NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
2. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
2.4. Tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết là một chế định được quy định trong Bộ luật Hình sự từ lâu, chế định này nhằm khuyến khích mọi công dân tham gia vào việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức hoặc của mình, của người khác trước những tình huống nguy hiểm có thể gây nguy hại cho các lợi ích cần bảo vệ. Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đều thừa nhận gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm, mặc dù có hành vi nguy hiểm và gây nguy hại cho xã hội, tuy nhiên, những lợi ích cần được bảo vệ lớn hơn so với thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra, do đó, người thực hiện được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015, tình thế cấp thiết được hiểu là: “tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.
2.4.2. Điều kiện của tình thế cấp thiết
Từ khái niệm, một người có hành vi gây nguy hại cho xã hội được coi là tình thế cấp thiết khi thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra trong tình thế cấp thiết phải ngay tức khắc và mang tính thực tế
Trong tình thế cấp thiết, con người được quyền hành động trước những nguy hiểm đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức
khắc. Nếu trong phòng vệ chính đáng, nguồn tấn công là do hành vi con người gây ra, thì trong tình thế cấp thiết, nguồn nguy hiểm có thể do con người hoặc do các nguồn khác như: thiên tai (bão lũ, động đất...), do sản xuất, kinh doanh (vận hành máy móc xảy ra sự cố, các thiết bị bảo hộ lao động bị hư hỏng...), do con vật... gây ra.
Trong tình thế cấp thiết, sự nguy hiểm phải đe dọa xảy ra ngay tức khắc, nếu nguồn nguy hiểm đó chưa xảy ra ngay hoặc đã kết thúc thì không được xem là tình thế cấp thiết. Ví dụ: A dùng thuyền của mình vận chuyển một lô hàng cho B, trị giá 30 triệu đồng, khi được tin sắp có bão, A đã vội vứt hết lô hàng này xuống biển, với mục đích cho tàu nhẹ để chạy nhanh tránh bão. Tình huống này của A không được xem là tình thế cấp thiết, vì sự nguy hiểm chưa đe dọa xảy ra ngay tức khắc.
Để xác định cơ sở phát sinh quyền hành động trong tình thế cấp thiết còn phải xét đến tính thực tế của nguy hiểm đang đe dọa xảy ra.
Tức là, nguồn nguy hiểm đó là phải có thật và gây ra sự đe dọa xảy ra ngay tức khắc đối với các lợi ích cần được bảo vệ, và tất nhiên, nếu không hành động để bảo vệ, tất yếu hậu quả sẽ xảy ra. Ngược lại, nếu sự nguy hiểm đó không chứa đựng khả năng gây ra hậu quả mà do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không phải là tình thế cấp thiết. Ví dụ:
Khi nghe tin bình ga mini nhà ông H nổ, B đã dùng máy xúc phá cổng và tường rào nhà của ông H, với ý định cho xe cứu hỏa vào nếu có hỏa hoạn xảy ra, tuy nhiên nhà ông H không bị sao cả, trong khi B đã gây thiệt hại với giá trị là 50 triệu đồng. Trường hợp này, không được xem là tình thế cấp thiết, vì thực tế nguồn nguy hiểm chưa xảy ra ngay mà chỉ có khả năng xảy ra.
Như vậy, để phát sinh quyền hành động trong tình thế cấp thiết phải đảm bảo hai yếu tố đó là sự nguy hiểm đang đe dọa xảy ra phải ngay tức khắc và mang tính thực tế. Hai yếu tố này thể hiện tính cần thiết và khách quan phải hành động để bảo vệ lợi ích lớn hơn bị đe dọa gây thiệt hại.
Thứ hai, hành động gây ra thiệt hại nhằm tránh thiệt hại khác trong tình thế cấp thiết là sự lựa chọn duy nhất
Trong tình thế cấp thiết, lợi ích gây thiệt hại và lợi ích cần bảo vệ đều là những lợi ích hợp pháp. Do đó, khi không còn cách nào khác, buộc phải hành động và gây ra thiệt hại để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn thì mới thỏa mãn tình thế cấp thiết. Quy định này yêu cầu các chủ thể khi đứng trước một tình huống thực tế, đe dọa gây thiệt hại cho những lợi ích, cần phải cân nhắc, suy xét giữa lợi ích cần được bảo vệ và lợi ích buộc phải gây thiệt hại thì lợi ích nào lớn hơn. Từ đó, mới lựa chọn cách hành động phù hợp, tránh trường hợp hành động tùy tiện, thiếu suy nghĩ và gây ra những thiệt hại không đáng, khi vẫn còn những sự lựa chọn khác ít gây thiệt hại hơn. Đây là điểm khác so với phòng vệ chính đáng, trong phòng vệ chính đáng, việc hành động và gây thiệt hại không nhất thiết phải là sự lựa chọn cuối cùng1, vì phòng vệ chính đáng là trường hợp chống trả lại hành vi tấn công (phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác) để bảo vệ những lợi ích hợp pháp, nên cần thiết trong mọi trường hợp.
Trong thực tế, khi đứng trước hoàn cảnh cấp bách, việc xem xét để đánh giá sự lựa chọn hành động phù hợp không phải là chuyện dễ dàng, bởi vì, không phải trong mọi trường hợp ai cũng bình tĩnh, có nhiều thời gian để suy xét, vì vậy, khi đánh giá hành vi gây thiệt hại có thuộc trường hợp tình thế cấp thiết hay không và có phải là sự lựa chọn duy nhất chưa, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Ví dụ: A lái xe khách, chở 20 người, đang lúc đổ đèo, qua khúc cua thì bất ngờ B đi ngang qua đường, trong khi đó một bên là vực thẳm và một bên là vách núi đá, A buộc phải tông vào B, hậu quả B chết. Khi đánh giá về tình huống này, rõ ràng cả hai lợi ích đều rất quan trọng đó là tính mạng con người, tuy nhiên, nếu A không tông vào B
1 Ngoại trừ trường hợp phòng vệ đối với người dưới 16 tuổi hoặc người không có năng lực trách nhiệm hình sự.
thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều khi xe khách rơi xuống vực thẳm hoặc tông vào vách đá, nên sự lựa chọn tông vào B là sự lựa chọn duy nhất, được xem là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.
Thứ ba, thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn Việc đánh giá, xem xét và so sánh mức độ thiệt hại trong tình thế cấp thiết giữa lợi ích đã bị gây thiệt hại và lợi ích bị đe dọa gây thiệt hại là một việc không dễ dàng, bởi thiệt hại đã gây ra là thiệt hại hiện hữu, xác định được, còn thiệt hại đe dọa xảy ra chỉ mang tính chất khả năng sẽ xảy ra hoặc tất yếu xảy ra, chưa được hình thành trên thực tế. Đòi hỏi, khi hành động trong tình thế cấp thiết phải so sánh được thiệt hại xảy ra với đe dọa xảy ra, để hành động và gây thiệt hại phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, để tránh trường hợp một người đứng trước tình thế cấp thiết phải e dè, lo sợ và mặc cảm khi hành động trước tình huống cấp thiết, điều luật quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi thiệt hại gây ra “rõ ràng” là vượt quá1, quy định này phần nào giảm bớt sự khắt khe khi đánh giá và so sánh các thiệt hại.
Trong phòng vệ chính đáng, cho phép thiệt hại mà hành vi chống trả hành vi tấn công xâm hại gây ra có thể nhỏ hơn hoặc bằng thì vẫn được xem là phòng vệ chính đáng, điều này hoàn toàn phù hợp vì việc hành động trong phòng vệ chính đáng là hành động chống lại cái tiêu cực bất hợp pháp, khác với các lợi ích trong tình thế cấp thiết đều là hợp pháp.
Thiệt hại bị gây ra trong tình thế cấp thiết chủ yếu là thiệt hại về tài sản, trừ một số trường hợp đặc biệt mới xét đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người. Điều này khác với thiệt hại bị gây ra trong phòng vệ chính đáng chỉ đánh giá thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe người khác.
1 Khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2.4.3. Vượt quá yêu cầu trong tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết cũng giống như phòng vệ chính đáng, nếu thiệt hại gây hại nhưng phù hợp với yêu cầu của Nhà nước và xã hội thì không bị xem là tội phạm, nhưng nếu vượt quá yêu cầu của sự cần thiết thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này thể hiện yêu cầu của Nhà nước, của xã hội đối với hành động gây nguy hại cho các lợi ích trong những tình huống cụ thể, mà sự gây nguy hại đó là không cần thiết và vượt quá yêu cầu đã được luật quy định.
Theo khoản 1 của điều luật này thì, chỉ được xem là tình thế cấp thiết khi thiệt hại gây ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa, như vậy trong trường này, thiệt hại gây ra đã lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa, do đó không được xét là tình thế cấp thiết, và người hành động gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: A điều khiển xe tải đang đổ dốc, bất ngờ có con trâu đi ngang đường, vì sợ làm con trâu chết nên A đã điều khiển xe tải của mình đâm vào một nhà dân bên đường, dẫn đến làm B (chủ nhà) bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ 70%, nhà của B hư hỏng nặng, trị giá thiệt hại là 100 triệu đồng. Trong tình huống này, cơ quan chức năng đánh giá, nếu B điều khiển phương tiện chạy bình thường thì sẽ tông vào con trâu, tuy nhiên, sẽ không ảnh hưởng đến xe tải và tính mạng, sức khỏe của A, mà hậu quả nếu có xảy ra thì chỉ làm con trâu chết, thiệt hại trong khoảng từ 8 - 10 triệu đồng.
Như vậy, việc đánh giá, xem xét và lựa chọn hành vi hành động của A trong hoàn cảnh này là không cần thiết và đã gây thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Sự so sánh hai thiệt hại trong tình thế cấp thiết là một quá trình đánh giá phức tạp của ý thức chủ quan với hiện thực khách quan, không phải ai cũng đưa ra được sự lựa chọn hành động phù hợp. Do đó, nhà làm luật quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình trong trường
hợp “thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.
Quy định này tạo cho chủ thể thực hiện hành vi sự thoải mái và tin tưởng vào hành động của mình để tự tin thực hiện nhằm bảo vệ những lợi ích lớn hơn trong tình thế cấp thiết, mặt khác giúp cơ quan chức năng dễ đánh giá hơn khi xem xét giữa hai thiệt hại này.
Trách nhiệm hình sự trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết khác với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo đó, Bộ luật Hình sự quy định tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể là tình tiết định tội, định khung hoặc là tình tiết giảm nhẹ, trong khi đó, tình tiết vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết chỉ được quy định làm tình tiết giảm nhẹ tại điểm d khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, một người khi hành động gây thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng, tuy nhiên người phạm tội sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm d khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.