Khái niệm luật hình sự Việt Nam

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 21 - 24)

Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1.1. Khái niệm luật hình sự Việt Nam

Để giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa tránh khỏi việc xâm hại bởi tội phạm, Nhà nước ta đã thực hiện nhiệm vụ này có hiệu quả, bằng việc ban hành các quy phạm quy định về tội phạm và hình phạt, làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Các quy phạm pháp luật hình sự tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau, với nhiều chế định tạo thành một ngành luật - đó là ngành luật hình sự. Vì vậy, luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy.

Luật hình sự được hợp thành bởi các quy phạm pháp luật hình sự, là loại quy phạm được nhận biết bởi ba đặc điểm như sau:

- Về nội dung: Quy phạm pháp luật hình sự là loại quy phạm quy định về tội phạm là hành vi và hình phạt.

- Về hình thức của văn bản pháp luật hình sự: Quy phạm pháp luật

hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự, nghị quyết và thông tư của ngành hoặc liên ngành của các cơ quan có thẩm quyền.

- Về cơ quan có thẩm quyền ban hành: Quy phạm pháp luật hình sự do Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống khoa học pháp lý, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh hoàn toàn độc lập so với các ngành luật khác. Cụ thể:

- Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự

Luật hình sự có chức năng bảo vệ các quan hệ quan trọng trong xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của con người khỏi sự xâm hại của tội phạm. Giáo dục mọi người thái độ tôn trọng pháp luật, không khoan nhượng với những người thực hiện hành vi phạm tội. Luật hình sự thực hiện chức năng này bằng cách quy định những hành vi nào nguy hiểm cho xã hội là tội phạm và hình phạt đối với người thực hiện tội phạm ấy. Trên cơ sở đó, luật hình sự thực hiện chức năng điều chỉnh mối quan hệ xã hội đặc biệt phát sinh giữa Nhà nước với người phạm tội do có việc thực hiện tội phạm - được gọi là đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, đó cũng chính là các quan hệ pháp luật hình sự. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm.

Thời điểm bắt đầu xuất hiện quan hệ pháp luật hình sự là thời điểm người phạm tội bắt đầu thực hiện tội phạm và quan hệ pháp luật này chấm dứt khi người phạm tội được xoá án tích. Trong cả quá trình này xuất hiện đồng thời cả quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, quan hệ pháp luật dân sự... Tuy nhiên, quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, đa số trường hợp bắt đầu xuất hiện khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can.

Trong quan hệ pháp luật hình sự luôn có hai chủ thể với những vị trí pháp lý khác nhau là Nhà nước và người phạm tội.

- Chủ thể là Nhà nước: Chính vì sự tồn tại ít nhất đồng thời hai quan hệ pháp luật song song là quan hệ pháp luật hình sự và quan hệ pháp luật tố tụng hình sự trong cả quá trình giải quyết vụ án hình sự mà đã có nhiều người nhầm tưởng cho rằng, chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự là các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện chức năng khởi tố, truy tố và xét xử để cáo buộc người phạm tội. Song, về bản chất đây là quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, các chủ thể đại diện cho quyền lực nhà nước là các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án xuất hiện trong quan hệ pháp luật tố tụng này chỉ với tư cách là chủ thể thi hành Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, chủ thể một bên trong quan hệ pháp luật hình sự là nhà nước xuất hiện cũng với tư cách là người có quyền truy tố, xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những biện pháp trách nhiệm hình sự nhất định để bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Song, trong quan hệ pháp luật hình sự, nhà nước thực hiện quyền này bằng cách thể hiện ý chí, quan điểm, thái độ của mình thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật và quy định trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể, nhà nước ở đây là Quốc hội đại diện cho toàn thể nhân dân, đứng trên lợi ích của toàn xã hội, toàn quyền quyết định một hành vi nào là tội phạm, là tội phạm gì, mức độ nghiêm trọng của tội phạm đó như thế nào, các mức chế tài dự kiến áp dụng ra sao để quy định trong Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm sự tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định những biện pháp xử lý tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

- Chủ thể là người phạm tội (trong toàn bộ cuốn Giáo trình này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “người phạm tội” được hiểu bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại): Với tư cách là một bên chủ thể trong

quan hệ pháp luật hình sự, người phạm tội có trách nhiệm chấp hành, tuân thủ các phán quyết và biện pháp cưỡng chế mà nhà nước áp dụng đối với mình trên cơ sở quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, họ có quyền yêu cầu nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.

- Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự

Phương pháp điều chỉnh của pháp luật là phương thức, cách thức mà pháp luật tác động đến các quan hệ xã hội - là đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Do đối tượng điều chỉnh của luật hình sự mang tính đặc thù thể hiện ở chỗ, đó là quan hệ xã hội phát sinh giữa nhà nước với người phạm tội do có hành vi thực hiện tội phạm, nên phương pháp điều chỉnh của nó cũng mang tính đặc thù là phương pháp “quyền uy”.

Xuất phát từ chức năng điều chỉnh và địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này, luật hình sự sử dụng phương pháp quyền uy - phương pháp sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ pháp luật hình sự. Tức là nhà nước toàn quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người phạm tội mà không bị cản trở, chi phối hay phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Người phạm tội phải phục tùng những biện pháp mà nhà nước đã áp dụng với họ. Trách nhiệm của người phạm tội về tội phạm mà họ đã gây ra là trách nhiệm đối với nhà nước chứ không phải trách nhiệm đối với người bị hại hay trách nhiệm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, đó là trách nhiệm cá nhân do chính người phạm tội gánh chịu một cách trực tiếp mà không thể chuyển hay ủy thác cho bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào khác.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)