MỘT SỐ TỘI DANH ĐIỂN HÌNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒNG PHẠM

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 151 - 156)

5.1. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định hai hành vi sau:

Hành vi chứa chấp thể hiện qua việc: cất giữ, bảo quản; cất giấu hay cất, giữ, giấu tài sản mà biết rõ đó là tài sản do người khác phạm

tội mà có. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào, có thể cất giấu tài sản tại nhà mình, tại nơi làm việc, nhận hộ là tài sản của mình để che giấu cơ quan điều tra; giúp người phạm tội cất giấu tài sản do phạm tội mà có. Nếu mục đích của người có hành vi cất giữ là ngăn cản các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện tội phạm thì hành vi của họ lại phạm Tội che giấu tội phạm theo Điều 389 Bộ luật Hình sự.

Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn: nhận, mua để dùng, để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội; chuyển đổi, mua lại hay chuyển giao tài sản cho người khác. Sự chuyển giao tài sản này cho người khác có thể thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào như bán, trao đổi, tặng, để cho sử dụng, cầm cố.

Để cấu thành tội phạm này, chủ thể thực hiện hành vi phải thỏa mãn điều kiện dấu hiệu về mặt chủ quan đó là:

- Chủ thể thực hiện hành vi không hứa hẹn việc sẽ thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ trước khi người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

- Chủ thể biết rõ tài sản mà mình đang chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản mà có sự hứa hẹn trước đó thì đây là hành giúp sức trong đồng phạm, do đó cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với tội danh mà người thực hành đã thực hiện để chiếm đoạt tài sản.

5.2. Tội che giấu tội phạm

Người nào không hứa hẹn trước với người phạm tội, nhưng đã có hành vi che giấu cho tội phạm thì sẽ bị xử lý về tội che giấu tội phạm.

Hành vi che giấu tội phạm là việc thực hiện các hành che giấu

người phạm tội, cũng như các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội sau khi biết tội phạm được thực hiện. Hành vi che giấu tội phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nhằm che giấu một trong những tội phạm được liệt kê tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hành vi che giấu tội phạm gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện tội phạm, cản trở việc tìm ra và xử lý người phạm tội, cản trở việc khắc phục hậu quả của tội phạm và có khả năng còn khuyến khích người phạm tội.

Khoản 1 Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả dấu hiệu của hành vi che giấu tội phạm để phân biệt với hành vi đồng phạm và xác định trách nhiệm hình sự của hành vi che giấu tội phạm. Theo đó,

“dấu hiệu của hành vi che giấu tội phạm để phân biệt với hành vi giúp sức trong đồng phạm là không có sự hứa hẹn trước; hành vi che giấu tội phạm được thực hiện khi tội phạm đã kết thúc nên không có tác động đến việc thực hiện tội phạm”1.

5.3. Tội không tố giác tội phạm

Theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi không tố giác tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

1 Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần chung), Nxb. Tư pháp, 2017, tr.111-112.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Hành vi không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 hoặc một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.

- Tội phạm đang chuẩn bị: là trường hợp người phạm tội đang tiến hành tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.

- Tội phạm đang thực hiện: là trường hợp người phạm tội đang thực hiện các hành vi phạm tội mà chưa hoàn thành tội phạm đó (tức tội phạm đã hoàn thành).

- Tội phạm đã được thực hiện: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện xong những hành vi cấu thành của một tội phạm cụ thể.

Hành vi khách quan của tội không tố giác tội phạm luôn được thực hiện ở dạng không hành động, khác với hành vi khách quan của tội che giấu tội phạm. Ví dụ: trong vụ án nữ sinh đi giao gà bị hãm hiếp và giết chết từ đêm 30 Tết cho đến rạng sáng ngày mùng 3 Tết, T là vợ của một trong các nghi phạm thực hiện vụ án trên biết chồng và các đối tượng khác đã bắt giữ, khống chế và hãm hiếp nữ sinh D. mặc dù lúc đầu nghe thấy tiếng cô gái khóc lóc, kêu cứu nhưng T đã không làm gì. Tuy nhiên, do sau đó còn khai những thông tin không chính xác gây khó khăn cho công tác điều tra, nên T có thể bị truy tố về Tội che giấu tội phạm1.

1 Bài viết: “Vụ nữ sinh giao gà, che giấu hay không tố giác tội phạm?” xem tại địa chỉ: https://

luatvietnam.vn/hinh-su/phan-biet-che-giau-toi-pham-va-khong-to-giac-toi-pham-569- 19517-article.html, truy cập ngày 02/5/2019.

Cũng giống như tội che giấu tội phạm, hành vi không tố giác tội phạm có thể là đồng phạm với tội phạm không được tố giác nếu giữa những người trong đồng phạm có sự thỏa thuận, hứa hẹn hoặc bàn bạc trước khi tội phạm được thực hiện.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Trình bày ý nghĩa của chế định đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam?

Câu 2. Hãy nhận diện và phân tích các hình thức đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam?

Câu 3. Trình bày những nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm?

Câu 4. Chứng minh những hành vi phạm tội liên quan đến đồng phạm?

Chương 10

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 151 - 156)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)