Điều 1 Hiệp định trị giá tính thuế hải quan của WTO (Customs Value Agreement - Hiệp định CVA) quy định “trị giá thuế quan của hàng nhập khẩu phải là trị giá giao dịch, tức là giá thực tế đã thanh toán hoặc phải thanh toán cho hàng hoá được bán từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu” (ví dụ: giá hoá đơn).
Trị giá giao dịch này có thể được điều chỉnh, khi cần thiết, bao gồm một số khoản thanh toán mà người mua phải trả như chi phí bao bì đóng gói và container, giá trị hàng hoá hoặc dịch vụ hỗ trợ, phí bản quyền và xin phép sử dụng bằng sáng chế. Các quy tắc này cũng quy định sẽ không đưa vào trị giá tính thuế tiền hoa hồng mua hàng hoặc chiết khấu đặc biệt dành cho đại lý độc quyền (Điều 8 Hiệp định CVA).
Tuy nhiên, hải quan có quyền không công nhận trị giá giao dịch nếu họ có lý do để nghi ngờ tính chân thực và tính chính xác của trị giá mà người nhập khẩu kê khai hoặc của hồ sơ mà người nhập khẩu xuất trình. Để bảo vệ lợi ích của người nhập khẩu trong những trường hợp như vậy, hải quan phải cho người nhập khẩu cơ hội biện minh giá của họ. Nếu hải quan không chấp nhận sự biện minh của người nhập khẩu thì buộc phải đưa ra những lý lẽ bằng văn bản giải thích việc hải quan không chấp nhận trị giá giao dịch mà người nhập khẩu đã kê khai.
Khi trị giá giao dịch không được hải quan chấp nhận, Hiệp định CVA đưa ra bốn tiêu chuẩn định giá hải quan khác. Hiệp định còn nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn này cần phải được áp dụng theo thứ tự nêu ra trong văn bản Hiệp định này và chỉ khi hải quan thấy rằng tiêu chuẩn thứ nhất không thể áp dụng được thì mới áp dụng lần lượt các tiêu chuẩn tiếp theo, cụ thể:
(1) Trị giá giao dịch của các hàng hoá giống hệt: Khi trị giá hàng hoá không thể xác định trên cơ sở trị giá giao dịch, nó cần phải được xác định trên cơ sở trị giá giao dịch đã được xác định trước đó của một loại hàng hoá giống hệt như vậy (Điều 2 Hiệp định CVA).
(2) Trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự: Khi không thể xác định trị giá hàng hoá trên cơ sở phương pháp nói trên, cần phải xác định trị giá trên cơ sở trị giá giao dịch của loại hàng tương tự (Điều 3 Hiệp định CVA).
(3) Trị giá khấu trừ: Trị giá khấu trừ được xác định trên cơ sở đơn giá bán trên thị trường nội địa của hàng nhập khẩu đang cần xác định trị giá hoặc của loại hàng hoá giống hệt hoặc tương tự sau khi đã trừ đi các như lợi nhuận, thuế nhập khẩu, thuế khác, phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí phát sinh khác trong lãnh thổ nước nhập khẩu (Điều 5 Hiệp định CVA).
(4) Trị giá tính toán: Trị giá tính toán được xác định bằng cách cộng thêm vào giá thành mặt hàng đang được định giá “một khoản lợi nhuận và các chi phí chung tương đương với khoản lợi nhuận và chi phí chung thường tính trong giá bán của các mặt hàng cùng loại với hàng cần xác định trị giá được sản xuất bởi nhà sản xuất ở nước xuất khẩu với mục đích xuất khẩu sang nước nhập khẩu” (Điều 6 Hiệp định CVA).
Khi xác định trị giá trên cơ sở những phương pháp này, hải quan phải tham khảo và lưu tâm đến ý kiến của người nhập khẩu.