5. Nội dung nghiên cứu
2.2.1 Nghiên cứu định tính
Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật thảo luận nhóm. Nhóm thảo luận gồm: 2 Trưởng bộ phận (Nhà hàng và Buồng phòng), 1 Chủ tịch Công đoàn và 5 nhân viên đang làm việc tại Khách sạn Starlet. Bước nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích khám phá, điều chỉnh và bổ sung thêm các nhân tố mới cho mô hình nghiên cứu đề xuất. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh thang đo cho mô hình nghiên cứu với các biến quan sát đo lường cho các yếu tố trong mô hình phải dễ hiểu và ngắn gọn. Quá trình thảo luận nhóm được tác giả thực hiện như sau:
Phỏng vấn lần 1: Mục đích của cuộc phỏng vấn này là khám phá, điều chỉnh và bổ sung thêm những nhân tố mới có ảnh hưởng đến sự hài lòng công việc của nhân viên tại khách sạn ngoài những nhân tố đã được xây dựng trong mô hình nghiên cứu đề xuất; đồng thời, cuộc phỏng vấn cũng giúp tác giả khám phá và bổ sung thêm các mục hỏi trong từng nhân tố. Dựa vào kết quả cuộc phỏng vấn này, tác giả sẽ tiến hành điều chỉnh lại mô hình nghiên cứu đề xuất ban đầu, điều chỉnh các mục hỏi trong các nhân tố của mô hình và phân chia các thuộc tính trong các yếu tố nhân khẩu học.
Trước khi thực hiện phỏng vấn, tác giả đã tiến hành xây dựng bảng câu hỏi định tính với những câu hỏi mở để thuận tiện cho việc trao đổi trong quá trình thảo luận
(xem Phụ lục 1). Trong quá trình thảo luận, tác giả luôn tôn trọng nguyên tắc tạo cơ hội cho mọi thành viên trong nhóm trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân, mọi nội dung đều được ghi chép cẩn thận.
Kết quả phỏng vấn lần 1 cho thấy, hầu hết các ý kiến đều cho thấy sự hài lòng của nhân viên tại Khách sạn Starlet chịu tác động bởi 7 nhân tố đó là: thu nhập, mối quan hệ với đồng nghiệp, mối quan hệ với cấp trên, cơ hội đào tạo và thăng tiến, chính sách
phúc lợi, đặc điểm công việc và điều kiện làm việc. Điều này cho thấy, mô hình nghiên cứu đề xuất ban đầu vẫn được giữ nguyên không có sự điều chỉnh. Đồng thời, các mục hỏi trong từng nhân tố cũng được chỉnh sửa lại hợp lý hơn. Từ đó, tác giả tiến hành thiết kế bảng câu hỏi định lượng ban đầu để tiến hành cho cuộc phỏng vấn thứ hai.
Phỏng vấn lần 2: Mục đích của cuộc phỏng vấn này là đo lường các khái niệm, thăm dò phản ứng của các nhân viên về các mục hỏi xem các mục hỏi đã rõ nghĩa, dễ hiểu và phù hợp chưa. Dựa vào kết quả của cuộc phỏng vấn, tác giả sẽ tiến hành điều chỉnh lại những mục hỏi chưa đạt yêu cầu (không rõ nghĩa, khó trả lời, từ ngữ chưa đạt yêu cầu, câu hỏi khó trả lời,…) và tiến hành phỏng vấn lại đến khi các mục hỏi đều đạt yêu cầu và phù hợp hơn.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện như sau: tác giả thử nghiệm bảng câu hỏi định lượng ban đầu được xây dựng sau cuộc phỏng vấn lần 1 trên nhóm đối tượng gồm 10 nhân viên đang làm việc tại Khách sạn Starlet. Các đối tượng sẽ đọc bảng câu hỏi, xem xét và ghi chú lại những mục hỏi chưa đạt yêu cầu; sau đó, tác giả và các đối tượng sẽ trao đổi và tiến hành điều chỉnh lại những mục hỏi đến khi đạt yêu cầu và phù hợp hơn. Kết quả phỏng vấn lần 2 cho thấy, hầu hết các nhân viên đều đồng ý với các mục hỏi; tuy nhiên vẫn có vài mục hỏi chưa rõ nghĩa, hơi khó hiểu và sử dụng từ ngữ địa phương khiến các đối tượng chưa đồng ý. Sau quá trình trao đổi, tác giả đã tiến hành xem xét và điều chỉnh lại phù hợp hơn. Cuộc phỏng vấn kết thúc và các đối tượng đều đồng ý với các mục hỏi.
Sau phần nghiên cứu định tính, các nhân tố và các mục hỏi (các biến quan sát) trong từng nhân tố đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn. Trong đó, mô hình nghiên cứu đề xuất ban đầu vẫn được giữ nguyên với 7 nhân tố có tác động đến sự hài lòng công việc của nhân viên tại Khách sạn Starlet là: Thu nhập, Đào tạo và thăng tiến,
Đồng nghiệp, Cấp trên, Phúc lợi, Đặc điểm công việc và Điều kiện làm việc.
Đồng thời, các thuộc tính của các đặc điểm cá nhân cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Các nhân tố, các mục hỏi trong từng nhân tố và các đặc điểm cá nhân sau khi
được điều chỉnh này sẽ được tác giả sử dụng cho việc xây dựng và hoàn thiện bảng câu hỏi định lượng chính thức. Kết thúc quá trình nghiên cứu định tính, tác giả đã xây dựng được bảng câu hỏi định lượng hoàn chỉnh (xem Phụ lục 2) và có thể đưa vào phỏng vấn chính thức trong phần nghiên cứu định lượng.