Trong văn hoá Óc Eo, các ngành nghề thủ công đặc biệt phát triển. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy, trong phần lớn các di tích thuộc văn hoá Óc Eo đều phát hiện dấu tích của xưởng thủ công. Trong đó, nghề chế tác kim hoàn là phát triển nhất, để lại nhiều dấu vết trong các di tích, tạo thành những khu chế tác thủ công quan trọng trong văn hoá Óc Eo. Di tích xưởng thủ công kim hoàn thường lưu lại dấu tích trong lớp đất văn hoá cư trú, thành những vũng, ô có diện tích không lớn. Trong những vũng, ô đó thường tích tụ ở mật độ cao những hạt vàng nhỏ như trứng cá, những mạt, bụi, lá vàng nhỏ, các mảnh nguyên liệu đá quý, tinh thể thạch anh; thậm chí, có cả những dụng cụ làm đồ kim hoàn. Theo thống kê sơ bộ thì có đến 30/45 di tích có dấu tích liên quan đến hoạt động của nghề thủ công này [16, tr.415]. Loại di tích này thường được phát hiện trong các vùng thấp trũng như ở di tích Óc Eo, Phum Quao, Đá Nổi… (An Giang), Nền Chùa, Cạnh Đền (Kiên Giang), Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), Nhơn Thành (Cần Thơ), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Hàng, GòDung (Long An)… Đặc biệt, tại di tích Gò Hàng (còn có một tên gọi khác là “Cánh đồng vàng”) thuộc địa phận xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có dấu tích của xưởng chế tác kim hoàn. Trên bề mặt di tích có nhiều di vật như gốm, cọc gỗ, nhiều hạt chuỗi bằng thuỷ tinh, đất nung, đá quý, đặc biệt là nhiều mạt vàng nhỏ li ti như trứng cá, vàng
cám và các loại đồ vật kim loại khác… Tại một địa điểm gần trung tâm của gò, còn phát hiện được một “sàn” rất cứng cùng nhiều mảnh gốm mịn kết dính ở phần địa tầng bị xáo trộn [23, tr.160]. Như vậy, có thể nghĩ rằng, Gò Hàng là nơi có di tích thủ công kim hoàn và sản xuất gốm lớn nhất, sản phẩm đa dạng, số lượng. Những năm 80 của thế kỷ XIX, hàng ngàn người từ khắp nơi về đây để đào bới, có nhiều người đã giàu lên nhờ vào công việc này. Cũng chính vì vậy mà di tích bị xáo trộn và huỷ hoại nghiêm trọng.
Đồ gốm trong văn hoá Óc Eo được phát hiện rất nhiều, phức tạp và đa dạng về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác và cả về hoa văn trang trí. Trong từng di tích có sự khác nhau về số lượng, nhưng có những đặc điểm khá giống nhau về nội dung. Điều này cho thấy, nghề sản xuất gốm thời kỳ này rất phát triển, tuy nhiên, nó không tạo thành những khu xưởng chế tác thủ công với quy mô lớn. Các xưởng sản xuất đồ gốm thường nằm trong các khu cư trú hoặc các trung tâm thương mại. Chẳng hạn, trong các khu di tích lớn như Óc Eo, Cạnh Đền, Gò Tháp… đã có dấu tích của xưởng làm đồ gốm, gồm có những dụng cụ làm gốm như: bàn xoa, bàn dập, bàn xoay và nhiều bán thành phẩm khác.
1.3.2.2. Các loại hình di vật tiêu biểu
Các loại di vật trong văn hoá Óc Eo đã được phát hiện, thu thập từ đầu thế kỷ XIX, với số lượng lớn, phong phú các chủng loại với các chất liệu khác nhau như: đá, đất nung, đồng, sắt, vàng, gỗ… Số lượng di vật được phát hiện, công bố và lưu giữ đến nay có tới hàng nghìn, bao gồm các hiện vật được phát hiện trong các đợt khai quật và các hiện vật sưu tầm trong nhân dân. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nên hiện nay chưa có một thống kê chính thức về các hiện vật được phát hiện trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo. Theo số liệu của BTLS HCM hiện có khoảng 1.860 di vật đang được bảo quản tại đây, trong đó có hơn 500 di vật sưu tầm, khai quật từ sau năm 1975. Chỉ riêng ở BTLA, bộ sưu tập về đá ngọc đã lên đến 695 di vật, chế tác từ 6 chất liệu với 20 loại hình khác nhau [1, tr.277-278]. Ngoài ra, số lượng di vật được trưng bày trong nhà truyền thống ở
các tỉnh, cũng như những bộ sưu tập của tư nhân chiếm số lượng đáng kể với nhiều hiện vật có giá trị.