Nguyên tắc tự do hoá thương mại của WTO không cho phép các nước sử dụng biện pháp cấm xuất khẩu hay cấm nhập khẩu vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến luồng lưu chuyển hàng hoá giữa các quốc gia với nhau, hạn chế sự phát triển của thương mại thế giới. Do đó, Điều XI GATT 1994 quy định: "Không một nước thành viên nào được sử dụng một biện pháp cấm hay hạn chế nào trừ thuế quan, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác nhằm vào việc nhập khẩu từ bất kỳ một nước thành viên khác" (Điều XI.1 - GATT 1994).
1.2.4.2. Hạn ngạch
Hạn ngạch là biện pháp hạn chế số lượng xuất, nhập khẩu. Có hai loại hạn ngạch:
- Hạn ngạch xuất khẩu (Export quotas): Hạn ngạch xuất khẩu là các hạn chế về giới hạn trần do nước xuất khẩu áp đặt cho tổng giá trị hoặc tổng khối lượng của một số sản phẩm nhất định. Hạn ngạch xuất khẩu được đặt ra để bảo vệ các nhà sản xuất và tiêu dùng trong nước khỏi sự thiếu hụt tạm thời của các sản phẩm và để cải thiện giá của các sản phẩm trên thị trường thế giới bằng việc thu hẹp nguồn cung cấp chúng.
- Hạn ngạch nhập khẩu (Import quotas): Hạn ngạch nhập khẩu là sự hạn chế trực tiếp về khối lượng hoặc giá trị nhập khẩu của những loại hàng hoá nhất định được phép mang từ nước ngoài vào trong một thời gian nhất định, thường là một năm. ở các nước phát triển, hạn ngạch nhập khẩu được áp dụng để bảo vệ nông nghiệp, ví dụ hạn ngạch nhập khẩu pho-mát, đường ở Mỹ và EU. Còn các quốc gia đang phát triển quy định hạn ngạch nhập khẩu để bảo vệ sản xuất nội địa, hỗ trợ sản xuất hàng thay thế nhập khẩu mà phần lớn là công nghệ chế tạo hay công nghiệp chế biến và để cân bằng cán cân thanh toán.
Việc quy định hạn ngạch hoàn toàn không có lợi cho tiêu dùng. Xã hội phải bỏ ra khoản chi phí cho việc bảo hộ sản xuất nội địa kém hiệu quả. Hạn ngạch cản trở tự do lưu thông hàng hoá trên thị trường thế giới. Vì vậy, Điều XI GATT 1994 quy định: "Không một nước thành viên nào được sử dụng một biện pháp cấm hay hạn chế nào trừ thuế quan, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác nhằm vào việc nhập khẩu từ bất kỳ một nước thành viên khác" (Điều XI.1 - GATT 1994).
Tuy vậy, WTO cũng vẫn cho phép được sử dụng hạn ngạch trong một số trường hợp ngoại lệ: đảm bảo an ninh lương thực (Điều XI.2.a); áp dụng các tiêu chuẩn hay quy chế về phân loại, xếp hạng, tiếp thị các sản phẩm trên thị trường quốc tế (Điều XI.2.b); triển khai các biện pháp của chính phủ được áp dụng đối với nông sản (Điều XI.2.c); bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán (Điều XII); và các ngoại lệ chung: để bảo vệ đạo đức xã hội; để bảo vệ cuộc sống của con người, động vật, thực vật; để bảo đảm sự tôn trọng pháp luật và các quy tắc không bất cập với các quy định của GATT; để bảo vệ di sản quốc gia có giá trị nghệ
thuật, lịch sử hay khảo cổ... (Điều XX) hay để bảo vệ các quyền lợi thiết yếu tới an ninh, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế (Điều XXI).
Các nước thành viên WTO sau khi đã viện dẫn đến các ngoại lệ nói trên, còn phải cam kết tránh gây tổn hại cho quyền lợi kinh tế của bất kỳ nước thành viên nào. Trong trường hợp các hạn ngạch được áp dụng với hàng nhập khẩu có tính chất kéo dài và có thể dẫn tới sự mất thăng bằng chung làm giảm khối lượng thương mại quốc tế thì vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận bởi tất cả các thành viên WTO.
Khi áp dụng hạn ngạch, các nước còn phải tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tức là việc hạn chế hàng xuất, nhập khẩu phải được áp dụng cho những mặt hàng tương tự xuất khẩu đi hoặc nhập khẩu từ tất cả các nước thành viên WTO (Điều XIII.1).
Điều XIII.2 còn quy định khi áp dụng hạn ngạch nhập khẩu với một sản phẩm, các nước sẽ cố gắng đạt đến sự phân bổ sản phẩm đó gần sát nhất với thực trạng thương mại khi không có hạn ngạch, theo các quy định sau:
- Khi có thể tiến hành được, phải xác định và công bố tổng hạn ngạch cho phép nhập khẩu cũng như công bố mọi thay đổi liên quan.
- Khi không thể xác định được tổng hạn ngạch, các hạn chế về số lượng có thể được áp dụng bằng giấy phép nhập khẩu không hạn ngạch để thay thế.
- Khi hạn ngạch được phân bổ giữa các nước xuất khẩu, nước áp dụng hạn ngạch có thể thoả thuận với các nước có quyền lợi đáng kể trong việc các sản phẩm đó về mức phân bổ.