Về nội dung nguyên tắc MFN

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thương mại khi việt nam gia nhập wto (Trang 57 - 58)

14 Xem Báo cáo nghiên cứu Dự án VIE/01/004 “Những khác biệt giữa Luật Thương mại Việt Nam với Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ và các chế định của WTO” TS Hoàng Phước Hiệp (trưởng nhóm),

2.2.1.1. Về nội dung nguyên tắc MFN

Theo quy định trong Điều I - Hiệp định GATT 1994 của WTO, Nguyên tắc Đãi ngộ Tối huệ quốc yêu cầu các bên ký kết phải dành ngay lập tức và vô điều kiện mọi sự đãi ngộ đối với các khoản thuế, phương thức thanh toán, mọi luật lệ, thủ tục, mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ dành cho sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ phải dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc giao tới mọi bên ký kết khác.

Quy định này cũng được ghi nhận trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ tại Điều I, Chương I và có lộ trình thực hiện.

Tại Việt Nam, nguyên tắc Đãi ngộ Tối huệ quốc được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Thương mại; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Hải quan; Pháp lệnh MFN và NT; và Một số văn bản khác.

Trong đó:

- Điều 3 Khoản 1 Pháp lệnh MFN và NT quy định khái niệm MFN, theo đó

MFN trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ một nước so với hàng hoá tương tự nhập khẩu có xuất xứ từ nước thứ ba hoặc hàng hoá xuất khẩu đến một nước so với hàng hoá tương tự xuất khẩu đến nước thứ ba.

- Điều 6 Pháp lệnh MFN và NT quy định Việt Nam dành MFN trong trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia quy định áp dụng MFN.

- Điều 7 Pháp lệnh MFN và NT quy định MFN trong thương mại hàng hoá được áp dụng đối với: Thuế, các loại phí và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Phương thức thanh toán và chuyển tiền; Thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; Thuế và các loại phí trong nước; Hạn chế định lượng và cấp phép; Các quy định khác của pháp luật có ảnh hưởng đến việc bán, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hoá tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, Luật Thương mại, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan của Việt Nam còn có quy định về việc áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác với pháp luật Việt Nam, cụ thể là:

+ Khoản 1 Điều 4 Luật Thương mại quy định “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì các bên trong hợp đồng áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

+ Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng quy định “ Hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo điều ước quốc tế”.

+ Khoản 1 Điều 5 Luật Hải quan quy định “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này (Luật Hải quan) thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

Tuy đã có quy định về chế độ Đãi ngộ Tối huệ quốc trong Pháp lệnh MFN và NT, song quy định này còn rất chung chung. Các quy định khác trong các văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá nhìn chung không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá của nước nhập khẩu vào Việt Nam.

Về mặt hình thức, Pháp lệnh MFN và NT đã quy định thủ tục pháp lý cho việc thực hiện cam kết về MFN trong WTO. Tuy nhiên, về mặt nội dung cần đối chiếu, xem xét thêm các quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật khác của Việt Nam vì đôi khi vẫn còn chưa hoàn toàn phù hợp.

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thương mại khi việt nam gia nhập wto (Trang 57 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(132 trang)
w