Chương 4 KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM
3. ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG CỦA TỘI PHẠM
Người phạm tội khi thực hiện hành vi, luôn tác động lên những đối tượng cụ thể và thông qua việc tác động này tội phạm đã xâm phạm đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: A muốn giết B thì phải tác động lên cơ thể, con người đang sống của B và B chính là đối tượng tác động của tội phạm.
Đối tượng tác động của tội phạm được hiểu là một bộ phận khách thể của tội phạm mà khi tác động lên nó, người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Khách thể của tội phạm chính là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, các bộ phận hợp thành khách thể của tội phạm cũng chính là các bộ phận hợp thành của các quan hệ xã hội. Các bộ phận hợp thành của quan hệ xã hội đó là: con người là chủ thể của quan hệ xã hội; các đối tượng vật chất là lợi ích mà các chủ thể hướng tới là khách thể của quan hệ xã hội; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là một trong ba bộ phận trên của khách thể của tội phạm.
Việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa quan trọng. Vì trong các vụ án hình sự, cơ sở để xác định mức độ thiệt hại mà tội phạm gây ra phải dựa vào mức độ làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, qua đó thấy được mức độ nguy hiểm của tội phạm gây ra đối với các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Ngoài ra, trong nhiều tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm còn đóng vai trò là dấu hiệu định tội. Ví dụ: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
3.2. Các loại đối tượng tác động của tội phạm
Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các biểu hiện như sau:
- Con người với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Trong tội giết người, người thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc tác động vào con người (một thực thể tự nhiên đang tồn tại), đã xâm phạm đến tính mạng - quyền sống của con người được luật hình sự bảo vệ.
- Các đối tượng vật chất với ý nghĩa là khách thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Ở các tội xâm phạm sở hữu, để xâm phạm quyền sở hữu, người phạm tội phải tác động vào tài sản (đối tượng vật chất).
- Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Tội đưa hối lộ, người phạm tội khi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan nhà nước thì phải tác động đến quyền và nghĩa vụ của chủ thể có chức vụ, quyền hạn.
Tùy vào từng tội phạm cụ thể, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chỉ tác động đến một loại đối tượng, cũng có thể tác động đến nhiều loại đối tượng khác nhau.
CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP
Câu 1. Phân biệt khách thể của tội phạm và đối tượng tác động của tội phạm. Cho ví dụ minh họa?
Câu 2. Anh/chị hãy nhận xét về khẳng định sau: “Một tội phạm nếu trên thực tế đã làm cho đối tượng tác động của tội phạm tốt hơn so với tình trạng ban đầu thì không bị coi là gây thiệt hại cho quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm hình sự”?
Câu 3. Hãy xác định đối tượng tác động của tội phạm và khách thể trực tiếp của tội phạm trong các trường hợp sau:
a. Vì mâu thuẫn với nhau nên A đã dùng gậy đánh vào người B, làm B bị thương tích 30%. A bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
b. Vì muốn chiếm đoạt tài sản, A đã giật túi xách của B trị giá 10 triệu đồng. A bị truy cứu về tội cướp giật tài sản.
c. A điều khiển ô tô chạy quá tốc độ, đâm vào xe máy của B làm B chết, xe của B hư hỏng nặng. A bị truy cứu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Chương 5