LÝ LUẬN VỀ ĐỘI NGŨ VÀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC CƠ SỞ
2.1.2. Vai trò của chính quyền cơ sở
Chính quyền địa phương cơ sở có nhiệm vụ chính trị quan trọng là bảo đảm, bảo vệ và phục vụ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân. Theo quy định pháp luật Việt Nam nhân dân chính là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, do đó chính quyền địa phương cơ sở phải là chính quyền của nhân dân do nhân dân, vì nhân dân. Điều 2, Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”... Cụ thể hoá điều này tại chính quyền địa phương cơ sở là: Về tổ chức do nhân dân trực tiếp bầu ra, các nhiệm vụ phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân để phục vụ, chịu sự giám sát của nhân dân.
Bác Hồ đã từng viết: “Cấp xã là cấp gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”
Cấp cơ sở là cấp trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới người dân. Cấp quản lý nhà nước trực tiếp đối với mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra ở cơ sở. Bên cạnh đó chính quyền cơ sở là nắm rõ nhất những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Trong giai đoạn hiện nay, trước xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới, sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình CNH - HĐH đất nước, CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ là một yêu cầu khách quan cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của cấp chính quyền ở cơ sở.