Chương 8 CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN TỘI PHẠM
3. PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
3.1. Khái niệm phạm tội chưa đạt
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phạm tội
chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Phạm tội chưa đạt chỉ đặt ra với các trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp và có các đặc điểm sau:
- Về thời điểm: người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc hành vi liền trước hành vi khách quan nhưng hành vi của người phạm tội dừng lại khi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm.
- Về nguyên nhân dừng lại việc phạm tội: hành vi phạm tội phải dừng lại là do nguyên nhân khách quan, tức ngoài ý muốn của người phạm tội, còn về ý thức người phạm tội vẫn muốn phạm tội đến cùng.
3.2. Các đặc điểm của phạm tội chưa đạt
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, phạm tội chưa đạt là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý trực tiếp, đồng thời là trường hợp một người đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng không thực hiện được hành vi đó đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó.
Hành vi thực hiện tội phạm được coi là phạm tội chưa đạt khi có những đặc điểm sau đây:
Một là, người phạm tội đã bắt tay thực hiện hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm.
Hai là, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng.
Ba là, nguyên nhân của việc không thực hiện tội phạm đến cùng là những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.
Những nguyên nhân này là khách quan, nếu việc không thực hiện tội phạm đến cùng là do nguyên nhân chủ quan của người phạm tội thì có thể được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
3.3. Các dạng thể hiện của hành vi phạm tội chưa đạt
Dạng thứ nhất: người phạm tội chưa thực hiện hành vi khách quan nhưng đã bắt đầu thực hiện hành vi chủ quan. Ví dụ: nhặt dao (để đâm), lắp đạn (để bắn) trong trường hợp phạm tội giết người.
Dạng thứ hai: chủ thể đã thực hiện hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết các hành vi khách quan được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Ví dụ: đã thực hiện được hành vi dùng vũ lực, xô ngã nạn nhân, xé quần áo, nhưng chưa thực hiện được hành vi giao cấu.
Dạng thứ ba: chủ thể đã thực hiện hết các hành vi khách quan nhưng hậu quả chưa xảy ra, trường hợp này chỉ xảy ra đối với loại tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Ví dụ: khi vừa thực hiện hành vi phá khoá xong 1 xe máy Honda SH trị giá 67 triệu đồng để trộm cắp thì người phạm tội bị phát hiện và bị bắt giữ.
3.4. Phân loại các trường hợp phạm tội chưa đạt
Trong khoa học pháp lý hình sự thì căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi mà họ thực hiện, phân chia phạm tội chưa đạt thành hai loại: chưa đạt chưa hoàn thành và chưa đạt đã hoàn thành.
Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi). Ví dụ: A đã dùng vũ lực, xô ngã và khống chế nạn nhân để chuẩn bị thực hiện hành vi quan hệ tình dục, nhưng do B la hét lớn, nên có người khác nghe được đã đến cứu B kịp thời. Vì vậy khi A chưa kịp thực hiện hành vi quan hệ tình dục thì đã bị người khác bắt giữ và B được cứu thoát.
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng
vì nguyên nhân khách quan, hậu quả đó đã không xảy ra (đã hoàn thành về hành vi, chưa đạt về hậu quả). Ví dụ: A muốn giết B nên đã lấy thuốc ngủ, thuốc an thần rồi hòa với rượu để đầu độc nhằm cho B chết. Tuy nhiên, mặc dù đã để B uống thành công nhưng do sau khi uống được người thân phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu nên B đã được cứu sống.