6. Kết cấu của đề tài
2.4.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bia
Sản xuất bia tại Việt Nam chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong ngành đồ uống có cồn, chiếm khoảng 89% giá trị và 97,9% về sản lượng. Là ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, lợi nhuận cao, doanh thu 2013 đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng những khó khăn còn rất lớn, nhiều ngành đối mặt với thua lỗ, GDP giảm sút. Trong bối cảnh ấy, ngành sản xuất bia trong nước được coi như một điểm sáng khi vẫn tăng trưởng đều đặn ở mức 10%/năm với sản lượng đạt gần 3 tỷ lít trong năm 2013 như bảng 2.9.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, hơn 3 tỷ lít bia đã được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2013. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 32 lít/năm khiến Việt Nam trở thành "quán quân uống bia" ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Có thể thấy thị trường bia Việt Nam hiện nay vừa tiềm năng từ nguồn cầu nhưng cũng đầy thách thức cạnh tranh từ nguồn cung.
Bảng 2.9: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành bia Việt Nam Sản lượng của năm (tỷ lít) Tốc độ tăng trưởng (%/năm) Sản lượng
ngành Bia 2010 2011 2012 2013 2010-2011 2011-2012 2012-2013
Sản xuất 2,47 2,68 2,83 2,9 8,5 % 5,7 % 2,5 %
Tiêu thụ 2,38 2,68 2,72 3,04 12,6 % 1,5 % 11,8 %
Nguồn: Bộ công thương, TCTK (2014).
Từ bảng trên, ta thấy kết quả sản xuất kinh doanh của ngành bia 2013 vẫn đảm bảo mức tăng trưởng so với năm 2012, sản lượng sản xuất bia đạt 2,9 tỷ lít tăng 2,5%,
sản lượng tiêu thụ đạt 3,04 tỷ lít tăng 11,8%. Tuy nhiên nếu nhìn chung từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành bia nói chung đang trong xu thế giảm dần. Cụ thể, sản lượng bia sản xuất năm 2011/2010 tăng 8,5%, 2012/2011 tăng 5,7% và năm 2013/2012 là 2,5%. Nguyên nhân bởi các doanh ngiệp trong ngành bia đã phải nộp mức thuế tiêu thụ đặc biệt khá cao là 50%, đồng thời thuế suất bảo hộ giảm dần theo cam kết và mối nguy về sự xâm nhập của bia ngoại...
Sản lượng bia tiêu thụ năm 2011/2010 tăng trưởng 12,6%, năm 2012/2011 tăng trưởng chững lại 1,5%, năm 2013/2012 tăng trưởng 11,8%. Mức tăng nói chung không đều đặn, nhưng ở mức tương đối cao, so với mức tăng trưởng sản xuất. Với sức tiêu thụ khổng lồ hiện nay dẫn đến mức độ cạnh tranh trên thị trường trong ngành bia tăng cùng với sự xuất hiện của hàng loạt nhãn hiệu bia mới. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, dù đã có nhiều thương hiệu thất bại, nhưng các hãng bia nước ngoài vẫn tiếp tục đổ bộ vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.
Mức tiêu thụ bia phụ thuộc nhiều vào mức sống, tập quán truyền thống hay thói quen của người tiêu dùng. Điều này giải thích tại sao một nhãn hiệu bia bán rất chạy ở vùng này mà lại không bán được ở vùng khác. Do vậy mỗi doanh nghiệp cần xác định từng phân khúc thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Hàng năm, bia được nhập khẩu phần lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của một số dân cư có thu nhập, có sở thích tiêu dùng riêng và một bộ phận người ngoại quốc sống, làm việc tại Việt Nam. Bia được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều chủng loại và hình thức, chiếm tỷ trọng cao vẫn là các thương hiệu nổi tiếng như Heineken, Tiger. Bia xuất khẩu phần lớn là bia lon và bia chai của các hãng sản xuất lớn trong nước đến các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Nga và các nước Đông Nam Á.
Ngành bia luôn phải song hành cùng phải vấn nạn “hàng giả, hàng nhái” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Các thương hiệu uy tín trên thị trường dễ bị làm giả, ảnh hưởng đến uy tín nhà sản xuất cũng như sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu thuế cho nhà nước.
Nhìn chung, thị trường bia Việt được đánh giá cao theo nhiều khảo sát của các tổ chức nước ngoài. Tình hình sản xuất và tiêu thụ bia trong những năm tới vẫn không có dấu hiệu suy giảm, bia ngoại vẫn tiếp tục đổ bộ, cạnh tranh sẽ tiếp tục gay gắt. Khi đó chiến lược quảng bá là yếu tố quyết định đến thành bại của doanh nghiệp, không chỉ ở những sản phẩm đã tồn tại mà cả các sản phẩm mới có mặt trên thị trường.