Kiến nghị chung về khả năng xử lý, giải quyết sự khác biệt giữa Luật Thương mại Việt Nam với các chế định của WTO

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thương mại khi việt nam gia nhập wto (Trang 105 - 106)

15 Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, Bộ Tư pháp, Hà Nội 10/

3.2.1.1.Kiến nghị chung về khả năng xử lý, giải quyết sự khác biệt giữa Luật Thương mại Việt Nam với các chế định của WTO

Luật Thương mại Việt Nam với các chế định của WTO

Sự khác biệt giữa các quy định của Luật Thương mại Việt Nam với các chế định của WTO nói chung và chế định thương mại hàng hoá nói riêng là đã rõ ràng như đã trình bày ở Chương II khoá luận. Theo các chuyên gia của Việt Nam về lĩnh vực này là có nhiều khả năng xử lý, giải quyết sự khác biệt. Vấn đề quan trọng là ở chỗ nhà làm luật chọn giải pháp nào, chọn xuất phát điểm lý luận nào để xử lý, giải quyết sự khác biệt đó. Có ba khả năng lớn được xem xét để kiến nghị như sau:

- Thứ nhất, khả năng tối đa - Quốc hội làm một Luật chung thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam với WTO. Luật này sẽ ban hành sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO và sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều luật, pháp lệnh khác không phù hợp với quy định mà Việt Nam cam kết với WTO thông qua Nghị định thư gia nhập WTO, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thương mại Việt Nam. Trong trường hợp như vậy, Luật Thương mại Việt Nam sẽ là luật nặng về tư pháp thương mại, chủ yếu điều chỉnh các quan hệ tư pháp thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định chủ yếu của Luật Thương mại vẫn được giữ lại, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình phát triển quan hệ kinh tế - xã hội của đất nước. Riêng về các vấn đề thuộc công pháp quốc tế về thương mại thì phải tuân theo nguyên tắc: Luật chung thực hiện các cam kết quốc tế nói trên là Lex generalis (Luật chơi chung) còn Luật Thương mại (sửa đổi, bổ sung) phải là Lex Specialis, là luật chuyên ngành. Quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành tuân theo các quy định của Luật ban hành Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

- Thứ hai, khả năng trung bình - Quốc hội làm các luật khác nhau để giải quyết từng cụm vấn đề của các cam kết quốc tế của Việt Nam theo lộ trình gia nhập WTO. Các luật này có thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh liên quan đến thương mại hàng hoá (hoặc liên quan đến một nhóm vấn đề hẹp hơn); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế… Trong trường hợp như vậy, việc sửa đổi, bổ sung

Luật Thương mại và quan hệ giữa Luật Thương mại (sửa đổi, bổ sung) với các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh sẽ vẫn được xử lý như trường hợp Quốc hội thông qua một luật chung thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với WTO như đã nêu trên.

- Thứ ba, khả năng tối thiểu - Quốc hội không chấp nhận hai khả năng nêu trên mà vẫn theo truyền thống làm luật “case by case”, tức là xem xét sửa đổi, bổ sung từng luật, pháp lệnh cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế. Trong trường hợp như vậy, khả năng tối ưu ở đây để xử lý, giải quyết sự khác biệt đã nêu của Luật Thương mại Việt Nam là đưa vào Luật Thương mại (sửa đổi, bổ sung) một chương mới, Chương Quan hệ thương mại quốc tế để điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước và các tổ chức quốc tế như kinh nghiệm đã có trong quá trình xây dựng và thông qua Bộ luật dân sự năm 1995 và Luật Hôn nhân và gia định năm 2000.

Dưới đây sẽ là phần trình bày kiến nghị cụ thể việc xây dựng Chương Quan hệ thương mại quốc tế để điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong Luật thương mại (sửa đổi, bổ sung).

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thương mại khi việt nam gia nhập wto (Trang 105 - 106)