- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều
2.4.2.4. Nghề rèn, đúc kim loạ
Ngành luyện kim thời kỳ này có thể nói đã có bước phát triển, tuy nhiên sự phát triển ở đây không đồng đều giữa các ngành nghề. Các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cư dân Óc Eo bằng kim loại như: sắt, đồng, vàng, bạc được phát hiện không nhiều. Một số đồ dùng bằng đồng, bạc, vàng được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo, còn kim loại sắt ít thấy trong đồ gia dụng, có thể dùng để chế tạo công cụ lao động là chính.
Nghề chế tác đồ đồng: Đồ đồng ít xuất hiện trong đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của cư dân Óc Eo. Có lẽ do tác động của axit khoáng, hữu cơ, trên vùng đất ẩm phèn và những vùng có muối biển do thuỷ triều lên xuống nên những đồ dùng bằng kim loại đã bị phân huỷ theo thời gian. Cũng có thể do người dân nơi đây sử dụng các đồ đồng cũ đúc chảy để chế tác thành đồ mới vì vùng ĐBSCL hoàn toàn không có tài nguyên về kim khoáng [141, tr.223-224]. Trong đợt khai quật ở di tích Óc Eo, L.Malleret đã phát hiện những mảnh hydrocacbonat đồng mục nát, hễ đụng tay vào là rã rời hết [141, tr.223]. Chính vì thế mà cho đến nay, người ta chỉ mới biết đến một số vật dụng bằng đồng như lưỡi câu, mũi nhọn, lưỡi dao, búa nhỏ, giá kê đèn, đặc biệt là ba chiếc ly đồng duy nhất được tìm thấy trong di tích Lưu Cừ còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, nghề đúc đồng ở thời kỳ này đã rất phát triển, “đạt đến trình độ kỹ thuật - nghệ thuật cao” [2, tr.136]. Điều này được thể hiện qua các sản phẩm như tượng thần, tượng người, tượng thú, giá đèn, đèn… bằng đồng được tìm thấy trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo.
Đặc biệt là giá kê đèn, đèn [hình 2, 3, 4; 2.2] được thiết kế với hình dáng những con thú, con chim rất độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao, có thể dùng làm vật trang trí.
Bên cạnh các vật dụng bằng đồng, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những dấu tích cho thấy nơi đây chắc chắn nghề luyện đồng thau đã tồn tại như khuôn đúc, các thỏi đồng to nhỏ khác nhau, miếng đồng, dây đồng… nằm rải rác trong một số di tích như Óc Eo, Định Mỹ, Lưu Cừ… Tại di tích Óc Eo và Định Mỹ, các nhà khảo cổ học còn phát hiện rất nhiều những mảnh đồng, dưới hình thức nén có trọng lượng lên đến 50 gram hoặc những mẫu dài, mảnh dẹt, viên hình tròn [141, tr.291]… Đặc biệt tại di tích Óc Eo, L.Malleret đã phát hiện
“những chảo đúc bằng đất nung, trong đó ít ra là có một chiếc đã đựng đồng chảy, căn cứ trên vết đồng chảy còn thấy rõ trên miệng chảo và một lớp cùi cacbonat đồng còn dính ở mặt trong” [141, tr.292]. Hay tại di tích Cổ Sơn Tự nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari đã phát hiện được chiếc khuôn đúc đồng. Những chi tiết trên khuôn đúc đồng cho thấy, nó dùng để đúc các loại công cụ có hình như chiếc rìu. Qua đó cho thấy, trong văn hoá Óc Eo nghề đúc đồng mặc dù không phát triển như ở văn hoá Đông Sơn, nhưng chắc chắn đã tồn tại và phát triển đến một mức nhất định nào đó.
Nghề chế tác đồ sắt: Cũng có nghi ngờ rằng, ở vùng ĐBSCL những thế kỷ đầu Công nguyên, người dân Óc Eo không biết đến nghề rèn đúc sắt. Nghề rèn đúc sắt và đồ sắt trong văn hoá Óc Eo ít được chú ý đến. Vì số vật dụng bằng sắt còn bảo tồn được hình dáng hầu như rất ít, các quặng hoặc gỉ sắt cũng không nhiều. Tuy nhiên, có thể khẳng định, nghề rèn đúc sắt ở vùng ĐBSCL có thể đã xuất hiện rất sớm, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, được tiếp nối từ truyền thống chế tác đồ sắt từ văn hoá Đồng Nai. Có thể vì đồ sắt là kim loại dễ bị huỷ hoại theo thời gian. Nguyên nhân chính là đất ở vùng ĐBSCL vừa chua vừa mặn, lại luôn bị ngập nước nên dấu tích của chúng để lại không nhiều, đa số đều bị gỉ sét, rất khó nghiên cứu. Các dấu vết từ những di vật của nghề luyện sắt như
quặng sắt, cặn, bọt sắt, dây sắt, ống thổi bể… được phát hiện ở một số di tích như Cạnh Đền, Óc Eo (Ba Thê), Định Mỹ cho thấy nghề rèn sắt ở đây đã phát triển. Trong đó, tại di tích Óc Eo (Ba Thê), người ta đã phát hiện được các dụng cụ như dao có lưỡi cong và đục vũm, cuốc [2, tr.137].
Bên cạnh đó, một số thư tịch cổ Trung Quốc đã từng nhắc đến việc dùng đồ sắt để bọc những chỗ hiểm của thuyền, dùng xích sắt nung đỏ để xử tội kẻ gian, dùng đồ sắt để dâng lên thần linh… Từ đó có thể suy luận, nghề rèn đúc sắt xuất hiện từ rất sớm và đồ sắt thực sự được dùng phổ biến trong đời sống của cư dân Óc Eo.