Phân loại tội phạm

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 70 - 77)

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Cách phân loại tội phạm trên đây giống như cách phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 diễn đạt dấu hiệu mức cao nhất của khung hình phạt cụ thể, rõ ràng hơn qua việc thể hiện cả mức cao nhất tối thiểu và mức cao nhất tối đa. Ngoài ra, trong khi phân loại, Bộ luật Hình sự năm 2015 sử dụng thống nhất dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội” cho tội phạm nói chung cũng như của từng loại tội phạm và chỉ bổ sung tính từ xác định mức độ của tính “nguy hiểm cho xã hội” ở mỗi loại tội phạm (không lớn, lớn, rất lớn và đặc biệt lớn) để thay thế cho cụm từ “gây nguy hại cho xã hội” mà Bộ luật Hình sự năm 1999 sử dụng khi phân loại tội phạm.

Tội phạm đều có chung các dấu hiệu đó là: phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự và do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Nhưng đối với mỗi tội phạm cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Do sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự được đặt ra và được coi là nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam. Trước hết đòi hỏi phải có sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và sự phân hóa này là cơ sở để có thể cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng. Thể hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục phân tội phạm thành bốn nhóm tội phạm khác nhau: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sự phân hóa thành bốn nhóm tội phạm như vậy vừa là biểu hiện cơ bản của sự phân hóa trách nhiệm hình sự, vừa là cơ sở thống nhất cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong Bộ

luật Hình sự. Sự phân hóa này là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong ngành luật khác có liên quan quy định thể hiện sự phân hóa trong phòng, chống các loại tội phạm khác nhau. Đó là những căn cứ pháp lý thống nhất để các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi áp dụng luật hình sự.

Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, căn cứ phân loại tội phạm là “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”. Đó chính là mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, Điều 9 phân chia tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thành bốn mức khác nhau và mỗi mức tương ứng với một loại (nhóm) tội phạm. Các loại tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về nội dung và dấu hiệu về hậu quả pháp lý. Nếu như tội phạm nói chung có dấu hiệu về nội dung là tính nguy hiểm cho xã hội và dấu hiệu về hậu quả pháp lý là tính phải chịu hình phạt thì các loại (nhóm) tội phạm cũng có những dấu hiệu đó, vì đều là tội phạm nhưng với những nội dung cụ thể khác nhau. Mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hóa là: không lớn (tội phạm ít nghiêm trọng); lớn (tội phạm nghiêm trọng); rất lớn (tội phạm rất nghiêm trọng); và đặc biệt lớn (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội đã được phân hóa như vậy có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt: phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm; phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm; và phạt tù trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong hai dấu hiệu phân biệt các loại (nhóm) tội phạm này với nhau, dấu hiệu về nội dung quyết định dấu hiệu về hậu quả pháp lý.

Sự xác định dấu hiệu về hậu quả pháp lý thể hiện ở mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là kết quả đánh giá của cơ quan xây dựng luật về sự cần thiết phải áp dụng các mức hình phạt khác nhau đối với những

hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Nhưng khi đã được xác định, khung hình phạt trở thành dấu hiệu có tính độc lập tương đối để phân biệt các loại tội phạm với nhau, không phụ thuộc vào mức hình phạt cụ thể được áp dụng.

Trong 02 dấu hiệu phân biệt giữa các loại tội phạm, dấu hiệu thứ nhất là tiêu chí để cơ quan xây dựng luật xem xét khi quy định các khung hình phạt và do vậy, dấu hiệu này có ý nghĩa đối với hoạt động lập pháp. Trong khi đó, dấu hiệu thứ hai là dấu hiệu để người áp dụng xác định tội phạm thuộc khung hình phạt được áp dụng là loại tội phạm gì theo phân loại tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 và do vậy, dấu hiệu này có ý nghĩa đối với hoạt động áp dụng pháp luật. Đối với chủ thể áp dụng pháp luật hình sự thì phân loại tội phạm được hiểu là đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng là đến ba năm tù. Đối với các tội phạm nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù. Các tội phạm rất nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù và các tội đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Nội hàm của khái niệm phân loại tội phạm của Bộ luật Hình sự cho thấy cơ sở để xác định chúng thuộc loại tội phạm nào thực tế chỉ cần dựa vào mức cao nhất tại từng khung hình phạt của mỗi điều luật phần các tội phạm cụ thể đối với mỗi tội danh mà không thể xác định được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của mỗi loại tội phạm như thế nào là chưa lớn, lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Do đó có thể kết luận:

Thứ nhất, đối với một khung hình phạt của một tội phạm thì hoặc chỉ là tội ít nghiêm trọng, hoặc tội nghiêm trọng, hoặc tội rất nghiêm trọng, hoặc là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, đối với một tội phạm nếu chỉ có một khung hình phạt thì loại tội đó chỉ có thể là một trong bốn loại tội. Nếu có từ hai khung

hình phạt trở lên thì tội đó có thể vừa là tội ít nghiêm trọng, vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội rất nghiêm trọng và có thể vừa là tội đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173) Bộ luật Hình sự năm 2015).

Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa trong việc hoàn thiện và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự như: chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự; nguyên tắc xử lý người phạm tội; chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp; chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xoá án tích; chế định tạm giam, thời hạn tạm giam. Chỉ có thể áp dụng được các chế định này khi thực hiện đúng và chính xác quy định về việc phân loại tội phạm. Ví dụ: khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…”.

Khoản 2 Điều 9 quy định: Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Đây là khoản được bổ sung năm 2017 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc bổ sung này xuất phát từ quan niệm cho rằng có tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện nên phải có các quy định cho tội phạm này tương ứng với các quy định đối với tội phạm do cá nhân thực hiện. Theo đó, cần phải có quy định về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện bên cạnh quy định về phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện.

Khoản 2 tuy đưa ra nhiều thông tin về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện nhưng các thông tin này trùng nhau, trong đó dấu hiệu “theo quy định tại khoản 1 Điều này” đã

bao trùm các dấu hiệu còn lại nên không đưa ra được cách phân loại tội phạm riêng của pháp nhân thương mại phạm tội như mục đích được đặt ra mà coi cách phân loại tội phạm tại khoản 1 được áp dụng chung cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại... Với việc bổ sung khoản 2 Điều 9, Bộ luật Hình sự vẫn chỉ có một cách phân loại tội phạm như đã được quy định. Việc bổ sung chỉ mang tính hình thức, không mang lại sự thay đổi về nội dung... Khoản 2 có nội dung là phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội, trong khi đó, khoản 1 không xác định là phân loại tội phạm đối với cá nhân mà chỉ xác định là phân loại tội phạm. Theo đó, khoản 1 đã bao hàm cả trường hợp được nói tại khoản 2. Do vậy, khoản 2 mới được bổ sung không đảm bảo tính logic. Khoản 2 chỉ có tính logic khi khoản 1 quy định về phân loại tội phạm đối với người phạm tội. Hay nói cách khác, khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về việc phân loại tội phạm đối với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội chỉ có thể vận dụng, đánh giá, áp dụng được với tiêu chí thứ nhất nêu trên, tương đồng với việc phân loại tội phạm áp dụng đối với cá nhân phạm tội: đó là, căn cứ vào nội dung chính trị xã hội - chính là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm phân chia với bốn mức độ là chưa lớn, lớn, rất lớn, đặc biệt lớn. Song ở tiêu chí thứ hai nêu trên, đó là, căn cứ vào hậu quả pháp lý - biểu hiện của nó là mức độ và loại hình phạt, lại không thể chuyển tiếp quy định áp dụng cho cá nhân phạm tội (khoản 1 Điều 9) đối với khoản 2 Điều 9 áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội. Vì các chế tài áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội hoàn toàn khác với chế tài áp dụng đối với cá nhân phạm tội.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Phân tích các đặc điểm của tội phạm. Từ đó hãy cho biết ý nghĩa của khái niệm tội phạm?

Câu 2. Căn cứ vào quy định của việc phân loại tội phạm theo Điều 9, cho biết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội nào?

Câu 3. Có quan điểm cho rằng: “Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện H tuyên phạt 04 năm tù về tội đánh bạc tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, do đó 04 năm tù được tuyên trong bản án là căn cứ cho rằng A phạm tội nghiêm trọng”. Anh (chị) bình luận quan điểm trên?

Chương 3

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)