trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo ở miền TNB. Nó thường là những di vật thờ, tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo, được phát hiện trong các di tích có tính chất là trung tâm tôn giáo, kinh tế, chính trị quan trọng như di tích: Gò Tháp, Gò Thành, Đá Nổi, Óc Eo… Ngoài ra, các loại hình di vật này trong nhiều trường hợp có liên quan khá chặt chẽ với các phế tích kiến trúc quan trọng, chẳng hạn như các tượng Vishnu phát hiện ở Gò Tháp Mười (Gò Tháp, Đồng Tháp), một số tượng phát hiện ở Gò Thành (Tiền Giang), Nền Chùa (Kiên Giang)… Các điêu khắc này được tìm thấy trong văn hoá Óc Eo rất phong phú, đa dạng cả về số lượng lẫn loại hình.
+ Tượng Phật giáo: chủ yếu xuất hiện các loại tượng Phật với các chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Trong đó, tượng Phật bằng gỗ được phát hiện nhiều nhất. Tượng nằm rải rác trong các di tích Óc Eo ở miền TNB, tập trung nhiều nhất là ở tỉnh Đồng Tháp, là nơi có nhiều loại gỗ quý, hiếm. Theo các nguồn tư liệu, hiện nay, “có khoảng 28 pho tượng và 2 bàn tay tượng Phật bằng gỗ được phát hiện ở ĐBSCL. Trong đó Gò Tháp là nơi xuất lộ nhiều tượng gỗ nhất, có 22 tượng và mảnh vỡ” [74, tr.42]. Phần lớn, các tượng đều trong tình trạng bị gãy vỡ, mất đầu, mất cánh tay hoặc bệ tượng do thời gian và điều kiện môi trường,
cũng có tượng bị sơn phết (2 tượng được phát hiện tại Gò Tháp) nên rất khó nhận ra được đặc trưng của chúng.
Tượng Phật bằng đá mặc dù khó thể hiện hơn các chất liệu mềm khác, nhưng là di vật được phát hiện khá nhiều (có khoảng 22 tượng và mảnh vở [74, tr.48]) trong các di tích Óc Eo ở vùng TNB. Phần lớn là các tượng trôi nổi, không nằm trong địa tầng khảo cổ. Các tượng được thể hiện trong nhiều tư thế khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là ở tư thế ngồi thiền, nét mặt mang dáng vẻ của cư dân Đông Nam Á, mũi nở, miệng rộng.
Tượng Phật bằng đồng chiếm số lượng ít, hình khối nhỏ, nhưng vẫn thể hiện được đầy đủ chân dung với gương mặt từ bi, nhân hậu. Loại tượng Phật bằng đồng hiện nay mới chỉ phát hiện được 2 tượng còn nguyên vẹn và 1 đầu tượng. Đầu tượng bằng đồng được phát hiện tại di tích Ba Thê, có niên đại khoảng thế kỷ II - III. Hai tượng còn lại được phát hiện tại Gò Cây Thị (Óc Eo - An Giang), đều có tư thế đứng trên toà sen, đỉnh đầu có chóp nhọn tròn, tóc xoăn mịn từng cụm nhỏ, nét mặt hiền từ, mắt khép hờ, có niên đại khoảng thế kỷ V. Hiện nay, các tượng này được trưng bày tại BTAG và BTLS HCM.
Tượng Phật bằng đất nung tìm được không nhiều, loại này mới chỉ tìm thấy 2 tượng màu xám ở Gò Tháp, tượng bị vỡ mất đầu và chân. Tuy nhiên, qua những phần còn lại của tượng cho thấy, tượng Phật này được thể hiện trong tư thế ngồi thiền, hai chân vuông góc với đùi, niên đại của nó có thể vào thế kỷ VII.
Các vị Bồ Tát: Cùng với sự phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ và Trung Hoa, Phật giáo Đại thừa xuất hiện làm thay đổi đời sống tinh thần của cư dân vương quốc Phù Nam. Đó là sự “xuất hiện của các vị Bồ Tát (Bodhisattva), những người đã giác ngộ Phật đạo nhưng từ chối cõi Niết Bàn và nguyện dẫn dắt chúng sinh đi theo chính đạo” [74, tr.56]. Cho đến nay, người ta mới chỉ bắt gặp sự có mặt của hai vị là Quan Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara, đôi khi là sự kết hợp dưới dạng Lokesvara) và Di Lặc Bồ Tát (Maitreya).
Quan Thế Âm Bồ Tát: hiện nay chỉ mới phát hiện 2 tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, cả hai tượng đều được làm bằng đồng. Tượng thứ nhất phát hiện tại di tích Óc Eo (An Giang), tượng này rất nhỏ chỉ mang tích chất phù điêu, khoảng thế kỷ IV - V. Tượng thứ hai được phát hiện ở chùa Ông Đùng (Trà Vinh) có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ VII [74, tr.56]. Tượng có khuôn mặt đầy đặn, tóc xoăn được búi cao, trang phục dài tới đầu gối.
Di Lặc Bồ Tát chỉ phát hiện được 3 tượng ở ĐBSCL. Các tượng đều có niên đại muộn khoảng cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII: tượng thứ nhất được phát hiện ở Văt Cett Dei (Trà Vinh), khuôn mặt thon tròn, thân hình nở nang, vai rộng, ngực nở, phía dưới quấn Sampot ngắn đến gối, trên không mặc áo; Tượng thứ hai phát hiện được ở Trung Điền (Vĩnh Long), mặt tròn to, bụng hơi phệ, cơ bắp nổi rõ, tượng có sự hoà lẫn giữa hai yếu tố Vishnu và Maitreya; tượng thứ ba do một người dân tìm thấy ở Rạch Giá, trang phục lộng lẫy, quý phái, có đeo trang sức như vòng cổ, dây thắt lưng và vương miện [74, tr.56-57].
+ Tượng Hindu giáo: Hindu giáo luôn là tôn giáo chính, lớn nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ. Trong Hindu giáo, các vị thần đã được trừu tượng hoá thành những biểu tượng, tượng trưng cho những hiện tượng thiên nhiên được quy tụ lại thành tam vị nhất thể (Trimurti), đó là Braham, Shiva, Vishnu, đại diện cho ba lực lượng phổ biến của vũ trụ: sáng tạo, bảo vệ và huỷ diệt. Đây cũng là ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Tượng Hindu giáo được tìm thấy khá nhiều trong các di tích văn hoá Óc Eo, trong đó, tượng thần Vishnu, Siva và Brahma được tìm thấy nhiều nhất.
Trong đó, Tượng thần Vishnu được phát hiện rất nhiều (khoảng 54 tượng và một số mảnh vỡ), nhưng hầu hết đều trong tình trạng bị hư hại, không còn nguyên vẹn. Đa số tượng được làm bằng đá, chỉ có 1 tượng duy nhất làm bằng đồng được phát hiện ở Kiên Giang.
Tượng thần Siva xuất hiện ít hơn, đa số tượng xuất hiện ở giai đoạn rất muộn (khoảng thế kỷ XII - XIII).
Tượng thần Brahma: Cho đến nay, ở vùng ĐBSCL mới chỉ phát hiện khoảng 4 tượng. Tất cả đều được thể hiện dưới hình thức vị thần có 4 khuôn mặt nhìn ra 4 hướng với đầu đội mũ trụ cao, thu nhỏ dần lên, tóc dài uốn cao tới đỉnh, gương mặt thanh tú. Tượng đáng chú ý nhất được phát hiện ở phía nam gò Giồng Xoài thuộc khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Tượng được làm bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ VI - VII. Tượng bị vỡ chỉ còn đầu, phần vai và một phần ngực bên phải. Một tượng đồng ở khu vực Tháp Vĩnh Hưng, tượng bị gãy phần thân chỉ còn lại phần đầu.
Tượng thần Surya: Cho đến nay, có 4 tượng thần Surya được phát hiện. Tượng thứ nhất được phát hiện ở Tháp Mười (Đồng Tháp) bị gãy hai tay và chân, hiện đang được trưng bày tại BTLS HCM. Tượng thứ hai được phát hiện ở Ba Thê (An Giang). Hai tượng còn lại đều được phát hiện ở Tây Ninh, đều đã bị gãy tay chân.
Tượng thần Ganesa trong các di tích ở ĐBSCL phát hiện không nhiều, chủ yếu ở các di tích Trường Sơn, Gò Thành, Cát Tiên, Óc Eo… Trong số 9 tượng được tìm thấy ở vùng ĐBSCL thì có 7 tượng trong tư thế đứng, còn 2 tượng ngồi.
Tượng nam thần: Tượng nam thần được tìm thấy rất nhiều trong các di tích Óc Eo ở ĐBSCL. Tất cả các tượng này đều trong tình trạng bị gãy, vỡ, mất đầu, chân tay, không còn rõ các biểu tượng. Các tượng mới liên tục được phát hiện trong các đợt khảo sát, khai quật cho nên việc phân loại cũng như việc thống kê số lượng tượng một cách đầy đủ khó mà thực hiện được. Tuy nhiên, dựa vào những đặc điểm, trang phục, có thể chia tượng thành ba nhóm:tượng mặc trang phục dày nhiều nếp gấp, trong tư thế đứng chống nạnh; tượng nam thần mặc dhoti; Các tượng nam thần đứng thẳng, mặc sampot [74, tr.105].
Tượng nữ thần: Giống tượng nam thần, các tượng nữ thần cũng trong tình trạng gãy vỡ, nên rất khó xác định được một cách chính xác tên gọi và các đặc trưng của nó. Bên cạnh đó, các tượng nữ thần trong văn hoá Óc Eo thường có xu
hướng Vishnu hoá, nên việc nhận diện tượng càng khó hơn. Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm một số tượng chưa bị vỡ có thể thấy có các tượng nữ thần sau:
Nữ thần Mahisasuramardini: Đây là loại tượng được phát hiện nhiều nhất trong số các nữ thần ở ĐBSCL, tượng thường trong thế đứng, có 4 tay cầm các biểu tượng, đứng trên bệ có hình đầu trâu hoặc trên lưng trâu. Tượng được phát hiện ở nhiều địa điểm khác nhau như: Kè Một phát hiện 1 tượng bằng đồng, thế kỷ VI-VII, ở Cát Tiên phát hiện được tượng nữ thần đứng trên lưng 1 con trâu khoảng thế kỷ VII; và một số địa điểm khác như An Giang, Trà Vinh [74, tr.107]…
Nữ thần Laksmi: Ở ĐBSCL, tượng nữ thần Laksmi được tìm thấy không nhiều, đa số đều bị gãy, vỡ do thời gian. Các tượng thường có chung một đặc trưng, đó là hông nở, ngực đầy đặn, tượng thường được làm bằng chất liệu đá. Trong số những tượng nữ thần Laksmi được tìm thấy ở ĐBSCL, thì chỉ có duy nhất tượng ở Sóc Trăng còn nguyên vẹn (nay được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật).
Các tượng nữ thần khác: Ngoài những tượng có đặc điểm riêng có thể nhận biết và phân loại được, còn có một số tượng do gãy vỡ chỉ còn lại đầu hoặc thân nên khó có thể xếp vào đó là tượng của thần nào như đầu tượng ở Gò Tháp có khuôn mặt thon, dài, “lông mày, mũi và đôi mắt thể hiện một vẻ đẹp nhẹ nhàng thánh thiện” [74, tr.110]; hay tượng được phát hiện ở Châu Đốc, An Giang bị gãy mất đầu, chỉ còn ngang ngực trở xuống, rất có thể đây là tượng của nữ thần Uma…
Nhìn chung, các tượng nam thần, nữ thần ở ĐBSCL xuất hiện khá nhiều, nhưng thường trong tình trạng bị gãy vỡ khó xác định được tên gọi cho tượng. Tượng nam thần xuất hiện trong cả ba giai đoạn, mỗi giai đoạn mang một đặc trưng riêng, còn các tượng nữ thần chủ yếu xuất hiện trong thế kỷ VI - VIII, đều có xu hướng nhấn mạnh tính nữ, mang tính phồn thực với bộ ngực đầy đặn, hông to, thân hình nở nang của cư dân nông nghiệp.
+ Các linh vật (linga, linga-yoni, yoni, bệ thờ) là những sưu tập hiện vật đặc sắc, phổ biến được phát hiện nhiều trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo ở
miền TNB. Cho đến nay, số lượng các loại di vật này có khoảng 60 cái đã được thống kê, phân loại, trong đó, linga có khoảng 22 cái; linga-yoni có khoảng 10 bộ; yoni có khoảng 18 cái và nhiều loại bệ thờ khác [23, tr.306-328]. Ngoài ra, còn nhiều di vật nằm rải rác trong nhiều bảo tàng, nhà văn hoá hoặc trong nhà dân nên chưa thống kê, phân loại, thu gom được. Các sưu tập di vật này có kích thước lớn nhỏ khá chênh lệch nhau, được làm bằng các loại chất liệu khác nhau như: đá hoa cương, sa thạch, diệp thạch, đá thuỷ tinh, đất nung…