6. Kết cấu của đề tài
2.4.3. Máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên vật liệu của ngành công nghiệp bia
2.4.3.1. Máy móc thiết bị và công nghệ
Máy móc thiết bị và công nghệ là các yếu tố tác động mạnh đến năng suất, mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tạo ra chất lượng và sự phong phú về chủng loại sản phẩm. Các máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại thường tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, công suất lớn hơn và chất lượng ổn định hơn.
Các nhà máy bia ở Việt Nam có công suất trên 100 triệu lít/năm đều đầu tư đồng bộ toàn bộ thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhập khẩu từ Đức, Ý, Mỹ… Quá trình nấu bia được điều khiển, kiểm tra hoàn toàn bằng máy tính. Hệ thống điều khiển lên men tự động hóa luôn đảm bảo ổn định cho quá trình lên men bia. Hệ thống lọc, dây chuyền rửa chai, chiết lon, chai tự động hóa.
Các nhà máy có công suất trên 20 triệu lít/năm đến nay cũng đã được đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất bia còn lại với công suất thấp vẫn đang trong tình trạng thiết bị lạc hậu, không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất bia trong nước cũng đã từng bước ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, sử dụng các sản phẩm enzym đặc hiệu, an toàn về vệ sinh thực phẩm giúp nâng cao tỷ lệ chất lượng nguyên liệu thay thế, rút ngắn thời gian đường hóa và lên men, tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản phẩm.
Đặc biệt, công nghệ sản xuất có vai trò quyết định đối với chất lượng sản phẩm của ngành bia. Sự phát triển của công nghệ sản xuất thường cho phép các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn hơn do loại bỏ được nhiều chất độc hại trong các khâu chế biến. Hơn nữa, quy trình sản xuất có thể là bí quyết riêng để tạo ra một sản phẩm khác biệt có khả năng cạnh tranh và giá trị thương hiệu cao.
2.4.3.2. Nguyên vật liệu sản xuất
Nguyên liệu chính (chiếm 60-70% lượng nguyên liệu) để sản xuất bia là hạt đại mạch (malt), cùng với hoa bia houblon, do trong nước chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu 100%. Theo Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam, mỗi năm Việt Nam nhập trung bình 120.000 đến 130.000 tấn malt tương đương với 50 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên gần 100 triệu USD trong vài năm tới. Malt nhập khẩu có thể được thay thế bằng Malt chế biến từ đại mạch trồng trong nước. Việc trồng thử nghiệm cây lúa mì (tiểu mạch) và đại mạch ở Việt Nam cho kết quả chưa thực sự khả thi vì điều
kiện khí hậu không thích hợp, chất lượng của đại mạch ảnh hưởng đến chất lượng lên men bia, vị bia. Ðể nhân cấy và phát triển lên vài nghìn ha cần phải có một thời gian dài trong nhiều năm nữa, và cũng chỉ thay thế được khoảng 10% malt nhập khẩu.
Hoa bia houblon là nguyên liệu chính thứ 2 dùng để sản xuất bia, nó góp phần tạo ra mùi vị đặc trưng của bia và được sử dụng như một chất bảo quản bia, làm tăng tính ổn định, khả năng tạo bọt. Việc trồng hoa houblon đòi hỏi nhiều sự chăm sóc, các yếu tố kỹ thuật cao và khí hậu thích hợp, do đó Việt Nam chưa trồng được loại hoa này nên phải nhập khẩu hoàn toàn.
Gạo, ngô là một trong những nguyên liệu thay thế trong sản xuất bia, dùng nguyên liệu này nhằm hạ giá thành sản phẩm. Gạo, ngô của Việt Nam là nguồn nguyên liệu dồi dào và sẳn có trong nước.
“Sự phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, lợi nhuận
của doanh nghiệp. Tỷ lệ nguyên liệu chung cho bia ở Việt Nam là 70% lúa mạch, 30% gạo (ngô) và hoa houblon, ngoài ra còn có nước, nấm men enzyme và các nguyên liệu phụ trợ khác. Như vậy, trong giá trị 1 lít bia thành phẩm có chi phí nguyên vật liệu chính chiếm 82,3% (gồm 55,6% malt, 21,1% gạo và gần 7% houblon). Nhà sản xuất
chỉ thu về với biên lợi nhuận khoảng từ 18-20%” (Bộ công thương, 2013)
Nếu nguyên vật liệu chính (gồm malt và houblon) cho ngành còn và sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thì doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn do không làm chủ được nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
2.5. Phân tích môi trường tổng quát (vĩ mô)
Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn chịu sự tác động từ môi trường bên ngoài, có vai trò như là nhân tố gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Phú Yên cũng không nằm ngoài sự tác động đó, thực tế cho thấy các công ty không thể kiểm soát các biến cố đem lại từ môi trường bên ngoài này mà chỉ có thể tận dụng các thông tin thu thập được làm tăng cơ hội thuận lợi và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Dựa vào mô hình PEST (hình 1.7 chương 1) để phân tích các yếu tố của môi trường tổng quát (vĩ mô) tác động đến công ty.