Tín ngưỡng bản địa

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 111)

- Nghề sản xuất gốm: Đồ gốm là di vật quan trọng, được tìm thấy nhiều

3.1.1. Tín ngưỡng bản địa

Vương quốc Phù Nam là một vương quốc hùng mạnh, có nền nông nghiệp lúa nước phát triển, có sự giao thương với bên ngoài, đặc biệt với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nơi đây, Phật giáo và Hindu giáo đã phát triển một cách mạnh mẽ ngay những thế kỷ đầu Công nguyên. Có lẽ, chính vì vậy mà những tín ngưỡng bản địa dường như bị lu mờ trước hai tôn giáo lớn của thế giới, làm cho người ta dễ quên đi những tín ngưỡng bản địa vốn có. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, ngay thời kỳ đầu hình thành nhà nước sơ khai, cư dân nơi đây đã có một hệ thống thần thoại ổn định, in dấu ấn đa thần giáo một cách rõ nét. Nhiều tín ngưỡng bản địa đã được hoà lẫn cùng với Phật giáo và Bàlamôn giáo để trở thành hệ thống tín ngưỡng tôn giáo vừa mang tính bản địa, vừa mang tính ngoại lai.

Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Mọi tín ngưỡng đều là kết quả từ sự đúc kết các mối quan hệ của con người với hiện thực khách quan. Chính đặc điểm của điều kiện tự nhiên và xã hội là cơ sở hình thành nên các tín ngưỡng [38, tr.30].

Vùng ĐBSCL những thế kỷ đầu Công nguyên là một vùng đất mới. Cuộc sống của cư dân nơi đây gặp không ít khó khăn, thách thức, con người thường xuyên phải đối mặt với thiên nhiên; đời sống của họ lệ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp. Mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên được coi là mối quan hệ chính yếu nhất, là nhân tố quyết định đến

mọi quan hệ xã hội khác. Do đó tín ngưỡng sùng bái tự nhiên trên vùng đất này càng đậm nét hơn bao giờ hết.

Với tư duy “vạn vật hữu linh” (animism), thuyết “vật linh” hay thuyết

“duy linh” của cư dân nông nghiệp, cư dân Óc Eo tin rằng, không có sự tách biệt giữa thế giới vật chất và linh hồn. Họ tin có sự tồn tại một thế giới tinh thần trong các loài động vật, cây cối, đá, các yếu tố địa chất như núi, sông, hay các thực thể tự nhiên như sấm, gió, bóng râm... Tuy nhiên, trong một nền văn hoá khảo cổ, với sự phát triển rực rỡ của hai tôn giáo lớn của thế giới, các di tồn không đầy đủ nên người ta khó có thể phục dựng hết được đầy đủ các khía cạnh của tín ngưỡng bản địa. Song, từ các di tích, di vật phát hiện được có thể thấy được một số yếu tố sau:

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều những hình mặt trời, mặt trăng, nước, lửa, cây cỏ, động vật… được vẽ trên các mảnh vàng đặt trong lòng các tháp. Điều này cho thấy, ngoài việc có liên quan đến các tôn giáo mới được du nhập, đồng thời cũng phản ánh bóng dáng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của cư dân bản địa đã được cư dân nơi đây tin tưởng và thờ cúng.

Tục thờ núi: Những ngọn núi cao luôn được coi là chốn linh thiêng, nơi thông linh giữa trời và đất, nơi các thần thánh ngự trị. Tại các ngọn núi như: Ba Thê - Linh Sơn, Núi Sam, Bảy Núi, (An giang), núi Bà Đen (Tây Ninh), Hòn Sóc (Kiên Giang)…, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu vết cư trú từ rất sớm. Ngoài việc chọn cư trú trên những ngọn núi cao để tránh nước, có thể họ còn tin rằng nơi đây có những vị thần linh thiêng ngự trị, có thể phù hộ cho họ được bình yên, đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người.

Khi Phật giáo và Hindu giáo du nhập vào vùng đất này, những ngọn núi cao vẫn tiếp tục được lựa chọn. Cư dân nơi đây tiếp tục xây dựng nhiều đền tháp để thờ cúng các vị thần mới du nhập. Cho đến ngày nay, những ngọn núi này vẫn được cư dân trong cả nước thờ cúng, lễ bái trong những ngày lễ, tết. Họ đến đây để cầu mong các vị thần núi che chở cho gia đình được khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt…

Như vậy, có thể thấy, những tập tục, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng nguyên thuỷ về tục thờ thần núi đã ăn sâu trong tiềm thức con người nơi đây từ lâu đời. Xuyên suốt từ thời nguyên thuỷ cho đến ngày nay, tín ngưỡng thờ núi vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Tục thờ đá: Có thể nói rằng, đá là chất liệu đầu tiên gắn với con người từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội văn minh. Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loài người (khoảng vài triệu đến tám vạn năm TCN). Với một khoảng thời gian như vậy, ấn tượng về đá trong con người chắc hẳn phải rất sâu sắc. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, con người cho rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá được coi là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Thờ đá là một trong những tín ngưỡng nguyên thuỷ phổ biến trên thế giới, cầu mong sự che chở, bảo vệ cho mỗi con người và cộng đồng của họ được yên bình. Họ cho rằng, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là công cụ lao động, mà chúng còn có ý nghĩa ma thuật và luôn được họ mang theo bên mình để trừ tà hoặc tránh ma quỷ không làm hại [154].

Qua các cuộc khai quật di chỉ sớm ở ĐBSCL, các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong khu vực phế tích của các tháp, hay trong khu vực mộ táng và cư trú đều có những viên cuội tự nhiên, đá thạch anh trong suốt hay các viên đá có màu sắc đặc biệt… Mỗi một hình dạng của viên đá (sỏi) đều có một ý nghĩa biểu hiện của tục thờ đá nhất định. Khi con người nơi đây thờ cúng một hòn đá, họ luôn tin rằng, viên đá sẽ giúp họ tránh được mọi tai hoạ có thể xảy ra. Chính niềm tin vào sức mạnh thần lực của vị thần trú ngụ trong những hòn đá sẽ là nguồn động viên để họ có thêm lòng dũng cảm, sự bình tĩnh, vượt qua những khó khăn, gian khổ, trở ngại mà họ đang phải đối mặt.

Đặc biệt trong các đợt khai quật di chỉ cư trú chân Gò Minh Sư (Gò Tháp, Đồng Tháp) vào tháng 4 năm 2003, các nhà khảo cổ học phát hiện trong 18 ngôi mộ đều có những viên sỏi nhỏ được chôn theo cùng những đồ tuỳ táng khác.

Điều này chứng tỏ, trong đời sống của cư dân nơi đây, đá là loại chất liệu rất quan trọng. Nó không chỉ để sử dụng trong lao động sản xuất hay mang theo bên mình để cầu mong sự may mắn như một số dân tộc khác, mà nó còn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo: tang ma (tìm thấy trong mộ táng), lễ cầu nguyện của đạo Hindu (tìm thấy trong Ao Thần, Gò Tháp) [113]... Các viên đá không chỉ là những “chiếc bùa bình an” cho người sống mà còn dùng cho cả người chết. Có thể, cư dân Óc Eo đã thực hành nhiều nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng qua thời gian chúng ta khó có thể hình dung tường tận những nghi thức mà họ đã thực hiện. Tuy nhiên, qua những di vật để lại cho thấy tín ngưỡng thờ đá phản ánh tính chất thờ tự nhiên khá rõ.

Hiện nay, dấu vết của tục thờ đá vẫn còn rải rác khắp các tỉnh miền TNB với tên gọi Ông Tà (Neak tà). Như vậy, trước khi chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, cư dân Phù Nam giai đoạn đầu đã tồn tại tín ngưỡng bái vật giáo với tục thờ đá, thờ sinh thực khí bằng đá cuội tự nhiên; những hình tượng thảo mộc, cầm thú trên hiện vật tìm thấy có thể đã có biểu tượng lâu đời trước khi có biểu tượng của Siva và các tượng của Hindu giáo và Phật giáo.

Tín ngưỡng phồn thực

Vương quốc Phù Nam nằm trong bối cảnh chung của các nước Đông Nam Á (trồng lúa nước), nên việc thờ tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi có lẽ không có gì là lạ. Có thể khẳng định rằng, tín ngưỡng phồn thực tồn tại trong cơ tầng văn hoá cư dân Óc Eo cũng như các nước Đông Nam Á từ thời nguyên thuỷ, trước khi có ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: thờ sinh thực khí nam và nữ, thờ hành vi giao phối, thờ nước… Cũng có thể, chính vì thế mà cư dân nơi đây dễ dàng tiếp nhận Hindu giáo với những biểu tượng tương tự truyền thống tín ngưỡng của họ.

Từ khi Ấn Độ giáo vào vùng ĐBSCL, tục thờ linga (biểu tượng của thần Siva) đã kết hợp chặt chẽ với tục thờ sinh thực khí bản địa và trở nên phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp cư dân nơi đây. Có lẽ chính vì thế mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều linga, yoni được thể hiện dưới nhiều hình thức khác

nhau ở trong các di tích Óc Eo. Biểu hiện rõ ràng nhất tính bản địa của tín ngưỡng phồn thực là những chiếc linga, yoni được tìm thấy rất nhiều trong các di tích Óc Eo giai đoạn sớm như di tích Óc Eo, Gò Cao Su (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ - TP.HCM), Nhơn Thành (Cần Thơ), Gò Tháp…. Có những chiếc linga có thể xác định niên đại từ thế kỷ I, II trước và SCN. Đa số những linga, yoni giai đoạn này đều được chế tác bằng đá cuội, granit, đá cát các loại… với hình dáng sơ sài, tự nhiên hay được tạo tác thêm để thể hiện hình linga, mang ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực.

Bên cạnh đó, những đoá hoa sen nở trong bình nước, các viên sỏi hình hạt đỗ, các chuỗi hạt...có thể cũng là một hình thức thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo. Khi thờ những vật thiêng này, họ tin là có thể thúc đẩy sự sinh sôi nảy nở, đẩy lùi sự đói kém…

Như vậy, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo chủ yếu được thể hiện qua những linga, yoni hoặc những viên cuội tự nhiên có hình dáng giống chiếc liga, ít xuất hiện những hành vi giao phối như trong cư dân Đông Sơn. Tín ngưỡng phồn thực luôn hiện hữu trong tâm thức của cư dân nơi đây. Họ đã thần thánh hoá và thờ phụng những vật dễ liên tưởng đến sự sinh sản, để cầu xin sự nảy nở sinh sôi, mùa màng tốt tươi.

Tín ngưỡng sùng bái người đã mất

Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, ngay từ thời nguyên thuỷ, cư dân Đông Nam Á đều tin rằng, mỗi người sinh ra và mất đi ra đều có linh hồn.

“Hồn” theo cư dân Đông Nam Á, có quan hệ mật thiết đối với mỗi con người. Linh hồn là thứ tồn tại vĩnh cửu. Khi nó cư trú trong thể xác con người thì nó chiếm hữu, điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của người đó. Nếu hồn thoát khỏi xác thì con người sẽ chết. Nhưng chết không có nghĩa là hết. Người chết là

“người về với tổ tiên, ông bà nơi chín suối. Do có hồn nên người chết vẫn có thể thường xuyên đi về phù hộ độ trì cho con cháu ở dương gian” [11, tr.201]. Quan niệm này chính là cơ sở ra đời tín ngưỡng thờ cúng người đã mất trong đời sống

cư dân Đông Nam Á thời cổ đại. Họ tin rằng, việc thờ cúng người đã mất, mà trước hết là người thân trong gia đình, dòng họ vừa có ý nghĩa tưởng nhớ và biết ơn nguồn cội, vừa thể hiện ước muốn sự phù hộ độ trì cho người còn sống.

Với niềm tin đó, cư dân Óc Eo cũng cho rằng, chết là sự chấm dứt cuộc sống của thế giới bên này để bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Họ quan niệm, khi còn sống, con người dùng gì thì khi chết đi cũng sẽ dùng những thứ đó. Con người muốn tồn tại thì phải ăn, phải lao động sản xuất, và khi con người chết đi cũng phải ăn uống và lao động sản xuất. Chính vì vậy, trong các ngôi mộ táng văn hoá Óc Eo, các nhà khảo cổ học tìm được rất nhiều đồ tuỳ táng như chén, bát, bình, cà ràng, đồ trang sức, các vật dụng có tính chất nghề nghiệp như dọi xe chỉ, thậm chí là những hạt đỗ... Rõ ràng, cư dân nơi đây có một niềm tin mãnh liệt vào một thế giới thứ ba đang tồn tại. Ở thế giới này cũng cần có thần linh phù hộ, cũng cần sự sinh sôi nảy nở, cũng có những ngành nghề như thế giới họ đang sống.

Qua đó, có thể thấy rằng, khi Ấn Độ giáo và Phật giáo đặt chân và phát triển một cách mạnh mẽ trên vùng đất này, thì tín ngưỡng thờ cúng người đã mất vẫn không bị mất đi. Ngược lại, nó rất phát triển, phát triển một cách mạnh mẽ cùng với tôn giáo mới. Cư dân Óc Eo vừa thờ thần Siva, Vishnu, Phật, Bồ Tát nhưng cũng không quên quan tâm đến những người đã mất. Đây chính là thái độ ứng xử rất linh hoạt của cư dân Óc Eo trước những tôn giáo mới và tín ngưỡng bản địa. Nó thể hiện tính dung hợp, dễ tiếp nhận một cách rõ nét.

Như vậy, trước khi chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, cư dân Phù Nam đã có những niềm tin, tín ngưỡng riêng của mình. Đó là những tín ngưỡng truyền thống của các cư dân cổ đại ở Đông Nam Á như: tín ngưỡng bái vật giáo với tục thờ đá cuội tự nhiên, hình tượng thảo mộc, cầm thú…; tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng người đã mất. Chúng hoà nhập vào nhau, tạo nên màu sắc huyền bí, đa dạng, đặc sắc khó bóc tách, khó phân biệt một cách rõ ràng đâu là tín ngưỡng bản địa, đâu là tôn giáo ngoại lai trong đời sống tín ngưỡng của cư dân nơi đây.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hoá của cư dân óc eo ở tây nam bộ (qua tư liệu khảo cổ học luận án tiến sỹ văn hóa học (Trang 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(191 trang)
w