Theo khái niệm được quy định ở khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Trong quá trình phạm tội, từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, vai trò của người tổ chức trong mỗi vụ án được thể hiện qua việc mỗi người phạm tội đều bày tỏ thái độ thuần phục trước người tổ chức. Sự thuần phục đó có thể là do kính nể, do sợ hãi hoặc do nội quy chặt chẽ, kỷ luật nghiêm khắc khi có sự vi phạm. Trong đó:
- Người chủ mưu là người khởi xướng việc thực hiện tội phạm, đề ra phương hướng hoạt động của nhóm đồng phạm. Người chủ mưu là người nghĩ ra hoạt động phạm tội, rủ rê đồng bọn, phân công vai trò và vạch kế hoạch hoạt động như: hoạt động ở đâu, đối tượng là ai, cần chuẩn bị những gì, khắc phục khó khăn, trở ngại ra sao, ai chỉ huy, ai hoạt động đắc lực, nếu bị phát hiện thì rút lui bằng cách nào, hay tiêu thụ tài sản lấy được ở đâu? Do vậy, “người chủ mưu là linh hồn của tổ chức phạm tội, là kẻ bày mưu đặt kế”1.
- Người cầm đầu là người thành lập nhóm đồng phạm, soạn thảo các kế hoạch, các bước thực hiện tội phạm, phân công, giao nhiệm vụ cho từng người trong vụ án đồng phạm, chỉ đạo, điều hành hoạt động của nhóm đồng phạm.
- Người chỉ huy là người điều khiển trực tiếp việc thực hiện tội phạm của nhóm đồng phạm.
Như vậy, người tổ chức là người khởi xướng các chủ trương, kế
1 Đặng Văn Doãn (1986), Vấn đề đồng phạm, Nxb. Pháp Lý, Hà Nội, tr.48.
hoạch, phương hướng, chỉ đạo, điều hành hoạt động của nhóm đồng phạm. Đặc điểm cơ bản nhất của người tổ chức là tập hợp những người đồng phạm khác, do đó, người tổ chức là người nguy hiểm nhất trong số những người đồng phạm. Người tổ chức còn được gọi là “linh hồn”
của tội phạm, là người lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động của đồng bọn1. Vì thế nên trách nhiệm hình sự của người tổ chức cũng nghiêm khắc hơn những người khác trong nhóm đồng phạm.
Hành vi tổ chức phạm tội hoàn thành khi người tổ chức thực hiện hành vi tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác có hành vi tham gia thực hiện tội phạm trên thực tế.
2.2. Người xúi giục
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2017).
Như vậy, người xúi giục là người cố ý tác động đến nhận thức và ý chí của người khác để người này hình thành ý định phạm tội và cổ vũ, thúc ép người khác thực hiện ý định phạm tội đó. Hành vi xúi giục phải nhằm vào một hoặc nhóm người xác định và phải hướng tới việc thực hiện tội phạm cụ thể. Nếu chỉ kêu gọi, cổ vũ mà không xác định được đối tượng cụ thể thì không phải là hành vi xúi giục.
Người xúi giục tuy tham gia trước khi người thực hành có ý định phạm tội, nhưng việc có hay không thực hiện tội phạm là do người thực hành tự quyết định. Đây là yếu tố để phân biệt hành vi của người xúi giục với người chủ mưu. Người chủ mưu tham gia trong suốt quá trình (trước, trong và sau), người thực hành thực hiện tội phạm và đóng vai trò quyết định việc thực hiện hay không thực hiện tội phạm của người khác.
Hành vi xúi giục phạm tội hoàn thành khi hành vi của người xúi
1 Đào Trí Úc (chủ biên - 1993), Mô hình lý luận về Bộ luật Hình sự Việt Nam (phần chung), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.132.
giục phạm tội kích động, dụ dỗ, thúc đẩy được việc tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể của một người đồng phạm cụ thể. Người xúi giục phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như người thực hiện tội phạm, trừ trường hợp người xúi giục không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
2.3. Người thực hành
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015). Được coi là trực tiếp thực hiện tội phạm khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp thứ nhất: là người thực hành tự mình thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: trong vụ án đồng phạm về cướp tài sản, A và B đã dùng vũ lực để cùng khống chế nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.
- Trường hợp thứ hai: là trường hợp không tự mình thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm mà lại thông qua sự tác động lên người khác, nhưng theo các quy định của Bộ luật Hình sự thì người bị tác động đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp người bị tác động tuy thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng họ không đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự (ví dụ: xúi giục người bị tâm thần đốt nhà) hoặc người này không có lỗi (ví dụ: A nhờ B xách hộ túi hàng bên trong có chứa ma túy nhưng B không biết).
2.4. Người giúp sức
Theo khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì, người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người giúp sức chỉ tham gia vào thời điểm sau khi người thực hành có ý định phạm tội, trong khi đó, người xúi giục lại tham gia trước thời điểm người thực hành có ý định phạm tội.
Tính nguy hiểm của hành vi giúp sức thể hiện ở chỗ, hành vi
tạo điều kiện vật chất hoặc những lời hứa hẹn của người giúp sức làm tăng thêm động lực cho người thực hành thực hiện tội phạm, trong rất nhiều trường hợp, việc thực hiện tội phạm của người thực hành có xảy ra hay không hoặc thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi như thế nào là phụ thuộc vào các hành vi của người giúp sức.
Việc giúp sức có thể được thực hiện ở một trong hai dạng sau:
- Giúp sức về vật chất: là dạng cung cấp công cụ, phương tiện cho người khác sử dụng để thực hiện tội phạm hoặc khắc phục các trở ngại khách quan để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được thuận lợi.
- Giúp sức về tinh thần: là ủng hộ việc thực hiện tội phạm bằng hình thức chỉ dẫn, góp ý kiến cho việc chuẩn bị hoặc thực hiện tội phạm, cung cấp tình hình về hoàn cảnh, địa điểm nơi sẽ tiến hành việc thực hiện tội phạm hoặc thông tin về nhân thân của nạn nhân, hứa hẹn trước sẽ che giấu tội phạm hay các tang vật của vụ án hoặc hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ tang vật.
Hành vi giúp sức phạm tội hoàn thành khi hành vi của người giúp sức phạm tội tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần đã được sử dụng để tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể. Người giúp sức phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn so với người thực hiện tội phạm.