Chương 8 CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN TỘI PHẠM
2. CHUẨN BỊ PHẠM TỘI
2.1. Khái niệm chuẩn bị phạm tội
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, khái niệm chuẩn bị phạm tội được hiểu là một bước trong quá trình thực hiện tội phạm, trong đó, người phạm tội tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cần lưu ý, so với Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 14
Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung hành vi “thành lập, tham gia nhóm tội phạm” (trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự năm 2015). Hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm thực chất cũng là hành vi tạo ra các điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, nhận thấy trên thực tiễn có nhiều trường hợp có các nhóm người câu kết với nhau với mục đích để thực hiện tội phạm mà chưa xác định rõ sẽ thực hiện tội phạm cụ thể nào, vì vậy, quá trình phát hiện và để xử lý thì cần phải căn cứ vào khung hình phạt (trong cấu thành tội phạm cơ bản hoặc tăng nặng) của điều luật quy định về một tội phạm cụ thể. Đây chính là một lỗ hổng pháp lý để tội phạm trốn tránh khỏi sự trừng phạt của nhà nước. Do đó, để có cơ sở ngăn chặn và xử lý tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm với mục đích để thực hiện tội phạm.
Đối với trường hợp thành lập, tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 không phải là chuẩn bị phạm tội là có lý do của nhà làm luật. Theo Điều 109 Bộ luật Hình sự quy định về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được coi là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm này. Chỉ cần xác định việc thành lập hoặc tham gia tổ chức với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là tội phạm đã hoàn thành của loại cấu thành tội phạm hình thức. Tương tự như vậy, đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113 (hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và điểm a khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự (hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố) cũng là hành vi khách quan của cấu thành tăng nặng thuộc
loại cấu thành tội phạm hình thức, vì vậy, tội phạm được hoàn thành khi chủ thể thực hiện xong các hành vi này.
2.2. Đặc điểm của chuẩn bị phạm tội
Ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa thực hiện hành vi khách quan được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động. Hành vi được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thường là hành vi tạo ra các điều kiện về vật chất hoặc tinh thần để thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội có các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, thời điểm sớm nhất của chuẩn bị phạm tội là khi ý định phạm tội đã được biểu hiện ra bên ngoài, tồn tại dưới dạng “hành vi”, thông qua việc người phạm tội bắt đầu có các hành vi tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm. Các hành vi chuẩn bị phạm tội là các hành vi liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện tội phạm như: tìm kiếm công cụ, phương tiện phạm tội; nghiên cứu, xem xét địa hình nơi dự định thực hiện tội phạm,...
Thứ hai, nguyên nhân không thực hiện tội phạm được đến cùng là do khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Tức là do các nhân tố khách quan tác động mà người phạm tội không thể thực hiện được các bước tiếp theo như là bị người khác phát hiện. Đây cũng chính là yếu tố giúp phân biệt với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
2.3. Các dạng thể hiện của hành vi chuẩn bị phạm tội
Hành vi chuẩn bị phạm tội thường được thể hiện dưới các dạng sau1:
- Triển khai kế hoạch thực hiện tội phạm như: nên sử dụng công cụ, phương tiện gì để thực hiện tội phạm, bàn bạc, phân công trách
1 Xem thêm: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần chung), Nxb. Tư pháp, 2017, tr.87.
nhiệm cho từng người, kế hoạch tiêu thụ tài sản hay kế hoạch che giấu tội phạm...
- Thăm dò lịch trình sinh hoạt hoặc tìm địa điểm phạm tội. Ví dụ:
A muốn gây thương tích cho B, nên A đã nhiều lần đến theo dõi B để thăm dò xem B thường đi tới những đâu, khi nào hay đi một mình, nơi ít người để ý trong khoảng thời gian nào...
- Chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội như: chuẩn bị dao để giết người, chuẩn bị xăng để đốt nhà, mua kìm hay dây an toàn để phá cửa, trèo tường vào nhà...
- Loại trừ trước những trở ngại khách quan để thực hiện tội phạm được thuận lợi dễ dàng như: làm vô hiệu thiết bị báo động hoặc camera để tránh báo động và ghi hình...
Như vậy, chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra tiền đề (điều kiện) cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi chuẩn bị phạm tội đóng vai trò quan trọng cho kết quả của việc thực hiện tội phạm, chuẩn bị càng chu đáo, công phu bao nhiêu thì việc thực hiện tội phạm càng đạt kết quả bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội được đánh giá và phân biệt thành hai loại: loại hành vi chuẩn bị phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hành vi chuẩn bị phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù cả hai loại đều chưa gây ra hậu quả, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội có khác nhau và sự khác nhau đó lại không phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi chuẩn bị mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của cấu thành tội phạm khi tội phạm hoàn thành mà người đó định thực hiện.