SAI LẦM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA SAI LẦM ĐỐI VỚI VẤN

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 121 - 125)

Chương 7 MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM

4. SAI LẦM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA SAI LẦM ĐỐI VỚI VẤN

4.1. Sai lầm về pháp luật

Sai lầm về pháp luật là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất pháp lý và hậu quả pháp lý đối với hành vi của mình. Xuất phát từ nguyên tắc pháp chế và cơ sở để truy cứu trách nhiệm theo hướng “có luật, có tội;

không có luật, không có tội” được ghi nhận tại Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, sai lầm về pháp luật là sự đánh giá không đúng của một người về tính chất pháp lý của hành vi đã thực hiện. Sai lầm về pháp luật có hai dạng, cụ thể:

- Dạng thứ nhất, chủ thể hiểu sai rằng hành vi của mình là phạm tội nhưng trên thực tế, Bộ luật Hình sự không quy định hành vi đó là tội phạm, nên họ không phạm tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: A (20 tuổi) có hành vi cố ý duy trì mối quan hệ vợ chồng trái pháp luật với B (17 tuổi), sau khi nghe người bạn nói rằng, nếu quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ phạm tội tảo hôn, sợ bị bỏ tù, A đã đến cơ quan chức năng để khai báo. Tuy nhiên, khi khai báo thì mới biết hành vi của mình không phạm tội, vì tội tảo hôn đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ.

- Dạng thứ hai, chủ thể hiểu sai rằng hành vi của mình không phạm tội, nhưng trên thực tế, Bộ luật Hình sự quy định hành vi đó là tội phạm. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng họ vẫn thực hiện thì họ vẫn có lỗi, do đó, họ vẫn bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vì, công dân có nghĩa vụ phải tìm hiểu và tuân theo những quy định của pháp luật. Việc họ không biết luật là do lỗi của họ. Chính vì vậy, họ không thể viện lý do không biết luật để chối tội. Tuy nhiên, đây có thể là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội do lạc hậu”. Ví dụ: A (20 tuổi) có quan hệ tình cảm với B (15 tuổi). Vì yêu

nhau đã lâu nên A nảy sinh ý định giao cấu với B. A cứ nghĩ rằng chỉ phạm tội khi giao cấu trái ý muốn với nạn nhân, nên A đã quyết định gặp B, xin B cho giao cấu. A đã hẹn B đến khu vườn sau nhà để tâm sự, khi B đến, A đã xin B cho giao cấu, vì yêu A nên B đã đồng ý. Vài ngày sau, khi thấy con gái có biểu hiện lạ, nên mẹ của B hỏi và B đã khai về việc đã giao cấu với A. Thấy con bị xâm hại, nên mẹ của B cùng B đến cơ quan chức năng tố giác hành vi của A. Sau đó, A đã bị bắt về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4.2. Sai lầm về sự việc

Sai lầm về sự việc là sự hiểu lầm của chủ thể về những tình tiết thực tế đối với hành vi của mình. Sai lầm về sự việc có các dạng: (1) sai lầm về khách thể; (2) sai lầm về đối tượng tác động; (3) sai lầm về quan hệ nhân quả; (4) sai lầm về công cụ, phương tiện phạm tội, cụ thể:

- Sai lầm về khách thể, là sai lầm của chủ thể về tính chất của quan hệ xã hội là đối tượng hành vi của mình. Sai lầm về khách thể có các dạng sau:

Dạng thứ nhất, chủ thể có hành vi nhằm xâm hại một khách thể nhất định được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã không xâm hại được do đã tác động nhầm vào đối tượng tác động thuộc khách thể khác. Ví dụ: Một người đi săn động vật hoang dã quý hiếm là tê giác, đã bắn nhầm vào một người đi săn khác do tưởng đó là con tê giác mình đang săn. Trường hợp này, con tê giác là động vật quý hiếm thuộc đối tượng tác động của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dạng thứ hai, chủ thể có hành vi nhằm xâm hại khách thể nhất định được luật hình sự bảo vệ nhưng đã không xâm hại được vì đã tác động nhầm vào đối tượng tác động không phải là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: A có hành vi muốn giết B, đã vào giường của B

đâm nhiều nhát vào chăn vì cho rằng B đang nằm trong chăn, nhưng thực tế không phải B, mà là con thú nhồi bông.

Dạng thứ ba, chủ thể không định xâm hại khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã xâm hại vì đã tác động nhầm vào đối tượng thuộc khách thể được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: Trong khi đi săn bắn lợn rừng (không phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm không thuộc đối tượng tác động của Điều 244 Bộ luật Hình sự) nhưng lại bắn nhầm vào người đi rừng khác.

Trong ba trường hợp sai lầm về khách thể trên, trường hợp thứ nhất và thứ hai, người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm định thực hiện, ở trường hợp thứ ba, người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã gây ra trên thực tế với lỗi vô ý.

- Sai lầm về đối tượng tác động, là sai lầm của chủ thể về đối tượng tác động khi thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: A định giết B nhưng đã giết nhầm sang C. Trong trường hợp này chỉ có sự nhầm lẫn về đối tượng tác động, còn khách thể bị xâm hại vẫn là quyền được sống của con người. Sai lầm về đối tượng tác động không ảnh hưởng đến lỗi và trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

- Sai lầm về quan hệ nhân quả, là sai lầm của chủ thể trong việc định giá sự phát triển của hành vi đã thực hiện của mình. Ví dụ: A chỉ muốn gây thương tích cho B, đã dùng dao chém vào cánh tay của B, rồi bỏ đi. Do bị mất máu cấp nên B đã chết. Trường hợp này, B bị truy cứu về tội mà B cố ý thực hiện là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, còn hậu quả B chết là vô ý nên sẽ dùng làm dấu hiệu định khung hình phạt.

- Sai lầm về công cụ, phương tiện phạm tội, là sai lầm của chủ thể về tính chất của công cụ, phương tiện sử dụng khi thực hiện hành vi.

Có hai dạng của sai lầm về công cụ, phương tiện phạm tội:

Dạng thứ nhất, chủ thể sử dụng công cụ, phương tiện tưởng có tính năng gây thiệt hại, nhưng thực tế nó không thể gây ra thiệt hại. Ví dụ:

A giết B bằng cách cho B uống thuốc độc, nhưng thực tế đó không phải là thuốc độc nên B không chết. Trong trường hợp này, A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Dạng thứ hai, chủ thể sử dụng công cụ, phương tiện tưởng không có tính năng gây thiệt hại nhưng thực tế đã gây ra thiệt hại cho xã hội.

Ví dụ: Tưởng súng không có đạn nên đã nhắm vào đầu bạn mình, bóp cò để đùa giỡn. Nhưng thực tế súng có đạn làm cho bạn bị chết. Trong trường hợp này chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm với lỗi vô ý.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Phân biệt lỗi vô ý vì quá tự tin với lỗi vô ý do cẩu thả. Cho ví dụ minh họa?

Câu 2. Đánh giá vai trò pháp lý của động cơ và mục đích phạm tội?

Câu 3. Phân tích ý nghĩa của việc nghiên cứu vấn đề sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm đối với trách nhiệm hình sự?

Chương 8

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 121 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)