Dòng tế bào thường trực Vero

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin phòng bệnh tay chân miệng EV71 ở quy mô phòng thí nghiệm (Trang 42)

Tế bào Vero là tế bào có nguồn gốc từ thận khỉ xanh Châu Phi trưởng thành, do 2 nhà khoa học Yasumura và Kawakita thuộc trường đại học Chiba - Nhật Bản thiết lập năm 1962. Sau các lần cấy truyền liên tiếp, dòng tế bào đời P113 được chuyển tới Ngân hàng tế bào của Mỹ (American type culture collection - ATCC) và tiếp tục được cấy truyền đến đời P121 để thiết lập ngân hàng tế bào. ATCC cũng giữ bản quyền kinh doanh tế bào Vero CCL81 đời P123. Thử nghiệm an toàn sinh học của tế bào được thực hiện tại Tektagen Inc - Mỹ. Hầu hết các nhà sản xuất vắcxin sử dụng tế bào giới hạn từ đời P130 đến P140 để thiết lập MCB và WCB.

Nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau về di truyền tế bào được thực hiện để đánh giá sự biến đổi nhiễm sắc thể của tế bào Vero sau khi nuôi cấy nhiều lần trên Microcarrier. MCB đời 133 và WCB đời 142 của tế bào

Vero được thử nghiệm kiểm tra virút retro, virút Mason-Pfizer ở khỉ (MPMV) đều cho kết quả âm tính.

Dòng tế bào Vero cũng được xác định các tính chất theo các tiêu chuẩn dành cho các dòng tế bào thường trực dùng để sản xuất vắcxin. Các nhà khoa học áp dụng phương pháp phân tích isoenzym và dấu ấn ADN (DNA fingerprinting) để kiểm tra tính đồng nhất của dòng tế bào sau khi cắt bằng enzym giới hạn. Các thử nghiệm kiểm tra vi khuẩn, nấm, Mycoplasma và virút ngoại lai (bao gồm cả virút retro) trong MCB và WCB đều âm tính.

Khả năng gây ung thư của dòng tế bào thường trực cũng là mối quan tâm chính khi sử dụng dòng tế bào này. Thử nghiệm cấy dòng tế bào sinh ung thư trên chuột cống sơ sinh thiếu hụt miễn dịch cho kết quả: khối u phát triển trên 90% số chuột và hơn 40% số chuột bị ung thư di căn ở phổi sau 3 tuần. Tuy nhiên khi thử nghiệm cấy tế bào Vero đời 169 trên chuột cống sơ sinh thiếu hụt miễn dịch kết quả cho thấy chuột khỏe mạnh và không phát hiện khối u, đã chứng minh được độ an toàn khi sử dụng dòng tế bào vero trong sản xuất vắcxin.

Dòng tế bào thường trực Vero có thể tái tạo thông qua nhiều chu kỳ phân chia và không bị già hóa.

Tế bào Vero rất nhạy cảm với nhiều loại virút như SV- 40, SV-5, HSV, virus sởi, virut arbo, virut reo, rubella, virut adeno ở khỉ, virút bại liệt, virút cúm, virút gây bệnh đường hô hấp…

Tế bào Vero được dùng cho nhiều mục đích khác nhau:

- Phát hiện độc tố của vi khuẩn Escherichia coli. Lúc đầu độc tố này có tên “Vero toxin" sau này gọi là "Shiga-like toxin” do

tương đồng so với độc tố Shiga phân lập từ vi khuẩn Shigella dysenteriae.

- Là tế bào vật chủ cho virút phát triển. Ví dụ nghiên cứu theo dõi tác động của một dược phẩm lên virut; thử nghiệm phát hiện virút dại, virút cúm gia cầm… hoặc làm tăng hiệu giá virút phục vụ mục đích nghiên cứu.

- Kiểm tra Mycoplasma, thử nghiệm sự hình thành các đám hoại tử…

Từ lâu tế bào đã được sử dụng để sản xuất vắcxin virút. Một số loại tế bào dùng sản xuất vắcxin virút bất hoạt như tế bào có nguồn gốc từ các dòng tế bào tiên phát: thận khỉ, thận thỏ, phôi gà. Các dòng tế bào lưỡng bội của người và khỉ như WI-38, MRC-5, FRhL-2. Các dòng tế bào thường trực như Vero, CHO. Viện Merieux (nay là Aventis Pasteur - Pháp) đã chọn tế bào Vero là dòng tế bào thường trực không gây ung thư (non-tumorigenic) để sản xuất vắcxin bại liệt bất hoạt đường tiêm (IPV), vắcxin bại liệt sống đường uống và vắcxin dại (RV) từ những năm 1980. Dòng tế bào này nhận từ ATCC tháng 5/1979 ở đời P124. Các loạt tế bào Vero sử dụng đều được kiểm tra theo yêu cầu của TCYTTG và đạt tiêu chuẩn. Vắcxin IPV đã được cấp giấy phép ở Mỹ vào năm 1990. Cho đến nay, Mỹ vẫn sử dụng vắcxin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Sau này, công nghệ nuôi cấy trên tế bào Vero cũng được dùng để nghiên cứu sản xuất một số loại vắcxin khác như vắcxin dại, vắcxin cúm A/H1N1; cúm A/H5N1…

Còn rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới để có thể kết luận dòng tế bào thường trực Vero đạt tất cả các yêu cầu an toàn để sử dụng sản xuất vắcxin dùng cho người. Hiện nay, các khuyến cáo về đời cấy truyền của tế bào cho phép đưa vào sản xuất vắcxin là P142. Tế bào Vero rất an toàn và rẻ hơn nhiều so với tế bào lưỡng bội người hay tế bào thận khỉ tiên phát. Chúng có thể cất giữ trong ngân hàng tế bào dễ dàng, các đặc điểm mô

tả chi tiết, kỹ lưỡng. Điều này tránh được sự khác biệt trong từng mẻ sản phẩm. Tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng tế bào tiên phát. Tế bào Vero cũng có thể thích ứng nhanh khi nuôi cấy trên microcarrier trong bioreactor và sản xuất lượng virút ổn định. Dễ dàng khi mở rộng sản xuất do đó giảm chi phí sản xuất vắcxin [37].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin phòng bệnh tay chân miệng EV71 ở quy mô phòng thí nghiệm (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)