Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.2. Khoa học luật hình sự Việt Nam
Khoa học luật hình sự là một bộ phận hợp thành của khoa học pháp lý, thuộc nhóm ngành khoa học xã hội. Khoa học luật hình sự được hiểu là hệ thống các tư tưởng và quan điểm pháp lý hình sự.
Đối tượng nghiên cứu cơ bản của khoa học luật hình sự Việt Nam
là tội phạm và hình phạt với tính cách là những hiện tượng pháp lý - xã hội và những chế định pháp lý hình sự khác liên quan đến tội phạm và hình phạt; cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Xuất phát từ bản chất, vai trò và nhiệm vụ của pháp luật hình sự, khoa học luật hình sự Việt Nam nghiên cứu các nguyên tắc đặc trưng của luật hình sự và đưa ra các phương thức thực hiện các nguyên tắc đó trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự.
Khoa học luật hình sự Việt Nam nghiên cứu Bộ luật Hình sự qua các giai đoạn, tính quyết định xã hội và hiệu quả xã hội của nó, các quy luật và khuynh hướng phát triển của pháp luật hình sự nước ta, những vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự. Việc nghiên cứu và tổng kết thực tiễn áp dụng các chế định và quy phạm pháp luật hình sự, việc nghiên cứu lịch sử phát triển của các chế định và quy phạm đó là tiền đề quan trọng đối với việc giải quyết đúng đắn những vấn đề nêu trên.
Khoa học luật hình sự Việt Nam nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước trên thế giới với mục đích tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm và thành tựu trong hoạt động xây dựng pháp luật hình sự cũng như trong nghiên cứu khoa học của các nước, đặc biệt là những nước có sự tương đồng về chính trị, văn hóa.
Khoa học luật hình sự Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt khoa học khác có chức năng nghiên cứu những vấn đề đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Chẳng hạn, với các khoa học như:
pháp luật tố tụng hình sự, tội phạm học, thống kê hình sự, điều tra hình sự, tâm lý tư pháp... Trong đó, quan hệ pháp luật hình sự với quan hệ pháp luật tố tụng hình sự là khăng khít nhất, vì quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phải luôn dựa trên quan hệ pháp luật hình sự1.
Khoa học luật hình sự cũng có chung nhiệm vụ với các ngành
1 Tham khảo thêm: Nguyễn Ngọc Kiện (2017), Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
khoa học khác thuộc tư pháp hình sự là đấu tranh với tình hình tội phạm, nhưng khoa học luật hình sự cũng có sự khác nhau cơ bản với các khoa học đó về đối tượng và phương pháp phân tích khoa học.
Chẳng hạn, luật hình sự nghiên cứu các cấu thành tội phạm cụ thể cả từ góc độ luật thực định đến thực tiễn áp dụng; từ việc điều chỉnh của quy phạm pháp luật hình sự đối với các sự việc phạm tội xảy ra trong đời sống xã hội. Nói cách khác, về cơ bản, luật hình sự nghiên cứu các quy phạm pháp luật hình sự thuộc phạm trù luật nội dung về tội phạm và hình phạt. Trong khi đó, khoa học luật tố tụng hình sự nghiên cứu về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự với tính cách là luật hình thức về tội phạm và hình phạt. Còn tội phạm học không nghiên cứu các quy phạm pháp luật hình sự ở sự thể hiện xã hội - pháp lý của chúng, mà có đối tượng nghiên cứu là tình hình tội phạm như một hiện tượng xã hội nói chung, nghiên cứu các nguyên nhân của nó, soạn thảo các biện pháp phòng ngừa và khắc phục tình hình tội phạm. Đương nhiên, khi nghiên cứu tính quyết định xã hội và hiệu quả xã hội của toàn bộ hệ thống phòng ngừa tình hình tội phạm, tội phạm học nghiên cứu cả các quy phạm pháp luật hình sự nhưng chỉ ở một khía cạnh là tội phạm học làm sáng tỏ việc áp dụng (hoặc không áp dụng) các quy phạm đó đóng vai trò như thế nào trong toàn bộ hệ thống phòng ngừa tình hình tội phạm. Luật hình sự sử dụng các số liệu của xã hội học để làm căn cứ rút ra những kết luận về vấn đề đó để hoàn thiện pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, khoa học luật hình sự khi nghiên cứu các quy phạm pháp luật hình sự về cơ bản sử dụng phương pháp logic, còn tội phạm học sử dụng các phương pháp xã hội học.
Trong các nghiên cứu của mình, khoa học luật hình sự dựa vào và sử dụng các số liệu của thống kê pháp lý mà cơ bản là thống kê hình sự. Đối tượng của thống kê hình sự là mặt về lượng hay các thông số về lượng của tình hình tội phạm, nguyên nhân, điều kiện và các biện pháp
đấu tranh với các tội phạm, các số liệu đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với khoa học luật hình sự. Dựa vào các số liệu này (chẳng hạn, các số liệu về việc áp dụng pháp luật hình sự hiện hành, về diễn biến của các tội phạm cụ thể...), khoa học luật hình sự có thể rút ra những kết luận có căn cứ về hiệu quả của các quy phạm pháp luật hình sự này hay các quy phạm pháp luật hình sự khác, về tính hợp lý (hoặc không hợp lý) của việc quy định chúng trong pháp luật và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
Khoa học luật hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với khoa học điều tra hình sự - khoa học về các biện pháp, phương pháp nghiệp vụ trong việc phát hiện, thu thập, ghi nhận và nghiên cứu các chứng cứ của tội phạm cũng như trong việc truy tìm, hỏi cung và nhận dạng người phạm tội. Mối liên hệ đó thể hiện ở chỗ, khoa học điều tra hình sự cũng như các khoa học khác (chẳng hạn giám định, giám định pháp y, tâm thần học, tâm lý tư pháp) có chung mục đích là phát hiện tội phạm, đưa ra bức tranh đầy đủ nhất về tất cả các tình tiết (khách quan và chủ quan) của việc thực hiện tội phạm. Các số liệu đã được các khoa học khái quát, tổng kết, chứng minh về các phương thức thực hiện tội phạm và nhân thân người phạm tội và những người có các dị tật về tâm lý được khoa học luật hình sự sử dụng để làm căn cứ đưa ra các kiến nghị đối với các việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và của nhân thân người phạm tội với mục đích giải quyết đúng đắn vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với người phạm tội.