Phòng vệ chính đáng

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 164 - 169)

NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2.3. Phòng vệ chính đáng

Chế định phòng vệ chính đáng là chế định tồn tại từ lâu trong pháp luật hình sự Việt Nam1, và được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới2. Nhằm khuyến khích cá nhân tự bảo vệ mình hoặc tham gia vào bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tổ chức, của người khác trước những hành vi tấn công xâm hại, luật hình

1 Trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1985, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 07 ngày 22/12/1983, trong đó, phần I quy định về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

2 Pháp luật hình sự của Nga, Thụy Điển, Trung Quốc…

sự ghi nhận phòng vệ chính đáng là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự (không phải chịu trách nhiệm hình sự).

Phòng vệ chính đáng trong nhiều trường hợp cũng có thể gây thiệt hại cho một chủ thể nào đó, nhưng vì có những yếu tố làm cho tính nguy hiểm cho xã hội không còn, thậm chí phù hợp với lợi ích của xã hội, được xã hội khuyến khích và được pháp luật ghi nhận.

Khái niệm phòng vệ chính đáng được ghi nhận tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Với khái niệm này có thể thấy rằng, mục đích của việc phòng vệ là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tấn công và hạn chế bớt những thiệt hại của hành vi tấn công gây ra hoặc có thể gây ra đối với các lợi ích quan trọng của xã hội. Chính vì vậy, phòng vệ chính đáng không bị xem là tội phạm.

2.3.2. Điều kiện của phòng vệ chính đáng

Để được coi là phòng vệ chính đáng phải đảm bảo các điều kiện cần thiết liên quan đến hành vi tấn công, hành vi chống trả. Đó là các điều kiện để xác định cơ sở phát sinh quyền phòng vệ cũng như điều kiện để được xem là phòng vệ chính đáng. Căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự, một người thực hiện hành vi nguy hiểm gây nguy hại cho xã hội được xem là phòng vệ chính đáng khi thỏa mãn các điều kiện sau:

- Điều kiện về hành vi tấn công

Thứ nhất, hành vi tấn công phải xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của người phòng vệ hoặc của người khác. Nguồn gây nguy hiểm cho các lợi ích cần được bảo vệ chính là hành vi của con người, đây chính là nguồn gốc làm xuất hiện

quyền phòng vệ, nếu hành vi gây nguy hại không phải do con người gây ra thì không được xem là phòng vệ chính đáng. Những lợi ích được luật hình sự bảo vệ, bị hành vi tấn công xâm hại là những lợi ích quan trọng, hợp pháp cần được bảo vệ.

Thứ hai, phải có hành vi tấn công xâm hại đang diễn ra. Đây chính là điều kiện để xem xét về thời điểm phát sinh quyền phòng vệ.

Theo đó, hành vi tấn công đang diễn ra được xét ở ba thời điểm: (1) hành vi tấn công chưa bắt đầu, nhưng người tấn công thực hiện hành vi liền trước để hỗ trợ cho hành vi tấn công. Ví dụ: A có hành vi cúi xuống nhặt dao để chém B, trường hợp này B có quyền phòng vệ ngay thời điểm A cúi xuống nhặt dao, lúc này, hành vi tấn công để chém B chưa xảy ra, nhưng có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, nên chủ thể có quyền phòng vệ; (2) hành vi tấn công đang diễn ra mà chưa kết thúc;

(3) hành vi tấn công xâm hại đã kết thúc, nhưng quyền phòng vệ phát sinh liền ngay sau đó để ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Ví dụ: A có hành vi giật túi xách của chị B, ngay lúc A mới giật xong thì C thấy, tại thời điểm này C có quyền chống trả (cần thiết) để lấy lại túi xách cho chị B, sự chống trả tại thời điểm hành vi tấn công kết thúc này vẫn được xem là phòng vệ chính đáng.

Ngoài những thời điểm nói trên, hành vi chống trả không được xem xét để áp dụng phòng vệ chính đáng, những trường hợp này có thể rơi vào trường hợp phòng vệ quá sớm hoặc phòng vệ quá muộn hoặc phòng vệ tưởng tượng, và những trường hợp này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bình thường.

- Điều kiện về hành vi chống trả để phòng vệ

Hành vi chống trả để phòng vệ chỉ được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người có hành vi tấn công hoặc công cụ, phương tiện họ đang sử dụng. Thiệt hại do

hành vi phòng vệ gây ra là thiệt hại cho chính người có hành vi tấn công chứ không được nhằm vào người khác và gây thiệt hại khác của họ.

Hành vi phòng vệ chống trả nếu vô ý gây thiệt hại cho người khác không phải là người tấn công thì người phòng vệ vẫn phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Mặt khác, mục đích của hành vi phòng vệ phải nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự tấn công từ phía người tấn công mà không được nhằm mục đích khác.

Thứ hai, hành vi phòng vệ chống trả phải là “cần thiết”. Thuật ngữ

“cần thiết” là ranh giới để xác định phòng vệ chính đáng hay vượt quá yêu cầu do phòng vệ chính đáng. Do đó, việc chứng minh “giới hạn”

này rất quan trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào của cơ quan chức năng về làm rõ mức độ “cần thiết” trong phòng vệ chính đáng. Trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự giải thích tính chất tương xứng của hành vi phòng vệ với hành vi tấn công được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985. Theo hướng dẫn của văn bản này thì, để đánh giá sự tương xứng giữa hai loại hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các tình tiết liên quan đến tương quan lực lượng giữa bên tấn công và bên phòng vệ; công cụ, phương tiện hai bên sử dụng; cường độ, thái độ của sự tấn công, nhân thân người tấn công; mức độ hậu quả của hai loại hành vi gây ra hoặc đe dọa gây ra. Tuy nhiên, thuật ngữ “tương xứng” không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì tương xứng dùng để chỉ sự cân đối giữa sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác và nó mang tính tuyệt đối hóa, do đó, nhà làm luật đã thay thế bằng thuật ngữ “cần thiết” nhằm để chỉ sự tương đối trong khi xem xét giới hạn mức độ phòng vệ của hành vi chống trả sự tấn công xâm hại.

Thực tiễn đấu tranh và cơ sở lý luận khoa học luật hình sự, về cơ bản, khi xem xét mức độ cần thiết người ta căn cứ vào những tiêu chí sau: (1) xét về tính chất và mức độ quan trọng của quan hệ xã hội (lợi ích) mà hành vi tấn công xâm hại, so với quan hệ xã hội (lợi ích) mà hành vi chống trả hướng đến gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại. Ví dụ:

A vào nhà B để trộm chiếc xe máy của B, khi phát hiện hành vi trộm cắp của A, B đã dùng dao đâm chết B. Như vậy, hành vi chống trả để bảo vệ lợi ích của B là “vượt quá mức cần thiết”; (2) xét về mức độ thiệt hại mà hành vi tấn công gây ra hoặc/và đe dọa gây ra cho các lợi ích cần được bảo vệ; (3) về tính chất, mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện, công cụ của kẻ tấn công thực hiện hoặc đe dọa thực hiện;

(4) sức mãnh liệt (cường độ) của hành vi tấn công xâm hại và khả năng phòng vệ của người chống trả. Ngoài ra, có thể xem xét thêm các yếu tố khác như thời gian, địa điểm, hoàn cảnh… phạm tội, để có sự đánh gia tính “cần thiết” khách quan, chính xác hơn.

2.3.3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là một chế định được pháp luật hình sự ghi nhận để khuyến khích công dân tham gia vào việc bảo vệ các lợi ích cần thiết của xã hội, tuy nhiên, pháp luật hình sự không khuyến khích và không cho phép một người nào đó gây ra thiệt hại vượt quá mức

“cần thiết” khi chống trả hành vi tấn công để bảo vệ các lợi ích trên.

Chính vì vậy, khi một người thực hiện hành vi vượt quá mức cần thiết sẽ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì:

“Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

Việc đánh giá xem hành vi chống trả khi phòng vệ có “vượt quá mức cần thiết” hay không, chúng ta dựa vào các tiêu chí đã nêu, tuy

nhiên, ngoài những tiêu chí đó, còn có thêm tiêu chí định lượng về thiệt hại mà hành vi tấn công gây ra so với thiệt hại của hành vi chống trả gây ra, theo đó, nếu thiệt hại mà hành vi chống trả gây ra rõ ràng lớn hơn thiệt hại do hành vi tấn công gây ra thì trường hợp này bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 164 - 169)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)