Theo Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures - Hiệp định SCM), một ngành sản xuất được coi là hưởng trợ cấp khi lợi ích được dành cho ngành đó dưới hình thức: (i) Giao vốn trực tiếp của chính phủ (chẳng hạn cấp vốn, các khoản cho vay hoặc góp vốn cổ phần) hoặc chính phủ bảo lãnh các khoản vay; (ii) Chính phủ miễn những khoản thu lẽ ra phải đóng; và (iii) Chính phủ cung ứng hàng hoá hoặc dịch vụ, hay mua hàng.
Khái niệm lợi ích là rất quan trọng để xác định xem một biện pháp có phải là biện pháp trợ cấp hay không. Mặc dù Hiệp định chỉ đưa ra hướng dẫn sơ lược về điểm này, song theo quy tắc chung có thể nói rằng một hành động của chính phủ không nhất quán với những tính toán mang tính thương mại được xem như là ban cho một lợi ích. Do đó, việc góp vốn theo cách mà một nhà đầu tư tư nhân không thể chấp nhận hay một khoản vay theo điều kiện có lợi hơn do ngân hàng thương mại đưa ra, hay những điều khoản về hàng hoá hoặc dịch vụ do chính phủ đưa ra
thấp hơn giá phổ biến trên thị trường, được xem như việc ban cho một lợi ích, do đó có thể coi là khoản trợ cấp.
Mục tiêu của Hiệp định SCM là không hạn chế quá mức quyền hạn của chính phủ phê duyệt trợ cấp nhưng cấm hoặc không khuyến khích họ dùng trợ cấp có tác động bất lợi về thương mại đối với nước khác. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp định phân định trợ cấp thành loại bị cấm và loại được chấp nhận.
Trợ cấp bị cấm (trợ cấp đèn đỏ)
Theo Điều 3 - Hiệp định SCM, các khoản trợ cấp sau đây bị cấm:
(i) Trợ cấp xuất khẩu, tức là những khoản trợ cấp căn cứ kết quả xuất khẩu, bao gồm: Những khoản trợ cấp trực tiếp dựa vào kết quả thực hiện xuất khẩu; Chương trình giữ lại tiền liên quan đến thưởng xuất khẩu; Cung cấp đầu vào được trợ cấp để sản xuất hàng xuất khẩu; Miễn thuế trực thu (chẳng hạn thuế thu nhập liên quan đến xuất khẩu; Miễn hoặc hoàn thuế gián thu (chẳng hạn VAT) đối với sản phẩm xuất khẩu vượt quá mức thuế đánh vào sản phẩm tương tự bán trong nước; Giảm hoặc hoàn thuế nhập khẩu (chẳng hạn thuế quan và các khoản thuế khác) vượt quá mức thu đối với đầu vào tiêu hao cho sản xuất hàng xuất khẩu; Chương trình bảo hiểm xuất khẩu với bảo hiểm phí không đủ trang trải chi phí dài hạn của chương trình bảo hiểm; Tín dụng xuất khẩu dưới mức phí đi vay của chính phủ, khi sử dụng mức phí đó để bảo đảm lợi thế vật chất trong các khoản tín dụng xuất khẩu.
(ii) Những khoản trợ cấp nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa so với hàng nhập khẩu.
Các khoản trợ cấp được chấp nhận
(1) Các khoản trợ cấp được chấp nhận có thể bị khiếu kiện (trợ cấp đèn vàng) (Điều 2, Điều 5 - Hiệp định SCM)
Hiệp định SCM sử dụng khái niệm về tính cá biệt (đặc thù) để phân loại trợ cấp có thể khiếu kiện và trợ cấp không thể khiếu kiện. Một khoản trợ cấp được xem là cá biệt nếu được giới hạn trong: một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp; một ngành hoặc một nhóm ngành; hoặc một khu vực địa lý được định rõ nằm trong phạm vi quyền hạn của cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Tất cả các khoản trợ cấp cá biệt (khác với những khoản được xác định trong phần sau) là có thể khiếu kiện nếu chúng gây ra cái mà Hiệp định gọi là “tác động bất lợi cho lợi ích của các nước thành viên khác”. Những tác động bnất lợi thể hiện ở dạng: ảnh hưởng nghiêm trọng tơí các ngành sản xuất trong nước; tổn thất tới các ngành sản xuất của nước nhập khẩu; làm vô hiệu và suy yếu lợi ích của thuế suất đã cam kết.
(2) Trợ cấp được chấp nhận không thể khiếu kiện (trợ cấp đèn xanh) (Điều 2, Điều 8 - Hiệp định SCM)
Trừ một số ngoại lệ, tất cả các khoản trợ cấp được chấp nhận song mang tính cá biệt đều có thể bị khiếu kiện. Còn khoản trợ cấp không cá biệt sẽ không bị khiếu kiện. Những chương trình trợ cấp dựa trên những tiêu chí kinh tế khách quan phổ cập và “không ưu đãi riêng ngành nào”coi là không mang tính cá biệt. Vì vậy, những khoản trợ cấp không bị khiếu kiện là những khoản trợ cấp chính phủ dành cho: các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được xác định theo quy mô hay số lượng nhân viên; những hoạt động nghiên cứu do các công ty tiến hành, miễn là đáp ứng một số điều kiện nhất định; điều chỉnh những phương tiện sản xuất hiện có thích nghi với những đòi hỏi về môi trường mới, miễn là trợ cấp thực hiện một lần, không lặp lại và giới hạn ở mức 20% chi phí cho việc thích nghi đó; và hỗ trợ phát triển những ngành sản xuất nằm trong khu vực khó khăn, miễn là đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Biện pháp chế tài
Biện pháp chế tài dành cho ngành sản xuất bị tác động và chính phủ các nước có lợi ích bị thiệt hại do nhập khẩu được trợ cấp là như thế nào? Hiệp định quy định hai biện pháp (theo các Điều 4,7,9 - Hiệp định SCM). Thứ nhất, một nước nếu thấy có trợ cấp xuất khẩu bị cấm đang được sử dụng hoặc bị tác động bất lợi do việc ban hành trợ cấp được chấp nhận, có thể đưa vấn đề đó ra trưóc Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO để đòi bồi thường. Khi những tác độn bất lợi ở dạng “thiệt hại nghiêm trọng” cho ngành sản xuất trong nước, thay vì đưa ra Cơ quan giải quyết tranh chấp, nước nhập khẩu có thể đánh thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp)
vào các sản phẩm nhập khẩu được trợ cấp. Tuy nhiên, những khoản thuế như vậy chỉ có thể được áp dụng khi thực hiện thẩm tra ở cấp độ quốc gia và dựa trên cơ sở kiến nghị từ ngành sản xuất bị tác động xác định rằng phần nhập khẩu được trợ cấp đang gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Các khoản thuế đối kháng không được đánh vào sản phẩm hưởng trợ cấp không được khiếu kiện.