Phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 64 - 68)

Chương 2 TỘI PHẠM VÀ PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

1. KHÁI NIỆM VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TỘI PHẠM

1.3. Phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác

Việc phân biệt tội phạm và các vi phạm pháp luật khác dựa vào các căn cứ sau:

- Xét về nội dung chính trị - xã hội của tội phạm

Tội phạm và các vi phạm pháp luật khác đều có tính nguy hiểm cho xã hội, nhưng các loại hành vi đó khác nhau ở mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. Do đó, tiêu chuẩn cơ bản của việc phân biệt tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác là mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của các loại vi phạm pháp luật.

Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đáng kể, còn mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm pháp luật khác là không đáng kể.

Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm” (khoản 2). Ranh giới giữa “nguy hiểm đáng kể cho xã hội và nguy hiểm chưa đáng kể cho xã hội”

trong nhiều trường hợp được chỉ ra cụ thể trong pháp luật hình sự, nhưng cũng có trường hợp phải có sự giải thích khi áp dụng pháp luật hình sự.

Trong trường hợp ranh giới giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác được chỉ ra trong Bộ luật Hình sự hay trong các văn bản dưới luật, thì trong trường hợp đó, hành vi được quy định chỉ có thể là tội phạm chứ không thể là hành vi vi phạm pháp luật khác. Ví dụ: hành vi phản bội Tổ quốc, hành vi giết người, hành vi hiếp dâm, hành vi cướp tài sản...

Trong trường hợp ranh giới giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác không được chỉ rõ trong pháp luật hình sự, thì khi phân biệt các loại hành vi đó cần phải có sự giải thích dựa trên nhận thức khung về ranh giới giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác (mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội). Trong trường hợp này, những người áp dụng pháp luật hình sự phải đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã được thực hiện là có mức độ nguy hiểm đáng kể hay không đáng kể. Ví dụ: Tội làm nhục người khác được quy định là hành vi: “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người

khác” (Điều 155). Do đó, khi áp dụng điều luật này, người áp dụng pháp luật hình sự phải xem xét, đánh giá xem hành vi được thực hiện đã đến mức xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hay chưa.

- Xét về hình thức pháp lý

Tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự, còn các vi phạm pháp luật khác được quy định trong các văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác. Dấu hiệu này mang tính hình thức, nhưng nó phản ánh dấu hiệu nội dung đã nói ở trên. Một hành vi chỉ có thể bị coi là tội phạm, nếu đã được quy định trong pháp luật hình sự. Nếu một hành vi chưa được hoặc không được quy định trong pháp luật hình sự, thì không thể coi hành vi đó là tội phạm.

Trong trường hợp này, cần phải xác định hành vi đó phải là vi phạm pháp luật khác hay không mà không đặt vấn đề xác định có phải là tội phạm hay không.

- Xét về hậu quả pháp lý

Tội phạm bị xử lý bằng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt còn các loại vi phạm pháp luật khác được xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế ít nghiêm khắc hơn là các chế tài khác (dân sự, hành chính, kỷ luật…). Việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội dẫn đến hậu quả là người đó có án tích, còn người vi phạm pháp luật khác khi bị xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế khác không mang hậu quả đó.

- Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể tội phạm là con người cụ thể hoặc pháp nhân thương mại, còn chủ thể của vi phạm pháp luật khác có thể là cá nhân, có thể là tất cả các loại hình pháp nhân.

Sự đánh giá này được thể hiện ở bảng so sánh sau:

Tội phạm Vi phạm pháp luật khác 1. Mức độ nguy hiểm

cho xã hội

- Đáng kể - Không đáng kể 2. Hậu quả pháp lý - Trách nhiệm

hình sự là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất

- Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật, là các biện pháp cưỡng chế ít nghiêm khắc hơn

3. Hình thức pháp lý - Chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự

- Quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác

4. Chủ thể - Cá nhân hoặc pháp nhân thương mại

- Có thể là cá nhân, có thể là tất cả các loại hình pháp nhân

1.3.2. Các tiêu chuẩn đối với từng chủ thể để phân biệt giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác

- Đối với nhà làm luật: căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm để phân biệt giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Đó là, (1) dựa vào sự đánh giá tính chất của các quan hệ xã hội bị xâm hại;

(2) dựa vào sự đánh giá hình thức mức độ lỗi; (3) dựa vào sự đánh giá mức độ thiệt hại gây ra.

- Đối với người giải thích pháp luật: căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi để phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Cụ thể: (1) đánh giá mức độ thiệt hại gây ra; (2) đánh giá phương pháp thủ đoạn, động cơ phạm tội; (3) đánh giá nhân thân người phạm tội.

- Đối với người áp dụng pháp luật: dựa vào tính được quy định trong Bộ luật Hình sự để phân biệt tội phạm với vi phạm pháp luật khác.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)