Phù Nam được nhìn nhận là một “vương quốc” cổ đại đầu tiên được hình thành ở Đông Nam Á, từng thống trị cả một vùng Nam Đông Dương. Trong thời kỳ hưng thịnh, Phù Nam đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến gần phía Bắc bán đảo Malaysia [149]. Từ giữa thế kỷ III - VI, Phù Nam khống chế nền thương nghiệp hàng hải ở Đông Nam Á và bành trướng các lãnh thổ trong khu vực.
Với một đế chế hùng mạnh, mang nhiều yếu tố của văn hoá biển như Phù Nam, việc hình thành các khu cảng thị là điều tất yếu. Các khu cảng thị của Phù Nam không chỉ có những cảng biển quốc tế, mà còn hình thành những cảng thị dọc các con sông, ven biển. Những cảng thị ven sông, ven biển có vai trò rất quan trọng trong việc giao lưu, buôn bán với các vùng trong khu vực, hay còn gọi giao lưu, buôn bán nội địa. Những cảng thị ven sông đồng thời cũng là những khu xưởng chế tác thủ công quan trọng của Phù Nam như: di tích Nhơn Thành (Cần Thơ), Gò Hàng (Long An)… Theo giới nghiên cứu khảo cổ di tích Nhơn Thành (Cần Thơ) có nhiều hoạt động sống, không gian sống của cộng đồng cư dân bản địa với các hoạt động sống mang sắc thái của một “đô thị sông
nước” thời cổ, phản ánh đặc trưng của một vùng cư trú chủ yếu trên sông rạch, có quan hệ giao thương chặt chẽ với các di tích khác ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Di tích này thể hiện tầm vóc của một trung tâm dân cư, thương mại phát triển của văn hoá Óc Eo.
Di tích Óc Eo được nhìn nhận là cảng thị quốc tế quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam; nó luôn giữ vai trò là trung tâm kinh tế, văn hoá;là trạm dừng chân trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa.Tại đây, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều dấu hiệu của một cảng thị có sự giao lưu rộng rãi với bên ngoài. Trước hết, về vị trí địa lý, khu di tích Óc Eo từng nằm ngay cạnh bờ biển. Các hiện vật được phát hiện trong các di tích đã cho thấy một cảng thị có quan hệ rộng rãi với bên ngoài được thể hiện rất rõ nét: đó là hai chiếc huy chương vàng đúc nổi hình Hoàng đế La Mã; chiếc gương đồng thời Hán; một chiếc đèn kiểu Ba Tư; các đồng tiền được cắt tư, cắt tám, những miếng niêm hàng và nhiều hiện vật ngoại nhập khác… Đây là những vật được đưa đến từ nhiều nơi trên thế giới, chứ không phải sản xuất tại chỗ. Qua đó cho thấy, tính chất cảng thị của di tích Óc Eo được thể hiện rất rõ.
Cạnh Đền (Trăm Phố) thuộc xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, được coi là một thành phố cảng thị ven biển quan trọng của vương quốc Phù Nam. Nó nằm ở vị trí ven biển phía Nam, cách khu di tích Óc Eo - Ba Thê khoảng 90 km. Trong đợt khai quật năm 1981 và năm 1986, đã ghi nhận ở vùng đất thấp dưới chân các “gò nổi” có dấu vết cư trú nhà sàn, cọc gỗ cắm dưới đáy các mương nước, nhiều mảnh gốm, trái cây, hạt lúa, di cốt người, xương động vật; loại hình di tích xưởng thủ công làm đồ sắt, đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, thuỷ tinh; những kiến trúc đền đài, mộ táng… Đặc biệt, trong phạm vi Cạnh Đền, các nhà khảo cổ học đã thu thập được rất nhiều di vật liên quan đến hoạt động giao lưu nhiều mặt với Ấn Độ và Phương Tây. Đó là những con dấu bằng đá quý, bằng kim loại, trên mặt có khắc chạm hình người, hình động vật,
chữ cổ [14]… Qua đó có thể thấy, Cạnh Đền là một cửa ngõ quan trọng của vương quốc Phù Nam, để giao thương với thế giới bên ngoài.
Như vậy, có thể thấy trên vùng đất thấp ở miền TNB vào những thế kỷ đầu Công nguyên, đã hình thành các khu cảng thị quan trọng, có mối quan hệ giao lưu buôn bán rộng rãi với các nước trong khu vực và quốc tế. Sự hình thành các thành phố cảng thị chắc hẳn được đặt trên một nền kinh tế phát triển; các hoạt động thủ công phong phú, có trình độ kỹ thuật cao; các hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi, sầm uất.