Giải thích Bộ luật Hình sự

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 52 - 55)

Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

3. NGUỒN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

3.3. Giải thích Bộ luật Hình sự

Giải thích Bộ luật Hình sự là việc làm sáng rõ một cách chính xác

nội dung và ý nghĩa của các điều luật, đảm bảo cho sự nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự được đúng đắn, nghiêm chỉnh và thống nhất.

Căn cứ vào chủ thể và hiệu lực pháp lý, giải thích pháp luật nói chung và giải thích pháp luật hình sự nói riêng được phân biệt thành giải thích chính thức và giải thích không chính thức.

Giải thích chính thức là giải thích có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước và mọi công dân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải thích pháp luật thực hiện. Còn giải thích không chính thức là giải thích chỉ có giá trị tham khảo do bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào thực hiện. Khi thực hiện việc giải thích các chủ thể có thể sử dụng các phương pháp khác nhau. Các chủ thể giải thích pháp luật hình sự bao gồm:

Một là, giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: là giải thích chính thức, được quy định tại Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và Điều 159 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành dưới hình thức nghị quyết.

Hai là, giải thích của cơ quan xét xử: theo Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn các tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án”. Việc hướng dẫn này, theo Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thực hiện qua việc ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; theo Điều 22 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là việc ban hành thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, theo Điều 25 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thể cùng với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ trưởng của các bộ có liên quan ban hành thông tư liên tịch để áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự. Thực chất của hoạt động này thể hiện dưới

dạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng nghị quyết hay thông tư với tính chất là giải thích pháp luật có tính quy phạm.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao còn có thể hướng dẫn các tòa án cấp dưới giải quyết các vụ việc cụ thể thông qua công văn hướng dẫn. Hoạt động giải thích này của cơ quan Toà án mang tính chất bắt buộc trong phạm vi của bản án đó và có tính chất bắt buộc đối với Toà án cấp dưới.

Ba là, giải thích của các nhà khoa học, người làm công tác nghiên cứu: là giải thích của các cán bộ nghiên cứu, làm công tác thực tiễn và có thể công bố dưới các dạng công trình nghiên cứu như bài báo, giáo trình, bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, luận án, luận văn. Những giải thích này tuy không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý nhưng có thể giúp việc hiểu rõ hơn nội dung của các quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự, góp phần làm phong phú thêm tri thức về Bộ luật Hình sự nói riêng cũng như khoa học luật hình sự nói chung.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Các nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

Câu 2. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về vấn đề hiệu lực về không gian của Bộ luật Hình sự?

Câu 3. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về vấn đề hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự?

Câu 4. Vấn đề hiệu lực hồi tố của Bộ luật Hình sự Việt Nam được hiểu như thế nào?

Chương 2

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)