14 Xem Báo cáo nghiên cứu Dự án VIE/01/004 “Những khác biệt giữa Luật Thương mại Việt Nam với Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ và các chế định của WTO” TS Hoàng Phước Hiệp (trưởng nhóm),
2.5.6. Về quy định chống bán phá giá
Hiện nay Việt Nam chưa có văn bản chính thức điều chỉnh về vấn đề bán phá giá. Dự thảo Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam (dự thảo lần 4) hiện đang được thảo luận và lấy ý kiến. Do đó, trong phần này, khoá luận sẽ tập trung đối chiếu, so sánh các quy định của Hiệp định về chống bán phá giá ADP của WTO với các quy định tương ứng trong Dự thảo Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá của Việt Nam.
Điều 2 Hiệp định thực thi Điều VI của GATT 1994 (Hiệp định về chống bán phá giá ADP) quy định: Một sản phẩm bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác thấp hơn trị giá thông thường của sản phẩm đó) nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường hoặc của sản phẩm tương tự được xuất khẩu sang một nước thứ 3 hoặc được xác định thông qua so sánh với chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hoá cộng thêm một khoản hợp lý chi phí quản trị, bán hàng, các chi phí chung và một khoản lợi nhuận.
Trong các văn bản hiện hành của Việt Nam, khái niệm bán phá giá mới chỉ được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định bán phá giá là trường hợp hàng hoá được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán của hàng hoá đó quá thấp so với giá thông thường. Ngoài ra, Khoản 3 Pháp lệnh Giá cũng quy định khái niệm bán phá giá trong nước. Quy định này dẫn đến sự nhầm lẫn giữa khái niệm phá giá trong thương mại quốc tế và phá giá trong nước.
Thực chất vấn đề bán phá giá trong nước nên được điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh và chống độc quyền.
Trong khi đó, Dự thảo Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá của Việt Nam đã nêu ra khái niệm bán phá giá về cơ bản phù hợp với quy định trong Hiệp định ADP của WTO.
Nội dung Điều 2 Khoản 2,3,4,5,6,7, Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 Hiệp định ADP quy định chi tiết thủ tục và cách thức tiến hành điều tra đối với với một vụ việc bán phá giá ở một nước thành viên từ cách xác định bán phá giá, sự tồn tại, ngành sản xuất trong nước, quá trình điều tra tiếp theo, việc thu thập bằng chứng đã được đưa vào Dự thảo Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá. Về cơ bản, các quy định này không trái với các quy định của WTO. Tuy nhiên, nhiều quy định còn quá sơ sài so với Hiệp định ADP.
Điều 7 Hiệp định ADP quy định về điều kiện và thời hạn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; Điều 8, 9 quy định về các biện pháp xử lý đối với hàng hoá bị bán phá giá; Điều 10 về thời hạn hồi tố; Điều 11 về thời hạn tối đa áp dụng thuế chống bán phá giá; Điều 12, 13 về nghĩa vụ thông báo cho các bên liên quan; Điều 14 về hành động chống bán phá giá nhân danh nước thứ 3; Điều 17 về giải quyết tranh chấp đều đã được quy định trong Dự thảo Pháp lệnh thuế Chống bán phá giá và không trái với quy định của Hiệp định chống bán phá giá của WTO.