Tiêu chí về phẩm chất chính trị đạo đức

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (Trang 47 - 48)

LÝ LUẬN VỀ ĐỘI NGŨ VÀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC CƠ SỞ

2.4.2.1. Tiêu chí về phẩm chất chính trị đạo đức

Phẩm chất đạo đức của người CBCC là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đội ngũ CBCC. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất chú ý và đề cao vấn đề đạo đức của người cách mạng, xem đó là cơ sở vững chắc để tiến hành cách mạng và đảm bảo cách mạng đi đến thắng lợi. Bác nói: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức thì là người vô dụng”.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị là yêu cầu quan trọng cơ bản nhất đối với đội ngũ CBCC. Nhất là trong bối cảnh nước ta mở cửa hội nhập quốc tế và khu vực, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đang phải đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực như: Tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, bè phái... trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó các quan hệ xã hội mới phức tạp, mặt trái của cơ chế thị trường cùng các tác động tiêu cực nảy sinh, cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức của người CBCC cấp cơ sở để xây dựng được một đội ngũ CBCC tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với công việc hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhằm thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Phẩm chất chính trị là lòng nhiệt tình cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với đường lối của đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần tận tụy với công việc, hết lòng hết sức vì sự nghiệp của nhân dân, là bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đạo đức của người CBCC gồm: đạo đức cách mạng, đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp; trong đó đạo đức cách mạng là nền tảng, là gốc, là sức mạnh của người CBCC. Đạo đức cách mạng thể hiện ở: Tinh thần yêu nước nồng nàn, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu

thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Đạo đức cá nhân của người CBCC hành chính trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào định hướng XHCN, quyết tâm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Phẩm chất đạo đức của người CBCC còn thể hiện ở tinh thần và ý thức biết tôn trọng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, có lối sống lành mạnh, không tham ô, lãng phí, có trách nhiệm cao trong thi hành công vụ, có lòng nhân ái vị tha, ứng xử đúng đắn trong quan hệ gia đình, bè bạn và trong xã hội, có tinh thần hướng thiện, hiếu học.

Xã hội càng dân chủ càng đòi hỏi đạo đức cá nhân của người CBCC phải được hoàn thiện, mẫu mực vì chính đội ngũ CBCC là những người cầm cân nảy mực, giải quyết mọi quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, giữ gìn kỷ cương phép nước.

Luật CBCC ngày 13/11/2008 quy định cụ thể về các chuẩn mực đạo đức công vụ như đạo đức công chức, văn hóa giao tiếp trong công sở, văn hóa giao tiếp với nhân dân, bao gồm: CBCC phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ; Văn hóa giao tiếp ứng xử khi giải quyết công việc nhân dân. Đạo đức nghề nghiệp của người CBCC còn được thể hiện trước hết ở lòng say mê, cần mẫn, tinh thần trách nhiệm và đề cao kỷ luật trong thi hành công vụ. Đó là ý thức luôn cố gắng phấn đấu chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người CBCC phải biết tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ cho bản thân mình, mà quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, tiền của của nhân dân, tiết kiệm công sản, công quỹ, tiết kiệm tài nguyên của đất nước.

Người CBCC còn phải xử sự và giải quyết công vụ khách quan, công bằng, chính trực và công tâm, chỉ thực thi công vụ theo pháp luật. Dù ở bất cứ vị trí nào trong bộ máy nhà nước, người CBCC phải luôn đề cao đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w