia dụng, đồ thờ cúng và công cụ sản xuất.

+ Đồ gốm gia dụng:

Hũ, lọ là những đồ đựng có nhiều kích cỡ to nhỏ, loại hình, kiểu dáng khác nhau phù hợp với nhu cầu cất trữ các loại đồ ăn, hạt giống của mỗi gia đình.Có những cái miệng nhỏ, cổ ngắn, bản miệng loe cong (như ở Gò Hàng), cũng có những cái cổ cao, chân đế thấp, đường kính miệng rộng (như ở Gò Xoài)… Nhưng đa số hũ, lọ gốm trong văn hoá Óc Eo đều có thân phình rộng, chiều rộng của thân luôn lớn hơn chiều cao. Thân thường được trang trí bởi các hoa văn hình tam giác, hình sóng nước hoặc các đường tròn đồng tâm…

Ấm (bình có vòi, Kendi) là hiện vật đặc trưng, rất phổ biến trong văn hoá Óc Eo ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Mọi người thường biết đến chiếc bình có vòi như là một loại đồ dùng đựng rượu hoặc nước trong việc thờ cúng, tuy nhiên, nó còn được dùng đựng hay để đun nước uống...

Chai gốm là loại đồ đựng khá độc đáo, được phát hiện chủ yếu ở di tích Nền Chùa, Gò Tháp và Giồng Xoài. Có hình dáng, kích thước gần giống nhau: có miệng cao, mép miệng tròn và như trào ra ngoài, cổ hẹp, thân hình ống tròn dài, đáy tròn. Trên thân trang trí hoa văn chải thô xiên theo chiều dọc. Chất liệu là đất sét pha cát trộn bã thực vật, xương gốm màu xám đen hoặc xám nâu, áo ngoài màu đỏ son có nhiều chỗ bị tróc, còn lại màu xám nhạt.

Chậu có quai cầm có nhiều loại hình, kiểu dáng khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là được sản xuất bằng gốm thô, dày, xương gốm màu xám đen, áo gốm màu đỏ gạch, miệng loe. Chiếc chậu có quai cầm được phát hiện tại Gò Tháp, hiện được lưu giữ tại BTĐT (BTĐT.CV.1131/Gm.50.2), có kích thước và hình dáng khá độc đáo. Chậu có miệng loe xiên, bẻ hai gờ gấp khúc, thân và đáy tròn, sâu lòng, trên vành miệng có một quai cầm lớn.

Tô, bát, đĩa được phát hiện chủ yếu ở Gò Tháp, An Giang và Long An. Qua các hiện vật cho thấy, trong văn hoá Óc Eo có rất nhiều bát nhỏ được sản xuất, với những kích cỡ khác nhau như bát nhỏ, bát vừa, tô, đĩa. Những di vật này thường được làm bằng loại gốm mịn, kỹ thuật nặn bằng bàn xoay, những chiếc bát thô, nặng, áo gốm dễ bong tróc, không bóng, không trang trí hoa văn. Ở Gò Minh Sư đã phát hiện một chiếc bát bồng. Đây là chiếc bát bồng còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy ở miền TNB, được trang trí 3 hàng chấm màu nâu đen ở vành miệng, có chân đế thấp, miệng loe cong.

Nồi là loại hình được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo, nhưng đa số đều bị vỡ. Chúng có sự khác nhau về kiểu dáng, kích thước nhưng đều có chung một đặc điểm là miệng loe, cổ lượn, bụng nở, đáy tròn rất thuận tiện trong việc đun nấu. Phía trên thân thường được trang trí các loại hoa văn in thừng, hoa văn chải tạo thành những đường xiên chéo hoặc đường dọc.

Bếp lò (cà ràng) là loại bếp lò gốm đã được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hoá Đồng Nai thời tiền sử, đồng thời, đây cũng là di vật tiêu biểu được tìm thấy trong nhiều các di tích thuộc văn hoá Óc Eo. Tuy chỉ còn các

mảnh vỡ nhưng có thể nhận dạng di vật này qua sự so sánh với loại bếp lò bằng gốm hiện nay vẫn phổ biến ở ĐBSCL, được người Khmer gọi là “cà ràng”. Bếp lò bằng gốm xuất hiện trong nhiều di tích cư trú và cả trong mộ táng (với chức năng là đồ tuỳ táng), trở thành di vật đặc trưng của văn hoá Óc Eo.

Nắp đậy được phát hiện rất nhiều trong các di tích văn hoá Óc Eo với các kiểu dáng, lớn nhỏ và chức năng khác nhau. Đây là đồ dùng phổ biến, được tìm thấy hầu như ở khắp các di tích văn hoá Óc Eo ở vùng đồng bằng miền TNB, và là một trong những loại hình đồ gốm điển hình của nền văn hoá này.

Đèn gốm là di vật khá hiếm, chỉ mới tìm thấy ở các di tích Óc Eo và Nền Chùa. Nó được làm bằng đất, chắc nặng, đế hình đĩa có vành, đường kính lớn hơn đĩa đèn. Phía trên đặt một đĩa đèn đường kính nhỏ hơn đế, đĩa này có chỗ lõm để gác bấc đèn. Có thể có các loại đĩa đèn đơn giản hơn, chỉ nhận rõ bằng một phần lõm nhỏ ở phía trên.

+ Các di vật gốm được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo hoặc dùng để thờ cúng thường được làm bằng các loại gốm mịn. Cũng chính vì chịu ảnh hưởng của những quy định tôn giáo mà các loại hình gốm thuộc dòng gốm mịn có tính ổn định và thống nhất cao về mặt loại hình và có mặt hầu hết ở các di tích thuộc văn hoá Óc Eo ở miền TNB. Về cơ bản, cấu trúc loại hình, chất liệu hầu như không thay đổi, luôn tuân thủ theo một khuôn mẫu được định sẵn. Những di vật gốm này “có xuất xứ từ Ấn Độ, có đặc điểm riêng khác hẳn loại đồ gốm bản địa. Xương của gốm thường mịn do nguyên liệu được sàng lọc kỹ, tạo dáng khá cận thận và cầu kỳ” [25, tr.327-328]. Việc tìm thấy nhiều mảnh vỡ của một số loại đồ đựng có áo phủ ngoài, xương gốm cứng, chắc quanh khu vực các di tích kiến trúc và mộ táng, cùng với một số hình chạm dập bình, bình có vòi trên đồ trang sức, trên vàng lá… khiến ta nghĩ rằng, đây là loại đồ gốm được sản xuất để phục vụ các tầng lớp trên và dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Trong văn hoá Óc Eo xuất hiện một số đồ dùng được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo như:

Bình Kendi (gồm kendika và kendi) vừa là đồ gia dụng (kendi) đồng thời cũng là đồ được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, thờ cúng (chủ yếu là kendika, cũng có khi cả kendi). Bình Kendi có hình dáng rất đặc trưng, được tìm thấy rất nhiều trong văn hoá Óc Eo. Đây là loại hình tiêu biểu cho sản phẩm chịu ảnh hưởng của đồ gốm Ấn Độ cả về chất liệu, kỹ thuật cũng như tạo hình. Bình được làm bằng loại gốm mịn, thân hình cầu, phình tròn ở giữa, thu nhỏ ở cổ và đáy bình. Miệng bình loe cong, nhiều chiếc có hoa văn khắc vạch tam giác hay sóng nước ở thân, có chiếc tô màu đỏ (thổ hoàng) hay màu đen chì rất đẹp. Những bình Kendi này thường được tìm thấy trong các phế tích đền tháp, hầu hết bị gãy vòi hoặc xuất hiện trên các điêu khắc ở trong tay các vị thần hay Bồ Tát. Tại Gò Tháp còn tìm thấy một cái còn nguyên, là vật cầm trên cánh tay trái của tượng thần. Điều này chứng tỏ bình Kendi chắc chắn được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo Bàlamôn.

Ly (cốc có đế cao hay cốc chân đế con tiện) là một trong những hiện vật đặc trưng của văn hoá Óc Eo ở vùng đồng bằng thấp, được tìm thấy khá nhiều trong các di tích Óc Eo, Nền Chùa, Gò Hàng và Cạnh Đền... Nó trông giống ly uống sâm-panh ngày nay, kiểu dáng hiện đại, có thân hình bán cầu, chân đế rộng, mép đế xiên gần ngang, khoảng tiếp giáp giữa thân và đế thóp mạnh, trên thân không có trang trí hoa văn. Chất liệu là đất sét mịn được người thợ gạn lọc kỹ, không có tạp chất, kỹ thuật nặn bằng bàn xoay, độ nung cao. Xương và áo gốm có cùng màu hồng gạch, hồng vàng, trắng xám hoặc xám ghi.

Những chiếc nắp gốm hình tháp có trổ các lỗ nhỏ ở phía trên để thoát hơi khi sử dụng, có thể được dùng để đậy bình đốt hương trong các nghi lễ hoặc thờ cúng được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo.

+ Ngoài đồ gốm gia dụng và đồ gốm dùng trong nghi lễ tôn giáo, còn có các loại công cụ sản xuất bằng gốm như nồi nấu kim loại, bàn dập, chì lưới và dọi xe chỉ…

Nhìn chung, qua tập hợp đồ gốm tìm được trong các di tích ở miền TNB đã cho thấy tính kết nối truyền thống của đồ gốm thuộc giai đoạn tiền sử ở vùng Nam Đông Dương. Đồ gốm ở đây có những nét giống với gốm Samrong Sen và gốm Sa Huỳnh, cũng như đồ gốm ở một vài địa điểm khác của Đông Nam Á, kể cả gốm Đông Sơn ở miền Bắc [108, tr.837]. Tuy nhiên, những điểm gần gũi với gốm Đông Nam Á không làm mất đi bản sắc của đồ gốm Óc Eo ở miền TNB. Tính bản địa (địa phương) của đồ gốm Óc Eo ở miền TNB cũng được thể hiện rất rõ qua các di vật gốm tìm được. Đó là những đồ gốm có cổ và miệng hẹp hay những chiếc ấm có vòi, những chiếc cà ràng, nồi có nắp đậy ngửa… phù hợp cho cư dân sống trên ghe xuồng sông nước.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 44 - 48)