Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (Trang 87)

Những tồn tại, hạn chế của đội ngũ CBCC cấp cơ sở ở huyện Thuận Châu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, luận văn đề cập một số nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, Do điều kiện của huyện Thuận Châu là huyện vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích tự nhiên lớn, địa hình chia cắt, đời sống nhân dân so với mức bình quân chung của cả nước còn thấp, xuất phát điểm kinh tế, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, chỉ số phát triển con người, đội ngũ CBCC và nguồn nhân lực của huyện ở mức rất thấp so với các địa phương khác trong tỉnh và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới.

Thứ hai, Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cơ sở chưa được các cấp các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở quan tâm thực hiện nghiêm túc, nhiều địa phương còn lúng túng, bị động. Bên cạnh đó vẫn còn quy hoạch không đảm bảo tiêu chuẩn do thiếu nguồn CBCC, hoặc không triển khai đúng quy hoạch đã được duyệt. Ngoài ra công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đảm bảo việc nâng cao trình độ về mọi mặt cho CBCC. Còn có trường hợp trong kỳ đại hội Đảng, bầu cử HĐND, đại hội các đoàn thể khi có biến động về mặt nhân sự không có nguồn CBCC để kịp thời lựa chọn, bố trí thay thế, đặc biệt đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Một số cơ sở không quan tâm tới công tác quy hoạch gắn với đào tạo bồi dưỡng, không có phương án tuyển dụng, sử dụng đội ngũ trẻ được cử đi đào tạo, do đó không chủ động được nguồn cán bộ cho việc bố trí thay thế, thậm chí thiếu nguồn bổ sung làm cho lực lượng CBCC cơ sở thiếu số lượng, yếu chất lượng. Chưa xây dựng và tuân thủ theo kế hoạch đào tạo, hoặc xây dựng kế hoạch đào tạo nhưng chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ CBCC chưa được quan tâm, việc học tập nâng cao trình độ còn mang tính tự phát của của từng cá nhân. Đa số CBCC cơ sở đã và đang theo học theo hình thức vừa học vừa làm tuy có ưu điểm thuận lợi về học tập nhưng chất lượng đào tạo không cao.

Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác quy hoạch, tạo nguồn với công tác đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ. Việc bố trí, sử dụng CBCC của một số cơ sở còn tùy tiện; nhiều nơi, nhiều lúc còn biểu hiện cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ, gia đình.

Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBCC cơ sở nặng về lý luận chưa đổi mới, nội dung chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo theo một chương trình, nội dung chung áp dụng cho tất cả CBCC chưa có riêng những chương trình đào tạo cho một chức danh cán bộ, công chức cấp cơ sở. Nội dung đào tạo còn nặng về lý thuyết, sách vở, chưa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình, trường lớp và đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo bồi dưỡng chưa được quan tâm.

Thứ ba, trong một thời gian dài, việc lựa chọn, tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ cấp cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng quy định. Nhiều địa phương bố trí, sử dụng cán bộ không theo nguyên tắc mà cần đâu dùng đó, tiện đâu cử đó; Việc bố trí, sử dụng cán bộ mới chỉ chú ý đến số lượng, tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nhiệt tình cách mạng, các tiêu chí về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp chưa được quan tâm, chú trọng dẫn tới đội ngũ CBCC vừa thừa vừa thiếu, không đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, việc tuyển chọn cán bộ, công chức xã chủ yếu qua các hình thức xét tuyển (đối với các chức danh chuyên môn), bầu cử và phê chuẩn (đối với các chức danh chuyên trách). Song, quy trình, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với từng chức danh chưa được thực hiện theo quy định còn có biểu hiện thiếu dân chủ, công khai, bình đẳng, thiếu tính cạnh tranh cho nên chưa đảm bảo tuyển chọn được người có đủ trình độ, năng lực thực sự vào các chức danh, cán bộ lãnh đạo cũng như công chức trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Mặt khác, việc giới thiệu người để cử tri bầu cử, hoặc xét tuyển công chức còn bị chi phối bởi tư tưởng địa phương, cục bộ, hoặc phe cánh, dòng họ.... Do vậy, chất lượng CBCC cấp cơ sở còn hạn chế.

Thứ tư, công tác đánh giá CBCC tại một số xã thực hiện chưa nghiêm, thiếu công khai, chưa đảm bảo công bằng. Các tiêu chí đánh giá phân loại còn chung chung chưa cụ thể, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao và chất lượng, hiệu quả công tác của CBCC. Quy trình xem xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức cơ sở còn nhiều bất cập. Công tác đánh giá của cơ sở nhiều

nơi nể nang, né tránh, không thực chất, do vậy chưa khuyến khích, động viên được đội ngũ CBCC phát huy tinh thần tự giác, chủ động, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm để triển khai nhiệm vụ được giao.

Quy chế khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức còn chưa cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm chưa kịp thời, công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm do đó, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả công tác của đội ngũ CBCC cơ sở còn thấp.

Thứ năm, chính sách đãi ngộ vật chất và tinh thần đối với đội ngũ CBCC chưa được quan tâm đúng mức nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mặc dù chế độ chính sách tiền lương và thu nhập của CBCC luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cải cách và điều chỉnh; nhưng thực tế vẫn không theo kịp tình hình kinh tế - xã hội, chưa mang tính chiến lược lâu dài từ việc đào tạo, bồi dưỡng, đến việc bố trí, sử dụng, chế độ đãi ngộ. Do vậy, tiền lương và thu nhập của CBCC chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức trung bình của xã hội, chưa tương xứng với khu vực doanh nghiệp và tư nhân. Chưa có các chính sách cụ thể mang tính đặc thù cho từng vùng, từng khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới CBCC cấp xã; Quy định về chế độ phụ cấp công vụ, chính sách đối với CBCC, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thu nhập của CBCC cơ sở được nâng lên. Tuy vậy, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí cho các đối tượng CBCC cơ sở còn nhiều khó khăn, với điều kiện thực tế phần lớn CBCC chưa qua đào tạo, hoặc mới qua trình độ sơ cấp nên vẫn chỉ được hưởng chế độ tiền lương rất thấp do đó không đảm bảo để trang trải cho nhu cầu cuộc sống sinh hoạt.

Thứ sáu, môi trường, điều kiện hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động cho đội ngũ CBCC cơ sở còn khó khăn và chưa được quan

tâm đầu tư đúng mức nhất là các xã ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn huyện mới chỉ có 02/29 trụ sở làm việc của Đảng uỷ - HĐND - UBND xã đã được xây dựng; 06/29 công trình đang đầu tư, 21/29 xã chưa được đầu tư xây dựng. Phương tiện trang thiết bị cần thiết như máy tính, phô tô, tủ, bàn ghế để làm việc của nhiều xã còn rất thiếu hoặc không đảm bảo. Cơ chế quản lý và phân cấp tài chính - ngân sách cho cơ sở quá hạn hẹp do đó rất khó khăn cho đội ngũ CBCC cơ sở phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ bảy, Thể chế pháp luật để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở là điều kiện để phát sinh những vi phạm về đạo đức, phẩm chất của người CBCC. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đội ngũ CBCC tuy từng bước hoàn thiện sửa đổi, bổ sung như Luật CBCC các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, song còn nhiều quy định chưa phù, còn nhiều bất cập, chế độ tiền lương của đội ngũ CBCC cơ sở chưa thực sự động viên phát huy hết khả năng, năng lực, trách nhiệm, cống hiến, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt về phân cấp quản lý CBCC, các quy định, chính sách về CBCC khi cần chỉnh sửa đều phải chờ Trung ương sửa đổi dẫn tới bị chậm so với tình hình thực tế.

Nhiều quy định về quản lý CBCC cơ sở chưa cụ thể, tiêu chuẩn của một số chức danh chưa rõ ràng, một số chế độ còn áp dụng chung vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc hoặc có nhiều cách vận dụng khác nhau, không tạo nên sự thống nhất trong giải quyết. Công tác quản lý đối với CBCC cơ sở còn phân tán, thiếu thống nhất; công tác luân chuyển, điều động cán bộ tuy đã được quan tâm thực hiện song với điều kiện thực tế việc bố trí CBCC không theo chuyên môn đào tạo, mặt bằng trình độ chuyên môn thấp do vậy không phát huy được hiệu quả.

Thứ tám, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBCC cơ sở còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các phòng ban chuyên môn cấp huyện. Một số khó khăn, vướng mắc từ cơ sở nếu được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn sẽ được giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng

quy định, thông qua hình thức này là cách thức cầm tay chỉ việc, giúp cho đội ngũ CBCC cơ sở học tập được kinh nghiệm trong giải quyết công việc.

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w