- Đồng phạm có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm trong đó giữa những người đồng phạm đã có sự thỏa thuận, bàn bạc trước về tội phạm cùng thực hiện.
- Đồng phạm không có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm trong đó giữa những người đồng phạm không có sự thỏa thuận, bàn bạc trước về tội phạm cùng thực hiện.
3.2. Phân loại theo dấu hiệu khách quan
- Đồng phạm giản đơn: là hình thức phạm tội không có sự thông mưu trước của những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là hình thức đồng phạm trong đó những người cùng tham gia vào vụ đồng phạm đều với vai trò là người thực hành.
- Đồng phạm phức tạp: là hình thức phạm tội có sự thông mưu trước của những người cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm, và nó thường có các dấu hiệu đặc trưng riêng như sau: một là, có sự thỏa thuận, bàn bạc; hai là, có sự cố ý cùng liên kết về mặt ý thức của những người đồng phạm khi thỏa thuận, bàn bạc kế hoạch phạm tội và phân công vai trò đã tạo nên mối quan hệ tương đối chặt chẽ và tương đối bền vững (mặc dù chưa đạt đến mức độ như trong phạm tội có tổ chức)1. Hình thức đồng phạm này có thể có một hoặc một số người là người thực hành, còn lại những người khác với vai trò là người tổ chức hoặc người xúi giục hoặc người giúp sức.
- Phạm tội có tổ chức: là hình thức đồng phạm đặc biệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự). Sự câu kết chặt chẽ này trước hết thể hiện ở dấu hiệu khách quan, đó là trước khi phạm tội thường đã hình thành một tổ chức tội phạm với các quy mô khác nhau, có sự phân công vai trò tỉ mỉ và cụ thể. Hình thức đồng phạm này cũng thể hiện ở dấu hiệu chủ quan, đó là sự cố ý cùng liên kết về mặt ý thức của những người phạm tội có tổ chức, đã hình thành nên mối quan hệ và sự thống nhất hành động của họ chặt chẽ và bền vững2. Nó thể hiện được mức độ phân hóa vai trò, nhiệm vụ cụ thể về mặt khách quan của người đồng phạm.
1 Lê Cảm - Trịnh Quốc Toản, Định tội danh - Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2011, tr.93.
2 Lê Cảm, Chế định đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 2+3/1989, tr.20-23.
Về mặt khách quan, phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có phân công vai trò (đồng phạm phức tạp), có kế hoạch phạm tội chi tiết, rõ ràng hoặc tuy không có kế hoạch nhưng mỗi người đảm nhiệm một phần nhất định và chịu trách nhiệm đối với phần việc của mình.
Hay nói cách khác, trong phạm tội có tổ chức, mỗi người được giao một nhiệm vụ cụ thể và tất cả họ cùng nhau liên kết lại thực hiện tội phạm và che giấu tội phạm. Mỗi thành viên có thể là người tổ chức, người điều hành, người giúp sức hoặc người thực hành, họ giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng thực hiện tội phạm, tạo ra một sự thống nhất và tinh vi trong thực hiện tội phạm.
Về mặt chủ quan, phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có thông mưu trước nhưng ở mức độ cao. Giữa những người phạm tội đã thống nhất được với nhau từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, kể cả những biện pháp lẩn tránh pháp luật, tạo ra trong ý thức mỗi người một kế hoạch phạm tội có sự phối hợp nhịp nhàng của những người tham gia. Trên cơ sở đó, khi đã bắt tay vào thực hiện tội phạm, mỗi người đều tìm cách hỗ trợ người khác và phục vụ cho hoạt động của mình nhằm đạt được kết quả phạm tội như mong muốn. Đặc điểm này cho phép ta phân biệt phạm tội có tổ chức với hình thức đồng phạm có thông mưu trước.
Phạm tội có tổ chức thường thể hiện dưới các dạng sau:
- Những người đồng phạm đã tham gia tổ chức phạm tội như đảng phái, hội, băng, nhóm... có những tên chỉ huy, cầm đầu hoặc chỉ là sự tập hợp của những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội.
- Những người đồng phạm cùng nhau phạm tội nhiều lần theo kế hoạch đã thống nhất trước.
- Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm 01 lần nhưng đã thực hiện tội phạm theo một kế hoạch đã được tính toán kỹ càng,
chu đáo, có chuẩn bị phạm tội hoạt động và có khi còn chuẩn bị kế hoạch che giấu tội phạm.