Chương trình cải cách áp dụng theo Hiệp định nông nghiệp đàm phán tại Vòng Uruguay cố gắng đưa thương mại trong nông nghiệp vào quy chế điều tiết của GATT, một lĩnh vực mà tất cả các nước thành viên thường không tuân thủ đầy đủ.
Theo chương trình cải cách, ngoài biện pháp thuế quan, các nước áp dụng những biện pháp như hạn chế số lượng và những loại thuế khác, cần phải xoá bỏ bằng cách bổ sung những sắc thuế tương ứng với những biện pháp tự vệ hiện hành. Các nước còn buộc phải giảm thuế quan áp dụng cho nhập khẩu nông phẩm thuế quan hoá theo tỷ lệ cam kết, kể cả những thuế suất đưa ra từ việc các nước đang phát triển được phép cam kết tỷ lệ phần trăm thấp hơn thuế suất đặt ra đối với các nước phát triển và trong lịch trình dài hơn. Các nước chậm phát triển được miễn trừ nghĩa vụ giảm thuế.
Tất cả các nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển nhất đều cần phải cam kết không tăng thuế quan của mình lên trên mức ràng buộc ở lịch trình nhượng bộ. Tuy nhiên, các nước đang phát triển và chậm phát triển được linh hoạt đưa ra trần thuế suất cao hơn mức thuế hiện đang áp dụng đã có giảm bớt.
Theo chương trình cải cách, các nước sử dụng trợ giá đồng ý giảm tỷ lệ phần trăm cụ thể của trợ giá xuất khẩu và trợ giá hỗ trợ trong nước bị coi là làm biến dạng thương mại.
Hiệp định quy định rằng các cuộc đàm phán để tự do hoá thương mại hơn nữa và hoàn thiện các quy tắc áp dụng theo chương trình cải cách phải được bắt đầu triển khai trước cuối năm 1999.
Thuế hoá: Điểm quan trọng của Hiệp định nông nghiệp là những quy tắc mới, đòi hỏi những nước áp dụng biện pháp phi thuế quan (như hạn chế số lượng nhập
khẩu, cấp phép nhập khẩu tuỳ tiện và các khoản thu khác) phải xoá bỏ chúng bằng cách tính quy ra mức thuế quan tương đương và cộng vào mức thuế quan cố định (theo Điều 4 và Ghi chú 1 - Hiệp định nông nghiệp). Kết quả là các nước đặt thuế suất mới cho các sản phẩm (chủ yếu thuộc vùng ôn đới) mà trước đây họ đã áp dụng những biện pháp phi thuế quan. Mức thuế quan tương đương của các biện pháp phi thuế quan được tính trên cơ sở trung bình giữa giá thế giới của sản phẩm (là đối tượng của những biện pháp phi thuế quan) và giá sản phẩm trong nước của nước nhập khẩu.
Những cam kết tiếp cận hiện thời và tối thiểu: Các nước xuất khẩu đều lo lắng rằng việc nhập khẩu một số sản phẩm chịu hạn chế về số lượng hay các khoản thu khác, có một nguy cơ là nếu chỉ dựa vào quá trình thuế hoá thôi thì sẽ không đem lại tác dụng tự do hoá mạnh mẽ. Do đó, việc sử dụng những cam kết tiếp cận hiện thời và tối thiểu được sử dụng để bổ khuyết cho quá trình thuế hoá.
Những biện pháp tự vệ đặc biệt: Hiệp định nông nghiệp đáp ứng mối quan tâm của những nước nhập khẩu là việc xoá bỏ những hạn chế về số lượng có thể dẫn đến tăng nhập khẩu đột ngột mặc dù có mức thuế quan tương đương bằng việc cho phép họ đặt ra những biện pháp tự vệ đối với sản phẩm được thuế hoá (theo Điều 5 - Hiệp định nông nghiệp).
Giảm thuế quan theo tỷ lệ phần trăm: Trong Vòng Uruguay, các nước thoả thuận giảm thuế quan (cả thuế suất hoá mới và các thuế khác) bằng tỷ lệ phần trăm cố định. Các nước phát triển và đang chuyển đổi kinh tế nhận giảm bớt thuế quan trung bình 36%, các nước đang phát triển giảm 24%. Mức giảm đó đối với các nước phát triển thực hiện trong thời kỳ 6 năm kể từ 1/1/1995, các nước đang phát triển trong 10 năm. Các nước chậm phát triển, dù có mức thuế quan cao sát trần thuế suất, cũng không phải giảm. Các quy tắc còn yêu cầu thuế suất đối với từng sản phẩm phải được giảm ít nhất 15% đối với các nước phát triển và 10% đối với các nước đang phát triển.
Ràng buộc thuế quan: Một trong những đặc điểm của chương trình cải cách thuế quan (và cả thuế suất hoá) áp dụng đối với nông phẩm là phải áp dụng đối với tất cả các quốc gia (phát triển, đang phát triển, chậm phát triển và chuyển đổi kinh
tế) chống việc tăng trên mức quy định nêu trong chương trình nhượng bộ của các nước. Cùng với việc xoá bỏ các biện pháp phi thuế quan bằng thuế quan hoá được xem như là những kết quả chủ yếu của chương trình cải cách. Trước khi áp dụng, chỉ có rất ít thuế quan ràng buộc các nước phát triển và nước đang phát triển.
Trợ cấp xuất khẩu và những biện pháp hỗ trợ của chính phủ
Trong lĩnh vực nông nghiệp, người ta thừa nhận rằng một số nước dựa vào việc sử dụng trợ cấp để đẩy sản phẩm dư thừa ra thị trường quốc tế. Hiệp định nông nghiệp đòi hỏi các nước thực hiện những cam kết giảm sử dụng trợ cấp. Điều 9 Hiệp định nông nghiệp cho phép các nước sử dụng 6 loại trợ cấp miễn là họ đồng ý thực hiện cam kết giảm cả khối lượng trợ cấp (thể hiện trong kinh phí ngân sách) lẫn cả số lượng mặt hàng xuất khẩu được trợ cấp.
Sáu loại trợ cấp xuất khẩu mà các nước thành viên phải cắt giảm (các nước đang phát triển không cần phải thực hiện cam kết về trợ cấp xuất khẩu mục 4, 5), đó là: (1) Khoản trợ cấp trực tiếp của chính phủ phụ thuộc vào chỉ tiêu thực hiện xuất khẩu; (2) Việc bán dự trữ nông phẩm phi thương mại của chính phủ với giá thấp hơn giá có thể so sánh với sản phẩm tương tự cho người tiêu dùng thị trường trong nước; (3) Thanh toán về nhập khẩu nông phẩm được tài trợ của chính phủ, có hoặc không tính vào tài khoản công, bao gồm cả việc thanh toán được tài trợ bởi các thủ tục áp dụng thuế đối với sản phẩm liên quan hay một nguồn nông phẩm từ đó tạo ra sản phẩm xuất khẩu; (4) Khoản trợ cấp nhằm giảm chi phí tiếp thị xuất khẩu nông phẩm (khác với trợ cấp thúc đẩy xuất khẩu và dịch vụ tư vấn có sẵn rộng rãi), kể cả chi phí vận chuyển, nâng phẩm cấp và các chi phí chế biến khác, cùng các chi phí giao nhận vận tải quốc tế; (5) Chi phí về giao nhận vận tải quốc tế đối với hàng xuất khẩu được ưu đãi hơn các chuyến hàng nội địa; (6) Trợ cấp cho nông phẩm với điều kiện tham gia vào sản phẩm xuất khẩu.
Cần phải lưu ý rằng các nước sử dụng trợ cấp như trên đã thực hiện cam kết một cách rộng rãi trong đàm phán. Những cam kết đó đã được tiến hành trên cơ sở từng sản phẩm trong chương trình nhượng bộ của họ theo WTO. Các nước này có nghĩa vụ không được vượt quá mức cam kết nêu trong lịch trình kể cả về chi tiêu ngân sách lẫn khối
lượng. Họ cũng thực hiện nghĩa vụ không mở rộng phạm vi sản phẩm hưởng trợ cấp ngoài tiến trình quy định (theo Điều 10 - Hiệp định nông nghiệp).
Hỗ trợ trong nước: Về việc hỗ trợ trong nước, quan điểm của Hiệp định nông nghiệp (Điều 1a, Điều 6) là đòi hỏi các nước chấp nhận cam kết phải giảm các hỗ trợ làm biến dạng thương mại. Vì mục đích đó, Hiệp định chia hỗ trợ thành ba loại:
Hỗ trợ trong hộp xanh lá cây: Tất cả những hỗ trợ “không có, có rất ít tác động làm biến dạng thương mại hoặc tác động đến sản xuất” và không có “tác động hỗ trợ giá đối với người sản xuất” được xem là những hỗ trợ trong hộp màu xanh lá cây và được cam kết cắt giảm (Phụ lục 2:1 - Hiệp định nông nghiệp). Hiệp định cũng không hạn chế quá mức quyền của chính phủ phê chuẩn những hỗ trợ nhằm cải tiến năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Dưới đây là một số ví dụ về hỗ trợ trong hộp xanh lá cây trích từ Phụ lục 2 của Hiệp định: (i) Chi phí của chính phủ về nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh giám định, phân cấp những sản phẩm riêng biệt trong nông nghiệp, dịch vụ tiếp thị và xúc tiến; (ii) Sự đóng góp của chính phủ trong các chương trình bảo hiểm thu nhập và chế độ bảo hiểm thu nhập; (iii) Các khoản trợ cấp về thiên tai; (iv) Các khoản trợ cấp theo chương trình bảo vệ môi trường, chương trình hỗ trợ cho điạ phương, hỗ trợ trong điều chỉnh cơ cấu lao động, tài nguyên…
Hỗ trợ trong hộp màu xanh da trời: Cùng với những liệt kê trên, “việc thanh toán trực tiếp theo chương trình hạn chế xuất khẩu” cũng được miễn thực hiện cam kết cắt giảm, miễn là: (i) Những khoản trợ cấp đó dựa trên những khu vực hay sản lượng quy định; (ii) Những khoản trợ cấp đó được thực hiện nếu 85% hoặc thấp hơn của mức sản lượng cơ bản; (iii) Những khoản trợ cấp chăn nuôi được tính theo đầu gia súc. Những tập quán trợ cấp này thường được dẫn chiếu thuộc các biện pháp cảu hộp màu xanh da trời.
Hỗ trợ màu hổ phách: Hỗ trợ màu hổ phách chủ yếu bao gồm những hình thức hỗ trợ trong nước được xem là biến dạng thương mại. Hiệp định nông nghiệp đề ra mức trần cho tổng mức hỗ trợ trong nước (lượng trợ cấp tính gộp - AMS) mà chính phủ có thể cấp cho các nhà sản xuất nội địa. Hơn nữa, mức trần đó đòi hỏi AMS phải giảm theo tỷ lệ phần trăm theo thoả thuận.
Lượng trợ cấp tính gộp - AMS được tính trên cơ sở từng sản phẩm bằng cách sử dụng chênh lệch giữa giá tham khảo bên ngoài trung bình cho một sản phẩm với giá thực tế áp dụng nhân lên theo số lượng sản xuất. Để đạt được AMS, các trợ giá trong nước không dành cho một sản phẩm cụ thể được tính vào tổng số trợ giá đã tính trên cơ sở từng sản phẩm.
Các trợ giá mô tả trong hộp màu xanh lá cây và xanh da trời nói trên được miễn trừ không gộp vào AMS. Hơn nữa, trong trường hợp sự hỗ trợ cho một sản phẩm cụ thể lại dưới mức 5%, thì khoản trợ giá đối với sản phẩm đó được loại trừ ra khỏi cam kết cắt giảm. Tương tự như vậy, một hỗ trợ trong nước không dành riêng cho một sản phẩm cụ thể được loại trừ nếu không vượt quá 5% giá trị của sản lượng nông nghiệp. Đối với các nước đang phát triển, mức phần trăm tối thiểu là 10%. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các nước đang phát triển còn được phép loại trừ nhiều hơn khỏi cách tính AMS và do đó không phải cam kết cắt giảm như sau: (i) Trợ cấp đầu tư thông thường cho nông nghiệp; (ii) Trợ cấp đầu vào thông thường cho những vùng sản xuất nghèo tài nguyên, thu nhập thấp; (iii) Trợ cấp để khuyến khích đa dạng hoá cây trồng và phá huỷ cây có chất ma tuý.
Chương 2