Khái niệm về bán phá giá thể hiện trong luật GATT
Thông thường, người ta định nghĩa mọi loại hàng nhập khẩu với giá quá rẻ coi là hàng nhập khẩu được bán phá giá. Tuy nhiên, Hiệp định về Chống bán phá giá (Agreement on Implementation of Article VI of the General Agreement on Tariffs and Trade 1994 “Anti-Dumping Code” - Hiệp định ADP) đề ra những tiêu chí chặt chẽ để xác định khi nào một sản phẩm nhập khẩu được coi là bán phá giá. Đặc biệt, Hiệp định ADP (Điều 2.1) nêu rằng “một sản phẩm được coi là phá giá” nếu giá xuất khẩu thấp hơn mức giá mà một sản phẩm tương tự được tiêu thụ tại nước xuất khẩu. Nói cách khác, nếu căn cứ vào sự so sánh giá xuất khẩu và giá tiêu thụ nội địa tại nước xuất khẩu mà giá tiêu thụ nội địa cao hơn thì coi sản phẩm đó bán phá giá.
Tuy nhiên, Hiệp định ADP (Điều 2.2) cho rằng việc xác định phá giá dựa theo cơ sở trên có thể không thích hợp khi: (i) Việc bán sản phẩm trong thị trường nội địa của nước xuất khẩu không phải là quá trình kinh doanh diễn ra trong điều kiện thương mại bình thường (chẳng hạn: bán hàng thấp hơn giá thành sản xuất); và (ii) Lượng hàng bán tại thị trường nội địa thấp.
Trong những trường hợp đó, Hiệp định cho phép xác định việc bán phá giá bằng cách so sánh giá xuất khẩu với: (1) Giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự khi xuất khẩu sang nước thứ ba; hoặc (2) Giá trị cấu thành, tính trên cơ sở giá thành sản xuất của sản phẩm nhập khẩu cộng thêm các chi phí chung, bán hàng, hành chính và lợi nhuận.
So sánh giá: những nguyên tắc chung
Như nêu trên, một sản phẩm chỉ được xem là bán phá giá khi giá xuất khẩu của nhà sản xuất nước ngoài thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu.
Cho nên biên độ chống phá giá trước tiên được xác định bằng so sánh hai loại giá này.
Hiệp định ADP đề ra những chỉ dẫn để đảm bảo so sánh công bằng giữa giá nội địa và giá xuất khẩu. Trên thực tế, Hiệp định này khẳng định rằng việc so sánh như vậy phải được thực hiện “ ở cùng một cấp độ kinh doanh, thông thường ở khởi điểm xuất xưởng và liên quan đến doanh số tính hầu như cùng một thời điểm. Cũng có thể cho rằng có “sự khác biệt về điều kiện và khối lượng doanh số bán, thuế, cấp độ kinh doanh, số lượng, thuộc tính vật lý” và các yếu tố khác ảnh hưởng đến so sánh giá cả (xem Điều 2.4 - Hiệp định ADP).
Giá bình quân
Để đạt biên độ phá giá bằng cách so sánh giá trong nước và giá xuất khẩu của nhà xuất khẩu, cơ quan điều tra thường sử dụng một hệ thống lấy mức bình quân, nhất là khi bao gồm một số lượng lớn những giao dịch nhỏ. Để đảm bảo rằng trong những trường hợp như vậy, giá cả được so sánh trên cơ sở từng sản phẩm một, Hiệp định ADP (Điều 2.4.2) yêu cầu việc so sánh thường dựa trên cơ sở dưới đây: (i) Hoặc là giá tiêu thụ nội địa bình quân gia quyền và giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu; (ii) Hoặc là giá tiêu thụ nội địa và giá xuất khẩu dựa trên cơ sở từng cuộc giao dịch.
Chuyển đổi tiền tệ
So sánh giá tiêu thụ nội địa và giá xuất khẩu thường liên quan đến việc chuyển đổi giá xuất khẩu sang đồng tiền của nước xuất khẩu. Do có những biến động, tỷ giá dùng chuyển đổi đồng tiền có thể ảnh hưởng lớn đến biên độ phá giá. Để đảm bảo sự nhất quán trong phương pháp do các nhà điều tra sử dụng, Hiệp định ADP (Điều 2.4.1) nêu rằng tỷ giá hối đoái hiện hành ngày bán hàng được áp dụng. Tuy nhiên, nếu giao dịch dựa trên tỷ giá đã nêu trong hợp đồng kỳ hạn thì áp dụng tỷ giá đó.
Trị giá cấu thành
Hiệp định ADP thừa nhận rằng, ở đâu khối lượng tiêu thụ nội địa “thấp”, giá tiêu thụ tại nước xuất khẩu không thể làm cơ sở thích hợp để so sánh giá. Trong những trường hợp đó, Hiệp định (Điều 2.2 và Điều 2.3) cho phép cơ quan điều tra
sử dụng giá trị cấu thành thay cho giá tiêu thụ nội địa để so sánh giá. Trị giá cấu thành được tính theo giá thành của ngành sản xuất ra sản phẩm.