TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 133 - 138)

Chương 8 CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN TỘI PHẠM

5. TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI

Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015, tự ý nửa

chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người phạm tội có thể do bản tính, có thể do hoàn cảnh xô đẩy hoặc có thể vì nguyên nhân nào đó nhưng dù là bất kỳ nguyên nhân nào thì trước hết cũng là do tồn tại bên trong người phạm tội về sự hướng thiện và lòng trắc ẩn. Luật hình sự là công cụ có tính răn đe nhưng nó cũng có tính giáo dục, cải tạo người phạm tội để người phạm tội nhận thức được sai lầm. Do vậy, việc người phạm tội tự bản thân mình dừng lại việc thực hiện tội phạm là sự thể hiện về nhận thức sai lầm trong hành vi mà chủ thể thực hiện. Trong trường hợp này, Bộ luật Hình sự có quy định nhằm khuyến khích và ghi nhận cơ hội sửa chữa sai lầm hợp thời điểm. Theo đó, người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là quy định một mặt thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự, nó tạo cơ hội cho một người đã có ý định phạm tội, đã có hành vi chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng đã tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, được hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nó cho phép một người có ý định phạm tội, đã chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, vẫn có khả năng lựa chọn cách xử sự của mình: một là, tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng thì sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của luật pháp; hai là, tự mình chấm dứt việc phạm tội thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều trường hợp, một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã lựa chọn cách xử sự thứ hai và điều đó rõ ràng đã góp phần hạn chế những thiệt hại nguy hiểm có thể xảy ra cho xã hội.

5.2. Các điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội Một hành vi được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn hai điều kiện bắt buộc sau:

- Điều kiện thứ nhất là về tâm lý: hành vi chấm dứt việc phạm tội phải là tự nguyện và dứt khoát, nghĩa là phải do chính người thực hiện hành vi tự quyết định chấm dứt việc phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản việc người đó tiếp tục phạm tội và sự chấm dứt đó phải là việc từ bỏ hẳn ý định thực hiện tội phạm.

Sự chấm dứt tội phạm được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là do người thực hiện hành vi tự nguyện và dứt khoát chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa. Trường hợp người phạm tội chỉ chấm dứt tạm thời, tạm ngừng việc thực hiện tội phạm để chờ cơ hội thuận tiện hơn, chuẩn bị phương tiện tinh vi hơn, thủ đoạn xảo quyệt hơn rồi sẽ tiếp tục phạm tội thì không được coi là dứt khoát.

- Điều kiện thứ hai là về thời điểm: sự chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình một người đã có hành vi bắt tay vào việc thực hiện ý định phạm tội nhưng việc thực hiện tội phạm chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Tóm lại, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chủ thể phải chấm dứt cả chủ ý phạm tội của mình1 và việc dừng lại hành vi trái pháp luật phải thỏa mãn về thời điểm.

Nếu một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm nhưng tội phạm chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó thì dù sau đó người ấy không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vì hành vi của người đó đã ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

1 Hồ Sỹ Sơn, Luật hình sự so sánh (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2018, tr.133.

Nếu một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm nhưng giữa hành vi mà người đó thực hiện với hậu quả nguy hiểm cho xã hội còn có một khoảng thời gian. Trong khoảng thời gian này, người ấy lại có những hành động tích cực ngăn chặn tội phạm khiến cho tội phạm không hoàn thành được cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội1.

Trường hợp người phạm tội có tự ý dừng lại việc thực hiện tội phạm nhưng việc dừng lại là ở thời điểm phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì vẫn không được miễn trách nhiệm hình sự. Bởi vì, ở thời điểm phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, người phạm tội đã thực hiện xong hết các hành vi khách quan, hậu quả thiệt hại của tội phạm tuy chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra mà không cần người phạm tội phải có hành vi nào tiếp theo nữa.

Có sự khác nhau về trách nhiệm hình sự giữa trường hợp phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là bởi vì, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp người phạm tội đã tự kiềm chế bản thân, không thực hiện đến cùng hành vi phạm tội mà người đó bắt đầu, mặc dù họ biết có khả năng thực hiện tội phạm đó đến cùng và không có gì ngăn cản họ. Đây là trường hợp phân biệt rõ ràng giữa tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội với trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt (do những trở ngại ngoài ý muốn làm cho người phạm tội không thực hiện được hành vi phạm tội như mong muốn) để làm căn cứ xác định vấn đề chịu trách nhiệm hình sự.

5.3. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách

1 Phạm Mạnh Hùng, “Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 8 năm 1995.

nhiệm hình sự về tội định phạm. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Ví dụ: chủ thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) đã thực hiện được hành vi bắt cóc, khi chưa thực hiện hành vi tống tiền thì đã tự mình dừng lại không tiếp tục thực hiện hành vi tống tiền và đòi chiếm đoạt tài sản nữa. Như vậy, chủ thể đó được miễn trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, vì tội phạm mà họ dừng lại là ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Nhưng chủ thể có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157), nếu trên thực tế hành vi bắt cóc con tin đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội này.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Trình bày các dạng thể hiện của hành vi chuẩn bị phạm tội?

Câu 2. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội?

Câu 3. Các dấu hiệu để xác định trường hợp phạm tội chưa đạt như thế nào?

Câu 4. Phân loại các trường hợp phạm tội chưa đạt?

Câu 5. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt?

Câu 6. Các điều kiện và trách nhiệm hình sự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 133 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)